Xung đột Mỹ-Trung: Chuyên gia CNBC cảnh báo triển vọng dài hạn không khả quan
- Huệ Anh
- •
Gần đây, Chính phủ Trump khi lên tiếng về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã hàm chứa nhiều thông điệp hỗn độn, nhưng nhìn chung căng thẳng giữa hai nước vẫn gia tăng. Hôm thứ Hai (19/11) người dẫn chương trình Mad Money của Đài CNBC là Jim Cramer cho biết, sau khi nghe bài phát biểu với lập trường cứng rắn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày 4/10, Jim Cramer lo ngại rằng nhìn về dài hạn thì quan hệ Trung-Mỹ vẫn bao phủ trong giông tố.
Jim Cramer (phải) đang phỏng vấn tay đua Kyle Busch (trái) của NASCAR (Ảnh: Getty Images)
Theo CNBC, Jim Cramer cho biết: “Thật khó để tránh được cảm giác rằng chính phủ hiện nay (chính phủ Trump) đang cố gắng để làm lung lay hoặc thậm chí lật đổ chế độ Cộng sản Trung Quốc, vấn đề không chỉ cần thương mại được đàm phán công bằng hơn”.
Trong bài phát biểu hồi tháng Mười, chỉ huy phó của Trump (ông Pence) không tuyên bố “cuộc chiến kinh tế” (economic war) như Jim Cramer nói. Hôm thứ Bảy (17/11) tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Pence đã kêu gọi các nước phải xem xét lại xem có nên ủng hộ “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc không.
Hãng tin Reuters đưa tin, trong thời gian Hội nghị APEC bầu không khí giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc rất căng thẳng, thời điểm bùng phát bắt đầu từ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phản đối hai đoạn trong Thông cáo chung APEC, trong đó có vấn đề phản đối “thực tiễn thương mại không công bằng” và “cải cách WTO”. Mỹ nhấn mạnh những nội dung này phải có trong tuyên bố, trong khi Trung Quốc phản đối .
Có thông tin chỉ ra, một số quan chức Trung Quốc đã cố gắng gây sức ép với văn phòng ngoại trưởng nước chủ nhà để “đính chính” lại nội dung của Tuyên bố Chung nhưng đã bị từ chối, đồng thời còn khiến cả lực lượng cảnh sát phải can thiệp.
Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh APEC đã không đưa ra được Tuyên bố Chung, phá vỡ thông lệ trong lịch sử. Hôm thứ Bảy, ông Pence và ông Tập Cận Bình đã phát biểu cứng rắn chĩa vào nhau. Phía Trung Quốc bóng gió chỉ trích Mỹ rằng “kẻ thiết kế rào cản thương mại, tầm nhìn thiển cận không thể thành công”. Ông Mike Pence thì nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Trừ khi người Trung Quốc thực hiện thay đổi, nếu không Mỹ sẽ không thay đổi thực tế hiện nay”.
Jim Cramer cho rằng những điều này có thể sẽ gây cản trở cho tiến triển tốt đẹp giữa hai bên tại “Hội đàm Trump – Tập” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng Mười Một. “Bạn có thể hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ có kết quả (tốt)… Tuy nhiên, khả năng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào đã tăng lên đáng kể”, Jim Cramer chia sẻ.
Tuy nhiều nhà đầu tư “có thể dễ dàng chứng minh rằng tất cả chỉ là trò võ mồm”, họ chỉ tập trung vào việc có được điều khoản thương mại tốt hơn, trong khi Jim Cramer cảnh báo phải sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.
“Đối với tôi thì cuộc chiến ngôn luận này chính là thực tế”, ông cảnh báo rằng thái độ cứng rắn của Pence vào cuối tuần này “chỉ là kéo dài từ bước khởi đầu của chiến tranh lạnh vào ngày 04/10, và tình hình cũng có vẻ tồi tệ hơn mỗi ngày”.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Patrick Murphy, Phó Trợ lý cao nhất của Ban vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Chính phủ Mỹ cho biết, ngay cả trong thời gian căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại thì Washington vẫn muốn duy trì quan hệ ngoại giao cấp cao với Bắc Kinh, qua đó mở các đối thoại song phương và đa phương, nhưng sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Ông nhấn mạnh rằng Biển Đông và Đài Loan là những vấn đề khó khăn nhất trong quan hệ Mỹ – Trung, và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tình trạng làm phức tạp vấn đề này.
Theo Reuters, vào thứ Ba (20/11), công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cho biết, dự kiến trong ngắn hạn quan hệ thương mại Trung – Mỹ sẽ được cải thiện; nhưng các vấn đề khác khó giải quyết như quyền sở hữu trí tuệ, an ninh quốc gia sẽ gây rắc rối về trung và dài hạn.
Trong buổi họp báo, BlackRock và người phụ trách Andrew Swan của Nhóm thị trường chứng khoán mới nổi toàn cầu (Aberdeen Global Emerging Mkts Eq) cho rằng, xung đột thương mại Trung – Mỹ hiện nay là rủi ro địa chính trị lớn nhất, tin rằng vấn đề thương mại đơn thuần có thể được giải quyết, quan hệ song phương được cải thiện. Nhưng năm nay, mâu thuẫn lớn giữa hai nước là các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp thương mại, an ninh quốc gia…, những vấn đề lớn hơn này cũng khó khăn hơn để tìm được giải pháp, vẫn là những rắc rối về trung và dài hạn.
Hội nghị G20 của các nền kinh tế phát triển sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 – 01/12 tại Buenos Aires của Argentina. Vào tháng Chín, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rằng ông sẽ áp đặt tăng mức thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la Mỹ, từ mức hiện tại 10% lên 25% vào ngày 01/01/2019.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại Mỹ Trung