Tranh biện: “Liệu Mỹ có nên cắt viện trợ cho chiến tranh Ukraine?”
- Quang Minh
- •
Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 75 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, hướng tới các hoạt động quân sự, hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ nhân đạo. Khi chiến tranh tiếp diễn, các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi liệu họ đã làm đủ để giúp đỡ đất nước hay chưa và liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục tài trợ hay không.
Những người muốn tiếp tục tài trợ cho Ukraine nói rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo đức là hỗ trợ đất nước này khi họ cần, duy trì các liên minh đồng thời phục vụ các lợi ích chiến lược và thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các giá trị dân chủ và chủ quyền. Những người nghĩ đã đến lúc chấm dứt tài trợ cho rằng việc tài trợ sẽ làm chuyển hướng các nguồn lực cần thiết có thể dành cho các công việc có mức độ ưu tiên cao hơn trong và ngoài Hoa Kỳ. Họ cũng đặt câu hỏi liệu các quỹ có được sử dụng hiệu quả hay không, liệu Ukraine có thể thắng được hay không và liệu việc cung cấp viện trợ quân sự có thực sự góp phần vào con đường hướng tới hòa bình hay không.
Phần tranh luận dưới đây diễn ra tại trụ sở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ tại New York về câu hỏi: “Quốc hội Hoa Kỳ có nên ngừng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine không?”, giữa bên trả lời “Có” gồm ông John Mearsheimer, Giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Đại học Chicago và ông Daniel L. Davis, Trung tá về hưu, Thành viên cấp cao và chuyên gia quân sự thuộc Viện Ưu tiên Quốc phòng; cùng bên trả lời “Không” gồm bà Heather Conley, Chủ tịch Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ và bà Paula Dobriansky, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề toàn cầu; Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy; Phó Chủ tịch Trung tâm Chiến lược & An ninh của Trung tâm Scowcroft Hội đồng Đại Tây Dương.
Dưới đây là phần tranh biện của từng diễn giả và phần lời nói cuối cùng (bỏ qua phần câu hỏi):
Ông John Mearsheimer
Những người ủng hộ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thường đưa ra hai lập luận. Lập luận đầu tiên và tham vọng hơn là nếu chúng ta hỗ trợ Ukraine, trong tương lai, Ukraine sẽ không chỉ có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Nga mà còn có thể lấy lại lãnh thổ mà họ đã mất.
Lập luận thứ hai ít tham vọng hơn là nếu chúng ta tiếp tục viện trợ cho người Ukraine thì họ sẽ không thể lấy lại lãnh thổ mà họ đã mất, nhưng họ sẽ có thể bám trụ vào lãnh thổ mà họ hiện đang kiểm soát. Và kết quả cuối cùng là nó đặt Ukraine vào một vị thế thương lượng mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán trong tương lai với người Nga.
Danny [Daniel L. Davis] và tôi tin rằng cả hai lập luận này đều sai về cơ bản, vì rằng người Ukraine sẽ thua. Phương án một và phương án hai đều sẽ thất bại và nguyên nhân chính là do sự cân bằng quyền lực quân sự giữa hai bên. Thực tế là người Nga hiện có lợi thế quyết định trước Ukraine và theo thời gian, lợi thế đó sẽ tăng lên chứ không giảm đi. Phương Tây không thể làm gì để điều chỉnh lại sự cân bằng đó. Người Ukraine sẽ thua.
Vì vậy, Danny và tôi thực sự có một chiến lược thay thế mà chúng tôi nghĩ là cách tốt để giải quyết vấn đề này và nó tập trung vào ngoại giao. Điều chúng ta nên làm là tiến hành ngoại giao, thuyết phục người Ukraine tham gia ngoại giao với người Nga và cố gắng giải quyết cuộc xung đột này. Hãy đưa ra một giải pháp, đưa ra một thỏa thuận và thỏa thuận đó sẽ làm mọi thứ có thể để ổn định tình hình hiện tại. Và hơn nữa là nó giúp cho không còn người Ukraine nào bị giết và không có thêm người Nga nào bị giết.
Bây giờ câu hỏi là làm thế nào để có được sự dàn xếp mà tôi vừa mô tả. Cách làm là tạo ra một Ukraine trung lập. Một Ukraine trung lập là một Ukraine không có mối quan hệ chiến lược với phương Tây, đó là thứ nhất. Và thứ hai là Ukraine không trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga. Không được cho người Nga động cơ để cố gắng phá hoại Ukraine. Đó là cách tốt nhất để làm điều này.
Điều này có ý nghĩa gì trong điều kiện thực tế? Trước hết, điều đó có nghĩa là NATO không mở rộng sang Ukraine, điều đó là không thể. Thứ hai, điều đó có nghĩa là bạn phải chấm dứt sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine, bạn phải phá vỡ mối quan hệ chiến lược giữa Ukraine và Hoa Kỳ để tạo ra một Ukraine trung lập thực sự.
Đó là cách duy nhất để thoát khỏi mớ hỗn độn mà chúng ta đang mắc phải.
Lời nói cuối cùng:
Tôi muốn kết thúc bằng một câu chuyện ngắn. 58.000 người chết trong chiến tranh Việt Nam. Khi Richard Nixon đắc cử vào tháng 11/1968, rõ ràng là cuộc chiến đã thất bại và ông được bầu với lời hứa rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh. Ông đã không chấm dứt Chiến tranh. Chiến tranh mãi đến năm 1975 mới kết thúc.
Từ khi Nixon nhậm chức cho đến ngày 30/4/1975, 21.000 người Mỹ đã thiệt mạng. Đó là 21.000 trong số 58.000 người Mỹ đã chết. Khi Việt Nam thất thủ, Miền Nam thất thủ, Sài Gòn thất thủ, ngày 30/4/1975, đó là thắng lợi trọn vẹn và quyết định của Bắc Việt. Chúng ta đã thua một cách rõ ràng.
Vậy thì chẳng phải sẽ hợp lý hơn nếu Hoa Kỳ kết thúc chiến tranh vào tháng 1/1969 khi Nixon chuyển đến Nhà Trắng? Bởi vì nếu lúc đó chúng ta kết thúc chiến tranh và chịu thất bại giống như sẽ phải chịu năm 1975, 21.000 người Mỹ sẽ [không phải chết và] không có tên trên Bức tường Việt Nam ở Washington DC.
Đó là lập luận cơ bản mà chúng tôi đang đưa ra ở đây. Chúng tôi đang lập luận rằng nếu bạn tiếp tục cuộc chiến này bằng cách tài trợ cho người Ukraine thì ngày càng có nhiều người Ukraine sẽ chết. Lập luận của chúng tôi là việc này vô cùng vô đạo đức. Vâng, đúng là chúng ta không mất người Mỹ, và chính người Ukraine đang chết, nhưng… bạn muốn biết tôi nghĩ gì về điều đó không… Lập luận đó khiến tôi muốn ói. Tôi ghét những gì đã xảy ra với người Ukraine và tôi nghĩ phần lớn những gì xảy ra là do những chính sách sai lầm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Bà Paula Dobriansky
Cắt viện trợ cho Ukraine sẽ có lợi cho Putin. Nó sẽ thúc đẩy các mục tiêu của ông ta và đồng thời nó sẽ gây bất ổn cho cấu trúc an ninh châu Âu. Viện trợ của chúng ta dành cho Ukraine phải tiếp tục vì nó quan trọng và mang tính quyết định và hãy để tôi giải thích lý do.
Ukraine đang đấu tranh cho sự sống còn của mình với tư cách là một Quốc gia Tự do có chủ quyền. Nhưng nó cũng đang đấu tranh cho những giá trị chung, những giá trị dân chủ mà chúng ta cùng nhau nắm giữ.
Hãy để tôi đi đến một trong những lập luận cốt lõi mà tôi nghĩ là quan trọng ở đây mà Heather và tôi tin tưởng mạnh mẽ, đó là viện trợ mà chúng ta cung cấp ít hơn 4% ngân sách quốc phòng của chúng ta. Chúng ta không chiến đấu mà chỉ viện trợ và thực tế đây không phải là một cái giá quá cao để kiềm chế Nga. Chúng ta nhận được một bàn thắng kép ở đó.
Bạn có biết rằng trong số 68 tỷ USD viện trợ quân sự và các khoản hỗ trợ khác mà trên thực tế chúng ta đã trao cho Ukraine, bạn có biết rằng 90% hỗ trợ cho công nhân Mỹ và cả các nhà máy Mỹ? Điều đó thật phi thường. Viện trợ cho Ukraine thực tế là thực sự thúc đẩy việc làm ở Mỹ. Người dân Mỹ, nền kinh tế và an ninh của chúng ta đều được hưởng lợi.
Bây giờ nếu Nga vượt qua được cuộc xâm lược tàn bạo chống lại Ukraine, thì thực tế là bạn sẽ có một nước Nga táo bạo, sẽ tự cao hơn và cứng rắn hơn theo cấp số nhân.
Tiếp tục hỗ trợ Ukraine hiện nay thực sự là một trong những hành động hiệu quả nhất, tiết kiệm tài nguyên của chúng tôi về lâu dài và cũng duy trì sự tín nhiệm của chúng ta với các đồng minh, đối tác và cộng đồng toàn cầu, cũng như duy trì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Việc từ bỏ Ukraine cũng sẽ khuyến khích Trung Quốc và các nước độc tài khác ở Trung Đông cũng như ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, tiến hành các cuộc xâm lược của riêng họ. Một trường hợp điển hình là Đài Loan. Vì vậy, sự yếu kém của Mỹ và nhận thức về sự yếu kém của Mỹ sẽ thực sự tác động đến chúng ta.
Và cuối cùng, viện trợ cho Ukraine khuyến khích và thúc đẩy người Ukraine duy trì cuộc chiến của họ.
Tôi muốn kết luận hai điểm trước khi chúng ta kết thúc. Một là tác giả John Maxwell đã nói rằng trong cuộc sống có hai loại người, loại khiến mọi việc xảy ra và loại luôn thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra, chúng ta không muốn có loại sau.
Tôi cũng muốn kết thúc phần tranh luận bằng cách bày tỏ lòng kính trọng đối với Joe Lieberman vì ông đã đến đây nhiều lần. Thượng nghị sĩ Liberman đã qua đời. Ông là người có niềm tin mạnh mẽ chống lại sự xâm lược của Nga ở Ukraine và sự cần thiết phải viện trợ cho Ukraine. Lời khuyên chính sách rất khôn ngoan.
Lời nói cuối cùng:
Taras Shevchenko, một nhà thơ nổi tiếng của Ukraine, đã nói như sau: “Điều quan trọng nhất trên thế giới sẽ luôn là những người ở bên bạn trong những lúc khó khăn nhất”. Đối với tôi đây là một trong những thời điểm khó khăn và thách thức nhất mà Ukraine đang phải đối mặt. Ukraine rõ ràng muốn chiếm ưu thế. Chúng tôi muốn Ukraine chiếm ưu thế như một quốc gia có chủ quyền và độc lập.
Tôi muốn kết luận rằng khi bạn đánh giá phí tổn mà chúng tôi đã nói đến, thì tổn thất nếu chúng ta không cung cấp viện trợ cho Ukraine rõ ràng lớn hơn các phí tổn và phí tổn tiềm năng trong việc giúp đỡ và cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Hãy để tôi đề cập rằng Quỹ Ukraine của Hoa Kỳ đã lấy ví dụ về Chiến tranh Lạnh. Họ phát hiện ra rằng việc chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh đã khiến quân đội Mỹ phải chi tới 13.000 tỷ USD. Hiện tại, con số đó là khoảng 26.000 tỷ USD vào năm 2024. Chế độ của Putin đã xác định chúng ta là đối thủ chính và đang nỗ lực làm suy yếu các lợi ích cụ thể của chúng ta. Nếu chúng ta hiểu sự hỗ trợ kinh tế và quân sự này cho Ukraine là một khoản đầu tư cực kỳ hiệu quả, thì việc Ukraine làm suy yếu Lực lượng Vũ trang Nga là một cuộc mặc cả mang tính chiến lược và không gây tổn hại đến mạng sống của người Mỹ.
Tôi sẽ kết thúc ở ghi chú này. Tôi có hai đồng nghiệp từ Hội đồng Đại Tây Dương và họ đã có một bài bình luận trên tờ Newsweek. Họ nói rằng nhiều nhà lãnh đạo giỏi nhất và xuất sắc nhất của nước Mỹ hiểu rằng ngay cả khi chúng ta muốn nghỉ ngơi, kẻ thù của chúng ta vẫn tiếp tục làm những gì chúng muốn. Chúng ta không cần phải nhắc nhở bản thân một lần nữa rằng điều gì sẽ xảy ra khi Hoa Kỳ bỏ đi, sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp. Vì vậy, với lưu ý đặc biệt đó, tôi muốn nói rằng chúng ta không nên từ bỏ việc hỗ trợ Ukraine vào thời điểm rất quan trọng này. Và đảm bảo rằng nước này có được lập trường chính trị mà họ muốn là độc lập, tự do và có chủ quyền.
Ông Daniel L. Davis
Tôi thực sự vinh dự được có mặt ở đây và nói chuyện với cơ quan thực sự đặt ra tiêu chuẩn cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Thật là một đặc ân khi được ở đây. Tôi có khoảng 20 năm kinh nghiệm quân sự trong việc triển khai chiến đấu. Tôi đã tham gia chiến trận xe tăng lớn ở Vùng Vịnh. Tôi cũng từng phục vụ ở Biên giới Đông Tây ở Đức, nơi chúng tôi phải tuần tra chống lại sự tấn công tiềm tàng của Liên Xô. Vì vậy, tôi phải thực sự nghiên cứu học thuyết của Liên Xô, xe tăng của họ, cách họ chiến đấu, cách họ tấn công, cách họ phòng thủ trên địa hình. Điều này rất giống với những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay. Tôi cũng là người chỉ huy thứ hai của Phi đội bọc thép cho sư đoàn Thiết giáp số 1 của Hoa Kỳ vào giữa những năm 2000 và cuối cùng cũng phục vụ để xây dựng các hệ thống chiến đấu trong tương lai, nơi chúng tôi cố gắng phát triển các hệ thống bọc thép tương lai tại Hoa Kỳ.
Hãy tin tôi khi tôi nói với bạn rằng không có cơ hội nào cho Ukraine thành công trong cuộc chiến chống lại Nga. Không có con đường dẫn đến chiến thắng quân sự cho Ukraine. Dù là viện trợ 60 tỷ, thêm 120 tỷ, 200 tỷ nữa cũng không có gì khác biệt. Bởi vì những nền tảng cơ bản, việc xây dựng sức mạnh chiến đấu cấp quốc gia là mang tính quyết định và không thể thay đổi. Không quan trọng liệu nguyên nhân có đúng hay không, không quan trọng là liệu chúng ta có lo sợ về kết cục mọi chuyện sẽ ra sao, hay liệu điều đó có thể khuyến khích Putin hay không. Bất kỳ điều nào trong số đó, đều chỉ là thứ yếu so với vấn đề cốt lõi: Bạn không thể lừa mình trong tình huống này, bạn không thể lật ngược tình thế vì bạn không thể xoay ngược các nguyên tắc cơ bản.
Sức mạnh của phía Nga đang áp đảo và không thể thay đổi được. Lực lượng của họ có năng lực công nghiệp quân sự để có thể sản xuất số lượng lớn pháo cho đến đạn pháo, vũ khí, máy bay không người lái, chiến tranh điện tử.
Và quan trọng nhất là về con người, Nga có nhiều người hơn và họ sẽ luôn có nhiều người hơn, họ có nhiều người được đào tạo hơn phía Ukraine.
Và bạn thấy đấy, có một vấn đề lớn là liệu Quốc hội có cấp số tiền này hay không. Và tôi đảm bảo với bạn rằng đó không phải là tình trạng tạm thời và nó sẽ lan rộng khắp phương Tây.
Họ sẽ không bao giờ có thể sánh được với những gì xảy ra ở phía bên kia chiến tuyến. Và ngay cả khi họ có thể, thì vẫn còn vấn đề nhân lực, cuối cùng thì vấn đề là ở con người, không phải máy móc, không phải tiền bạc. Và hiện tại không có con đường nào để xoay chuyển tình thế.
Thật vô lương tâm khi tiếp tục hy vọng rằng phía Ukraine có thể giành chiến thắng nếu chúng ta chỉ đưa thêm một chút tiền mặt vì mọi chuyện sẽ không diễn ra theo cách đó.
Lời nói cuối cùng:
Hãy tưởng tượng bạn đang tham gia một trận đấu bài poker có tỷ lệ cược cao. Ngồi ở phía bên kia bàn là một người mà bạn không thích chút nào, bạn ghét anh ta. Thực ra anh ta là một người khó chịu, có tiếng xấu. Bạn đã chơi được vài vòng. Người này đã nâng số tiền của người kia và tiếp tục chơi. Hiện giờ có một đống tiền ở giữa. Bạn vẫn có một đống tiền bên cạnh mình. Nhưng có một đống tiền ở giữa và bạn không muốn thua ván đó. Trong tay bạn chỉ có vài con bài xấu. Bạn cũng biết bài của anh ta tốt hơn. Anh ta sẽ giành được tất cả số tiền ở giữa và bạn biết mọi chuyện sẽ thật tệ. Anh ta sẽ nói nhiều câu khó chịu. Anh ta sẽ lấy đi tất cả những gì bạn đã đầu tư, tất cả số tiền bạn đã bỏ vào đó. Nhưng nếu bạn không chịu thua và bạn nói: “Không, tôi không thể thua hắn và tôi sẽ đặt tất cả số tiền còn lại”. Thực tế là bạn vẫn sẽ thua.
Đó là tình thế của chúng ta trong trò chơi này, trong cuộc chiến này. Xin lỗi, đây hoàn toàn không phải là một trò chơi vì nó không chỉ là một đống tiền. Đó không chỉ là 60 tỷ USD mà Quốc hội đang cố gắng đưa vào. Đó là cuộc sống của người Ukraine.
Và tôi muốn nói rõ điều này: Nếu bạn chơi trò chơi này nhiều hơn và bạn đưa ra nhiều tiền hơn, nó sẽ kéo dài cuộc chiến. Nó sẽ không thay đổi kết quả. Sẽ có thêm nhiều người Ukraine chết. Nhiều vùng đất của Ukraine sẽ thuộc về phía Nga. Nga sẽ chiến thắng.
Câu hỏi bây giờ là liệu chúng ta có chịu thua và bảo tồn những gì chúng ta có, những gì Ukraine có bây giờ hay không. Hay chúng ta tiếp tục chơi với hy vọng giành chiến thắng nhưng thay vào đó lại có thêm nhiều người Ukraine chết và sau đó có thể sẽ phải giải quyết bằng thương lượng. Không phải thương lượng ở một vị thế mạnh mà thậm chí có thể là thương lượng điều kiện đầu hàng. Đó là kết quả mà tôi nghĩ có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu chúng ta tiếp tục.
Bà Heather Conley
Tất nhiên Quốc hội không nên ngừng tài trợ cho Ukraine. Nhưng bi thảm thay, trong 7 tháng qua, họ đã đình chỉ viện trợ và Ukraine hiện đang thiếu đạn dược.
Hãy nói về chi phí mà người dân Mỹ phải trả giá. Kể từ tháng 2/2022, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã thu thập dữ liệu Hoa Kỳ đã chi 75 tỷ USD cho viện trợ tài chính và quân sự nhân đạo cho Ukraine. 46 tỷ trong số đó là hỗ trợ quân sự. 3 tỷ trong số đó được chuyển thẳng vào các công ty Mỹ và khu liên hợp công nghiệp để giúp chế tạo những loại vũ khí đó. 30,3 triệu đã được chuyển cho việc sản xuất vũ khí và gửi đến Ukraine, vì Hoa Kỳ đang thiếu hụt dần các kho vũ khí quân sự. Hoa Kỳ hiện đang hiện đại hóa kho quân sự của mình nên lợi ích ở đây thuộc về Hoa Kỳ.
Số tiền hỗ trợ mà chúng ta cung cấp cho Ukraine ít hơn ngân sách hàng năm của bang Virginia.
Hãy đặt điều này trong bối cảnh các đồng minh của chúng ta đang làm gì. Theo Viện Keel ở Đức, Châu Âu đã cung cấp hơn 144 tỷ EUR cho quân đội và tài trợ nhân đạo cho Ukraine, vượt xa con số 75 tỷ mà chúng ta đã đưa ra. Các đồng minh của chúng ta đang ngày càng chia sẻ gánh nặng này.
Hãy nói về cái giá phải trả nếu Ukraine thất bại. Chúng ta sẽ thấy NATO, Hoa Kỳ, có 100.000 quân ở Châu Âu. 40.000 trong số đó ở Trung và Đông Âu. Chúng ta sẽ phải triển khai thêm lực lượng phòng thủ nhiều hơn vì các đồng minh NATO của chúng ta sẽ bắt đầu huy động quân nếu Ukraine thua. Trung Quốc, Iran, Triều Tiên sẽ mạnh bạo hơn.
Ukraine không thua. Ukraine đã kìm hãm được quân đội lớn thứ hai trên thế giới. Về cơ bản, họ đã đẩy lùi nó vào tháng 9/2022. Họ đã mở cửa Biển Đen. Họ đã đẩy lùi hạm đội Biển Đen của Nga.
Không thể đàm phán. Đây là để sinh tồn. Đây là điều cần thiết. Nga đã phá hủy hoàn toàn mọi hiệp ước mà họ từng ký kết. Họ đã vi phạm tất cả.
Ukraine đã trung lập vào năm 1990. Hiến pháp của họ quy định họ trung lập vào năm 2010. Hiến pháp của họ cấm họ gia nhập NATO. Họ đã thay đổi điều đó vào năm 2014, khi Vladimir Putin sáp nhập Crimea và xâm chiếm.
Đây là trách nhiệm của Nga. Họ phải chịu trách nhiệm và Quốc hội phải ủng hộ tự do và thịnh vượng.
Lời nói cuối cùng:
Bạn có nghe thấy không? Bạn có nghe thấy lịch sử đang nói với chúng ta như thế nào ngay bây giờ không?
Tôi tự hỏi liệu đây có phải là cảm giác giống như những năm 1930, trong cuộc tranh luận về việc Mỹ có nên tham gia cuộc chiến ở châu Âu hay không: Đó không phải là cuộc chiến của chúng ta. Nó tốn kém. Chúng ta có thể ở nhà. Đại dương của chúng ta sẽ bảo vệ chúng ta.
Sau đó khi chúng ta bị tấn công và chúng ta tham gia vào cuộc chiến.
Năm 1942 có vẻ hơi tiêu cực đối với chúng ta nhưng chúng ta không dừng lại. Và sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã thực hiện một khoản đầu tư rất tốn kém. Và trên thực tế, chúng ta sẽ tôn vinh hai ngày kỷ niệm rất quan trọng.
Vào ngày 3/4/1948, Quốc hội trên cơ sở lưỡng đảng đã đầu tư cho các đồng minh châu Âu của chúng ta với kế hoạch Marshall. Và chúng tổ chức của tôi [Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ] là một đài tưởng niệm sống cho điều đó. Chúng ta đã đầu tư vào các đồng minh của mình. Họ hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của chúng ta.
Ngày 4/4/1949, chúng ta cần đảm bảo sự thịnh vượng mà khoản đầu tư của chúng ta tạo ra, vậy nên chúng ta sáng lập NATO. 75 năm trước là 12 quốc gia, ngày nay đã là 32 quốc gia.
Đây là thời điểm thế hệ chúng ta đưa ra lời kêu gọi quyết định. Ukraine là khoản đầu tư của thế hệ chúng ta. Tôi hứa với bạn, tôi hứa với bạn, việc này sẽ giống như việc đã xảy ra trong thế kỷ 20, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của nước Mỹ và an ninh của chúng ta. Đây là một khoản đầu tư đáng thực hiện. Người Ukraine đang chọn cái chết vì tự do, đó là lựa chọn của họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ phương tiện để đấu tranh cho tự do của họ vì như những người kháng chiến Ba Lan đã nói trong Thế chiến thứ hai: “Vì tự do của chúng tôi và của bạn”. Chúng ta cần tài trợ cho Ukraine để họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này, củng cố sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ.
Mời xem toàn bộ phần tranh biện gốc tại đây:
Quang Minh
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine John Mearsheimer Daniel L. Davis