Các quy định về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều vấn đề như ùn tắc, tai nạn giao thông hay gây tâm lý ức chế cho tài xế.

Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc VN dự kiến tăng phí 4 tuyến cao tốc

chuyen gia de xuat cam xe tai chay lan 1 cao toc2 image
Phương tiện tại Đại Xuyên (chiều Ninh Bình – Hà Nội) đầu giờ chiều ngày 3/9. (Ảnh: mt.gov.vn)

Truyền thông trong nước đưa tin sáng ngày 12/10, tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2023, TS. Đặng Minh Tân (Trường đại học GTVT) đã nêu một vấn đề thực tế khiến nhiều tài xế bức xúc khi lái xe trên cao tốc.

Theo ông Tân, dự kiến đến cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.852km đường cao tốc được đưa vào khai thác, nhưng các quy định, chế tài hiện hành về việc sử dụng làn trên đường cao tốc đối với các loại phương tiện khác nhau, chưa đầy đủ, rõ ràng.

“Từ đó dẫn đến tình trạng các phương tiện giao thông đi chậm, chiếm làn phía bên trái sát dải phân cách dẫn đến các xe đi nhanh có nhu cầu vượt phải vượt sang bên phải gây ra nhiều xung đột, gia tăng nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông”, ông Tân nói.

Trên thế giới, ở nhiều nước, việc sử dụng làn đường của các phương tiện giao thông trên đường cao tốc được quy định và được quản lý rõ ràng. Như ở Mỹ, tại hầu hết các bang đều có luật quy định các xe phải giữ làn phải hoặc luật nhường đường yêu cầu các xe phải giữ làn phía bên phải hoặc phải chuyển làn sang phía bên phải để nhường cho xe có nhu cầu vượt từ phía sau.

Tương tự, ở Đức, theo luật giao thông đường bộ cũng quy định các xe phải giữ làn phải. Làn đường bên trái chỉ được sử dụng để vượt, trừ những trường hợp đặc biệt (tắc đường, tai nạn).

TS. Minh Tân dẫn chứng trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ AAA vì An toàn Giao thông Mỹ cho thấy, gần 80% lái xe cảm thấy ức chế, tức giận khi bị những xe tốc độ thấp bám làn đường bên trái và không nhường đường. 51% cho biết họ sẽ “cố ý bám đuôi” trong những trường hợp này. Tình trạng này có thể phát sinh ra những hành động nguy hiểm gây tai nạn giao thông.

“Ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ô tô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn “chiếm” làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm. Thực trạng này gây ra nhiều vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông hay gây tâm lý ức chế cho người điều khiển phương tiện”, TS. Đặng Minh Tân nêu ý kiến.

Dẫn chứng kết quả khảo sát, phân tích trên 3 tuyến cao tốc quan trọng, điển hình ở khu vực phía Bắc (Pháp Vân – Cầu Giẽ, Láng – Hòa Lạc và Hà Nội – Thái Nguyên), ông Tân cho biết đa số các phương tiện chọn làn phía trái (làn số 1) với đường có 4 làn xe và làn số 1 và làn số 2 đối với đường có 6 làn xe.

Trong đó các phương tiện xe tải chỉ có 42,62% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 2) ở đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, 37,15% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và 28,86% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao.

“Đặc biệt nhiều phương tiện dù chạy với tốc độ dưới 40km/h nhưng vẫn đi ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy xe con và xe khách có xu hướng chạy với tốc độ cao hơn ô tô tải, tuy nhiên, có nhiều phương tiện xe con vẫn đi với tốc độ rất thấp ở làn số 1. Trường hợp này hay gặp đối với xe tập lái”, TS. Đặng Minh Tân cho hay.

Trước thực tế đó, ông Tân kiến nghị cần phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc Việt Nam nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trước mắt, theo ông Tân, với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe có thể nghiên cứu phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt.

Đồng thời, ông Tân cho rằng cần ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng.

Khánh Vy