Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm về quản lý giá thuốc.

bo y te se xu phat co so ban thuoc tamiflu khong co don
Thuốc Tamiflu tăng giá mạnh trước nhu cầu người mua tăng cao. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Ngày 12/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc, các bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết gần đây tại một số tỉnh, thành phố, số ca cúm mùa, đặc biệt là cúm A, có xu hướng tăng.

Để kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu các sở y tế thực hiện việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các sở y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (kê khai giá không đúng quy định, không niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết…); các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh tăng giá thuốc bất hợp lý.

Trước thực trạng nhiều người có tâm lý mua thuốc Tamiflu tích trữ, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm A hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty có kế hoạch nhập khẩu thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên.

“Oseltamivir là thuốc kê đơn. Theo quy định tại khoản 28 Điều 2 Luật Dược, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe”, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.

Hiện nay Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai trên website giá bán buôn dự kiến thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Cục Quản lý dược cảnh báo các hành vi lợi dụng, tăng giá bán thuốc nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo Khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024 của Chính phủ, với số tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định này.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây.

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).

Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Người dân không nên đổ xô đi tìm mua Tamiflu

Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng Tamiflu đang gia tăng. Dù đây là loại thuốc có khả năng ức chế virus cúm, nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tâm thần.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng khi lạm dụng Tamiflu là nguy cơ kháng thuốc. Nếu virus cúm kháng Tamiflu, việc tìm kiếm thuốc thay thế sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa, loại thuốc này chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng sớm trong giai đoạn đầu của bệnh. Nếu người bệnh đã có triệu chứng như ho, sổ mũi từ 2-3 ngày rồi mới dùng thuốc, hiệu quả sẽ suy giảm đáng kể, thậm chí không còn tác dụng.

Bác sĩ Khanh cũng cảnh báo việc tự ý mua thuốc mà không có đơn kê của bác sĩ có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, sử dụng sai liều lượng hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Do đó, khi nghi ngờ mắc cúm, người dân nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, tránh tự ý điều trị gây nguy hiểm.

“Người dân không nên đổ xô đi tìm mua Tamiflu, bởi dịch cúm rồi cũng sẽ qua đi. Quan trọng nhất vẫn là giữ gìn sức đề kháng tốt, phát hiện bệnh sớm để có hướng xử lý phù hợp. Thay vì phụ thuộc vào thuốc, việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn”, bác sĩ Khanh nói.

Minh Long