Ukraine ký hiệp ước an ninh 10 năm với Đức và Pháp
- Anh Nguyễn
- •
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký một hiệp ước an ninh dài hạn mới với Pháp vào thứ Sáu (16/2), sau khi đạt được viện trợ và một thỏa thuận tương tự từ Đức.
Ông Zelenskiy đang có chuyến thăm Đức và Pháp để tăng cường hỗ trợ quân sự vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống lại Nga, trong khi quân đội Ukraine đang cố gắng ngăn cản lực lượng Nga tiến sát thị trấn phía đông Avdiivka, còn Hoa Kỳ đang chật vật để thông qua gói viện trợ quân sự “thiết yếu” trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.
“Đây là một thỏa thuận an ninh đầy tham vọng và rất thực chất”, ông Zelenskiy nói với các phóng viên cùng với Tổng thống Emmanuel Macron. “Đây không phải là giải pháp thay thế cho Hoa Kỳ. Tất cả chúng ta cùng nhau hãy đoàn kết và liên minh này là cần thiết để đánh bại Nga”.
Ông Macron cho biết, hiệp ước an ninh 10 năm với Pháp bao gồm các cam kết của Paris về cung cấp thêm vũ khí, huấn luyện binh lính và gửi viện trợ quân sự lên tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) cho Ukraine vào năm 2024.
“Cam kết của chúng tôi với Ukraine sẽ không suy yếu”, ông Macron nói trong một cuộc họp báo chung, đồng thời cho biết thêm rằng “chế độ Điện Kremlin” đã bước vào một giai đoạn mới và hiện đang thể hiện sự hung hăng hơn đối với các nước châu Âu.
Ông Macron nói: “Bằng cách giúp đỡ đối tác Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của mình”.
Ông Zelenskiy, mặc bộ quần áo kaki đặc trưng của mình, mỉm cười khi bắt tay Macron trong cung điện Elysee sau khi hai nhà lãnh đạo ký hiệp ước đã được đàm phán trong vài tháng qua.
Hiệp ước anh ninh với Đức
Hiệp ước an ninh của Đức, sẽ kéo dài trong 10 năm, Đức cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine bằng hỗ trợ quân sự và trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt cũng như kiểm soát xuất khẩu, đồng thời đảm bảo rằng tài sản của Nga vẫn bị phong tỏa.
Berlin cũng đã chuẩn bị một gói hỗ trợ tức thời khác trị giá 1,13 tỷ euro tập trung vào phòng không và pháo binh.
Ông Scholz nói: “Bản cam kết cho thấy rõ rằng Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ một Ukraine độc lập trước cuộc xâm lược của Nga”.
Ông nói thêm: “Và nếu trong tương lai Nga có hành động gây hấn khác, chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ Ukraine hơn nữa về ngoại giao, kinh tế và quân sự”.
Ông Zelenskiy cho biết khoản viện trợ này rất quan trọng vì nguồn cung cấp quân sự từ các đối tác khác đã giảm trong khi Nga có lợi thế về pháo binh ở tiền tuyến.
Tin tức về cái chết của Navalny trong nhà tù ở Nga được tung ra ngay trước khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị phát biểu. Ông Navalny đã dành thời gian ở Đức để hồi phục sau khi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân sự ở Siberia vào năm 2020 trước khi quay trở lại Nga.
Ông Scholz nói: “Tôi đã gặp Navalny ở Berlin khi ông ấy đang cố gắng hồi phục sau vụ tấn công đầu độc ở Đức và cũng nói chuyện với ông về lòng dũng cảm to lớn cần có để trở về nước”.
“Và có lẽ ông đã phải trả giá cho lòng dũng cảm này bằng mạng sống của mình”, ông Scholz nói.
Những thách thức
Chuyến đi của tổng thống Zelenskiy tới Đức đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông thay thế tư lệnh quân đội và cải tổ bộ chỉ huy quân sự của mình.
Sau Vương quốc Anh, Đức là đồng minh thứ hai của Ukraine ký thỏa thuận an ninh song phương đảm bảo hỗ trợ cho đến khi Ukraine đạt được mục tiêu gia nhập liên minh quân sự NATO.
“Một cấu trúc an ninh mới cho Ukraine, cũng như những cơ hội mới. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt theo các điều kiện công bằng cho Ukraine và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài”, ông Zelenskiy nói trên mạng xã hội khi đặt chân đến Đức.
Ông Zelenskiy cho biết các thỏa thuận an ninh với các đồng minh sẽ không thay thế mục tiêu chiến lược của Ukraine là gia nhập NATO.
Ông Zelenskiy cũng dự kiến sẽ có bài phát biểu tại hội nghị an ninh Munich vào thứ Bảy (17/2). Một số cuộc gặp song phương bên lề đã được lên kế hoạch, bao gồm cả với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.
Từ khóa Hiệp ước an ninh Dòng sự kiện Volodymyr Zelensky