Bộ Công an: 86 phạm nhân chết trong trại giam “không do bệnh lý”
- Nguyễn Quân
- •
Con số 86 phạm nhân chết trong trại giam “không do bệnh lý” được Bộ Công an đưa ra trong thống kê từ ngày 1/1/2020 đến 30/5/2024, tức hơn 4 năm.
Thống kê trên được nêu tại Dự thảo Tờ trình dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang trong thời gian lấy ý kiến, từ ngày 13/9 – ngày 13/11/2024.
Theo dự thảo tờ trình, Bộ Công an cho hay Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hoá quyền con người quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, để tiếp tục cụ thể hoá các quy định về quyền con người, bảo đảm nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013), thì cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về thi hành án hình sự, trong đó, bổ sung các quy định về quyền của phạm nhân, các quy định về việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Dự án luật mới nhằm hoàn thiện quy định để đổi mới công tác quản lý đối với người thi hành án hình sự; về ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình trại giam, quản lý thi hành án hình sự; và về công tác thi hành án hình sự.
Mỗi năm, hơn 1.500 người chịu án treo, cải tạo không giam giữ… vi phạm nghĩa vụ
Bộ Công an cho biết trên cả nước, cơ quan chức năng hiện đang quản lý trên 71.000 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Trong đó, án treo trên 58.000 người; cải tạo không giam giữ gần 6.000 người; cấm cư trú 800 người; quản chế gần 150 người; tước một số quyền công dân 1 người; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định gần 400 người; tại ngoại gần 1.200 người; hoãn chấp hành án trên 3.000 người; tạm đình chỉ chấp hành án gần 300 người; tha tù trước thời hạn có điều kiện gần 1.500 người.
Tình trạng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội tại nơi cư trú hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú sang địa phương khác để vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội mới, lôi kéo người khác phạm tội diễn ra với số lượng lớn
Số lượng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bỏ trốn lớn, năm 2021 có 851 người; năm 2022 có 731 người, năm 2023 có 578 người; và bình quân mỗi năm có trên 400 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng phạm tội mới nhưng chính quyền địa phương, đơn vị được giao quản lý, giám sát theo dõi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Tình trạng người chấp hành án tại cộng đồng bỏ trốn, vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, hình sự, chủ yếu tập trung vào nhóm: (1) Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, (2) Người chấp hành án treo, (3) Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, (4) Người chấp hành án phạt cấm cư trú, (5) Người chấp hành án phạt quản chế; người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người được trích xuất; phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1.500 người thuộc các nhóm này vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật hành chính, hình sự trong thời gian chấp hành án tại cộng đồng, trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hoặc phải quay trở lại chấp hành án phạt tù.
Phạm nhân phạm tội, phạm nhân chết “không do bệnh lý” do trại giam quá tải
Về việc quản lý trại giam, quản lý thi hành án hình sự, Bộ Công an đưa ra thống kê từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/5/2024, tại các trại giam đã xảy ra 140 vụ với 149 phạm nhân phạm tội mới, 91 vụ với 98 phạm nhân trốn, 86 vụ với 86 phạm nhân chết không do bệnh lý.
Lý giải về bất cập trên, Bộ Công an cho hay đa số các trại giam được xây dựng theo thiết kế trước đây với quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình xây dựng dân dụng thông thường; có những công trình, hạng mục được xây dựng trên 20 năm đã xuống cấp.
Các trại giam không đáp ứng được yêu cầu giam giữ, lao động, học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế, ăn ở, giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân dẫn đến tình trạng quá tải, vượt quy mô giam giữ (có nơi gấp 2 – 3 lần, có nơi gấp 4 lần), không đảm bảo diện tích nằm tối thiểu cho phạm nhân…
Công tác quản lý của các trại giam vẫn theo phương thức thủ công, mang tính chủ quan, cơ bản dựa vào kinh nghiệm, trực quan, kỹ năng của cán bộ.
Các trại giam chưa trang bị hệ thống kiểm soát an ninh, soi chiếu (cổng từ, máy dò, máy quét). Hệ thống giám sát hình ảnh, âm thanh có nhưng chưa hoàn thiện, chất lượng chưa đồng đều, mô hình kết nối, chia sẻ, trích xuất dữ liệu chưa hiệu quả.
Cán bộ trại giam quá tải, phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều khâu phải thực hiện thủ công (chưa được “số hóa”) nên áp lực lớn.
Theo đó, Bộ Công an cho rằng cần phải có quy định trong Luật Thi hành án hình sự về mô hình trại giam ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại đồng bộ, thống nhất; quy định về thiết kế, xây dựng trại giam, hạng mục công trình thuộc trại giam theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc thù (chống phá hoại, chống trốn, chống tự sát và bảo đảm an ninh, an toàn trại giam); nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo vào việc thi hành án hình sự, quản lý trại giam.
Phạm nhân sẽ hiến mô, bộ phận cơ thể?Vẫn theo dự thảo tờ trình, Bộ Công an cho hay một số quy định pháp luật về thi hành án hình sự còn chưa đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan. (1) Chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chưa có quy định về việc cho phép phạm nhân thực hiện liên lạc với thân nhân bằng cuộc gọi có hình ảnh…; (2) Chưa có quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chưa có quy định về việc xếp loại chấp hành án phạt tù theo tháng đối với phạm nhân; (3) Chưa có quy định về việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam (đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam…); (4) Luật chưa đồng bộ với quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; (5) Luật chưa có quy định về thu thập thông tin về sinh trắc học của phạm nhân trong trường hợp chưa có thông tin để phục vụ công tác quản lý thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm; (6) Chưa có quy định về quyền của phạm nhân được hiến mô, bộ phận cơ thể. Những vấn đề bất cập nêu trên dự tính sẽ giải quyết tại Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. |
Nguyễn Quân
Từ khóa cán bộ trại giam trạm giam phạm nhân chết Luật Thi hành án hình sự sửa đổi