Việt Nam đang ‘đánh đu’ giữa Mỹ và Trung Quốc?
- Tân Bình
- •
Quan hệ Việt – Mỹ đang đứng trước thời cơ rất lớn. 31/5 tới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng với kỳ vọng đưa về cho Việt Nam những hợp đồng thương mại tỷ đô và thắt chặt thêm hợp tác phát triển và an ninh.
Kỳ vọng của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở bởi một tuần trước khi Thủ tướng Phúc có mặt tại Washington, Hoa Kỳ đã ‘tặng’ Việt Nam 2 ‘món quà’ rất ý nghĩa: 23/5 Hoa Kỳ đã chính thức bàn giao cho Cảnh Sát Biển Việt Nam 6 tàu tuần tra Metal Shark 45-foot; 25/5 tàu chiến Mỹ mang theo tên lửa USS Deway đã đi vào khu vực Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa ở biển Đông) của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Tất cả những dấu hiệu trên đã giúp Việt Nam phần nào bỏ được quan ngại rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump sẽ không coi trọng Đông Nam Á và phớt lờ các tranh chấp biển Đông. Thực tế trên cho thấy, chính quyền Trump đang rất coi trọng Việt Nam – quốc gia Đông Nam Á xuất hiện ở vị thế một đối thủ mạnh mẽ nhất chống lại các tuyên bố bành trướng chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại một trong những tuyến hằng hải quan trọng nhất thế giới.
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn việc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam hay bất kỳ nước nào bền vững và Hà Nội cần cảnh giác khi quá dựa vào bất kỳ đồng minh nào. Hiện tại, ngoài mục tiêu xác lập mối quan hệ nồng ấm với Mỹ, Việt Nam cũng đang chăm lo cẩn thận cho “tình đồng chí” với anh bạn hàng xóm, ‘kẻ thù lâu đời’ Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, người đã trải qua hàng thập kỷ bảo vệ các tuyên bố chủ quyền vùng biển của Việt Nam, gần đây có phát biểu với Reuters rằng: “Việt Nam không muốn mất cân bằng quyền lực trong khu vực có thể dẫn tới chiến tranh”.
Cuộc gặp với Tổng thống Trump vào thứ Tư tuần tới (31/5) là thành công nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông sẽ là vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Đông Nam Á tới thăm Nhà Trắng dưới thời chính quyền mới.
Thành công này là kết quả sau một loạt các động thái ngoại giao tích cực của Việt Nam với chính quyền Trump. Những cuộc gọi, các lá thư qua lại, những liên hệ ngoại giao và các cuộc viếng thăm ở cấp thấp đã bắt đầu từ trước khi ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Washington. Hơn nữa, theo Reuters, có những thông tin đồn đoán rằng Việt Nam đang thuê một nhà vận động hành lang ngay tại Mỹ với mức 30.000 USD/tháng.
Đặc biệt, điều quan trọng có tính biểu tượng cho Việt Nam và mối quan hệ Việt Mỹ là hôm 25/5, tàu chiến Mỹ đã thực hiện chuyến “tuần tra hàng hải” gần Đá Vành Khăn – hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng ở biển Đông , nơi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đang bị tranh chấp bởi Việt Nam và 4 quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia).
Reuters, dẫn lời quan chức Việt Nam và các đại sứ nước ngoài thân cận với Hà Nội, cho biết rằng Việt Nam đã vận động hành lang tích cực để có được cái mà Hoa Kỳ gọi là nhiệm vụ “tự do hàng hải” trên biển Đông vừa qua.
Thêm nữa, Washington nhấn mạnh sự ủng hộ Hà Nội tích cực khi đã bàn giao cho Cảnh Sát Biển Việt Nam 6 tàu tuần tra hôm 23/5.
Các tàu tuần tra này sẽ hỗ trợ Cảnh sát Biển Việt Nam trong hoạt động tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, đánh bắt cá bất hợp pháp.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, người trực tiếp bàn giao 6 tàu Metal Shark cho hải quân vùng 2, đã nói rằng: “Sự thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào môi trường biển ổn định và hòa bình”.
Những động thái gần đây của Hoa Kỳ đã giúp giảm bớt quan ngại của Việt Nam khi đang phải nói tiếng nói đơn độc phản đối Bắc Kinh ở biển Đông, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích lại gần với Trung Quốc hơn.
Với vị trí địa chính trị của mình, Việt Nam trong những năm qua đã chọn cách xây dựng chiến lược ngoại giao đa phương. Mối quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội đã được đẩy mạnh từ thời Tổng thống Barack Obama, và cùng với đó là việc gần hoàn thành Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thực tế, Việt Nam thất vọng khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi TPP và tập trung vào chính sách giảm thâm hụt thương mại. Việt Nam là nước thặng dư thương mại lớn thứ 6 của Hoa Kỳ, khiến cho Washington âm 32 tỷ USD vào năm 2016.
Giới chức Việt Nam càng hồi hộp hơn khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra gần gũi sau cuộc họp Trump – Tập tại Floria hồi đầu tháng 4. Hai bên tăng cường hợp tác nhằm nỗ lực giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu Việt Nam của Trường Đại học New South Wales (Úc), nhận định rằng: “[Hoa kỳ] tập trung hoàn toàn vào Bắc Triều Tiên đã làm cho Việt Nam khá lo lắng rằng biển Đông sẽ nằm ngoài ưu tiên của [Washington]”.
Trong khi đó, tại Nhà Trắng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Katrina Adams nói rằng: “Quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam là cấu thành quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương”
Tuy nhiên, một cựu quan chức cấp cao Hoa Kỳ nói với Reuters rằng trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc, Tổng thống Trump có thể sẽ than phiền về mức thặng dư quá cao của Việt Nam trong thương mại với Mỹ. Theo các kế hoạch ngân sách của chính quyền Trump vừa công bố, nhiều khả năng các khoản tài trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Việt Nam (kể cả đã ký kết) có thể sẽ phải đổi thành các khoản cho vay.
Trong hoàn cảnh phải đối mặt với sự bất ổn, thiếu chắc chắn từ khi ông Trump nhậm chức, Hà Nội đang duy trì các hoạt động xúc tiến ngoại giao như nhau trong quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang vừa có chuyến công du Trung Quốc kết hợp với việc dự Hội nghị thương mại “Vàng đai và Con đường”. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã sang thăm Bắc Kinh vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.
Sau cả hai chuyến thăm cấp cao này, hai nước Trung – Việt đã nhấn mạnh sự sẵn sàng giữ hòa bình ở biển Đông nơi có tuyến hằng hải thương mại trị giá khoảng 5 nghìn tỉ USD mỗi năm.
Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng Năm này, Cảnh sát Biển Việt Nam lần đầu tiên đã cử tàu tới thăm Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng: “Kết hợp ‘đồng thời cả hợp tác và đấu tranh’ là một chính sách rất thiết thực. Việt Nam không bao giờ quỳ gối hoặc đầu hàng trước những vi phạm của Trung Quốc tới các quyền hợp pháp của Việt Nam, nhưng Hà Nội sẽ không cho Bắc Kinh có bất kỳ lý do gì để sử dụng sức mạnh để khởi phát một cuộc xung đột”.
Tân Bình (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Nguyễn Xuân Phúc Quan hệ Mỹ Việt