Với Ngoại trưởng Pompeo, chính sách của Mỹ với Bắc Hàn, Syria và Iran sẽ ra sao?
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba (13/3) đã thông báo sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và chỉ định Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế. Thách thức và cũng là cơ hội để ông Pompeo thể hiện năng lực bản thân sẽ là việc thực thi đối sách của Mỹ với Bắc Hàn, Syria và Iran.
Ông Pompeo (trái) được cho là nhân vật trung thành với Tổng thống Donald Trump.
Thách thức đầu tiên với ông Pompeo sẽ là Bắc Hàn. Washington sẽ có các bước đi thế nào sau khi khả năng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng Năm? Tân ngoại trưởng sẽ phải sớm giải bài toán không hề dễ dàng này.
Cuộc gặp Trump – Kim dù chỉ đang trong dự kiến một lần nữa chứng minh giá trị to lớn của việc sở hữu vũ khí hạt nhân và sự phát triển nhanh chóng về tên lửa đạn đạo liên lục địa mang lại cho Bắc Hàn.
Chính vì vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, mà một tổng thống của quốc gia dân chủ như Mỹ đã nói ông ta sẽ sẵn sàng gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo của một nước nhỏ theo thể chế độc tài toàn trị. Những gì mà ông Kim Jong-un làm để duy trì chế độ là trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mỹ và thế giới văn minh. Chế độ nhà Kim tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào thủ đoạn tống tiền hạt nhân, hành vi tội phạm, phổ biến vũ khí, ăn chặn tiền lương của lao động Bắc Hàn ở nước ngoài và nhận hỗ trợ từ Trung Quốc.
Khác với phong cách ôn hòa của ông Rex Tillerson, ông Pompeo có quan điểm đối ngoại cứng rắn hơn. Khi giám đốc CIA chính thức trở thành Ngoại trưởng sau khi được Thượng viện Mỹ phê duyệt, nhiều khả năng ông sẽ kéo lùi sự phấn khích của Tổng thống Trump với cuộc hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un. Với ông Pompeo, ý tưởng quyết định chính sách. Ông không phải là người theo đuổi đàm phán kéo dài hoặc kiểu người “nghệ thuật đàm phán”.
Thực tế, với sự có mặt của ông Pompeo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, khả năng gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ giảm xuống khá thấp. Tân Ngoại trưởng sẽ chú ý tới mối liên hệ giữa các cuộc đàm phán Bắc Hàn và thỏa thuận hạt nhân của Iran, nhưng không theo cách mà cựu Ngoại trưởng Tillerson đã làm.
Chính sách đối ngoại mà Washington đang áp đặt dưới thời ông Tillerson cho rằng việc giữ thỏa thuận hạt nhân Iran thực thi là cần thiết để ngoại giao với Bắc Hàn. Quan điểm này dẫn tới nhận định ông Kim Jong-un phải nhìn nhận rằng chính quyền Trump sẽ sẵn sàng duy trì một thỏa thuận giống như cái họ đã làm với Iran để tưởng thưởng cho việc chế độ Tehran chấp nhận kiềm chế hạt nhân tạm thời.
Ông Pompeo có lẽ sẽ nhìn thấy điều ngượi lạc. Giám đốc CIA nhận định thỏa thuận hạt nhân sai lầm với Iran mà cựu Tổng thống Barack Obama và 5 quốc gia khác chấp nhận có thể là một bước mở ra cho việc hạt nhân hóa Iran.
Ông Pompeo sẽ ít có khuynh hướng chấp nhận những thỏa hiệp không rõ ràng giải quyết các khuyết điểm của thỏa thuận hạt nhân Iran. Một sai lầm chính của thỏa thuận này mà ông Pompeo muốn sớm loại bỏ là các “điều khoản hoàng hôn” cho phép Iran tự do phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quy mô lớn chỉ sau 13 năm kể từ khi các bên ký kết thỏa thuận năm 2015.
Ngoại trưởng Pompeo cũng có thể sẽ phản đối sự vô lý về yếu tố thương mại trong thỏa thuận hạt nhân Iran, điều góp phần làm giàu thêm các giáo sĩ Hồi giáo cầm quyền tại nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, những người nhận được hàng tỷ USD nhờ vào thỏa thuận hạt nhân và sau đó dùng số tiền này để củng cố tham vọng bành trướng của Tehran tại Trung Đông.
Về vấn đề Syria, ông Pompeo sẽ phải đối mặt với chính sách của Hoa Kỳ mà cho đến nay gần như không mang lại hiệu quả gì. Tổng thống Trump dường như vẫn quyết định giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, điều này chắc chắn sẽ khiến Iran và Nga gây được ảnh hưởng nhiều hơn ở Trung Đông.
Nếu Mỹ vẫn muốn rút quân trong vòng 12 tháng tới như các quan chức Nhà Trắng thông báo trước đây, Bộ Ngoại giao của ông Pompeo sẽ cần phải tham gia vào một cuộc đàm phán toàn diện đa phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu và Nga để thực thi một thỏa thuận đảm bảo rằng, ít nhất, trục liên minh Tehran-Moscow tại Trung Đông phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế.
Ông Pompeo – 53 tuổi, từng là nghị sĩ Cộng hòa 3 nhiệm kỳ, người phản đối mạnh mẽ ông Obama ký thỏa thuận hạt nhân Iran – được cho là người đặc biệt trung thành với Tổng thống Trump.
“Ông sẽ thực thi công việc một cách tốt đẹp!”, Tổng thống Trump tweet ngắn gọn ngay sau khi chỉ định ông Pompeo lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Yên Sơn
Xem thêm: