Chia lãi từ 10-100%/đơn hàng, một phụ nữ tại Huế lừa hơn 15 tỷ đồng
- Nguyễn Sơn
- •
Dùng chiêu góp vốn lấy lãi rồi liên tục chốt đơn hàng giả với mức lãi từ 10-100% giá trị sản phẩm, một phụ nữ tại Huế lừa được tới hơn 15 tỷ đồng. Thậm chí có người trước khi biết bị lừa còn lôi kéo thêm người chung vốn để “hớt” lợi nhuận.
- Lừa bạn góp vốn thầu vé máy bay, một phụ nữ chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng
- Hà Nội: Tổng Giám đốc lừa đảo, kêu gọi góp vốn theo hình thức ‘đa cấp’
VKSND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết chiều 30/12, đơn vị này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Lê Thị Hồng Phương (SN 1992, trú tỉnh Thừa Thiên – Huế) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, bị can Phương bán hàng trên mạng các sản phẩm như mỹ phẩm, túi xách, nước hoa, đồng hồ,… của các thương hiệu nổi tiếng như: Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Versace, NMN…
Để huy động tiền, Phương đã mời vợ chồng anh T.L và chị T.T cùng góp vốn đầu tư. Cách thức là mỗi lần chốt được đơn hàng, Phương sẽ gửi thông tin đơn hàng gồm ngày chốt đơn, ngày về đơn, tiền lãi từ 10-50%. Anh T.L, chị T.T lựa chọn đơn để đầu tư và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Phương, khi hàng về Phương chuyển tiền góp vốn cùng tiền lãi cho hai vợ chồng này.
Do kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài cộng tiêu tiền vào mục đích cá nhân, Phương tiếp tục kêu gọi tiền đầu tư và dùng tiền này để trả lãi cho các đơn hàng trước. Phương tự tạo nhiều đơn hàng khống với lãi suất cao (có đơn hàng lợi nhuận lên đến 100%), trung bình mỗi ngày từ 8-10 đơn hàng, đồng thời gửi thêm nhiều hình ảnh liên quan đến các sản phẩm cần nhập về bán để tạo sự tin tưởng từ vợ chồng anh T.L và chị T.T để có thêm tiền.
Thấy lợi nhuận thu về từ việc góp vốn kinh doanh cao, vợ chồng anh T.L và chị T.T đã mời thêm bạn bè và người quen tham gia góp vốn để hưởng lãi suất chênh lệch. Hai vợ chồng này sao chép các đơn hàng do Phương gửi và điều chỉnh % lợi nhuận lãi xuống thấp hơn từ 5-50% so với lợi nhuận Phương đưa ra và chuyển để mọi người chốt đơn.
Đến ngày 12/4/2022, Phương báo với vợ chồng anh T.L và chị T.T là đã mất khả năng thanh toán.
Từ thông tin tố giác của người bị hại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã điều tra, xác định hành vi của Lê Thị Hồng Phương có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3/2021 đến ngày 11/4/2022, tổng số tiền Phương nhận góp vốn là gần 1.400 đơn với giá trị là hơn 15 tỷ đồng.
Tại nơi ở của Phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu giữ nhiều mặt hàng có giá trị cao liên quan đến hoạt động kinh doanh online.
Nguyễn Sơn
Từ khóa Thừa Thiên - Huế thủ đoạn lừa đảo lừa đảo góp vốn