Còn bao nhiêu tỉnh, thành chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi?
- Nguyễn Sơn
- •
Sau 4 tháng kể từ khi công bố dịch, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 52 tỉnh, thành tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Việc lây lan chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê mới nhất từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến chiều ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.508 xã, 337 huyện của 52 tỉnh, thành phố, gồm:
Vùng Tây Bắc Bộ: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai (toàn bộ)
Vùng Đông Bắc Bộ: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định (toàn bộ)
Khu vực Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế (trừ Quảng Bình)
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định (trừ Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận)
Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk (trừ Lâm Đồng)
Vùng Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương (trừ Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM)
Vùng Tây Nam Bộ: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang (trừ Long An, Bến Tre, Trà Vinh)
Gần 2,2 triệu con lợn đã bị tiêu hủy.
Theo đó, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở toàn bộ các tỉnh miền Bắc, đang lan nhanh ở vùng Tây Nam Bộ và gần như toàn bộ khu vực Tây Nguyên. Cả nước hiện còn 11 tỉnh, thành chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Công điện ngày 3/6 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các tỉnh, thành cho hay dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các khu vực chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Hiện có 45 xã thuộc 14 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh, theo Cục Thú y. Tại Hậu Giang đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi với số lượng hơn 1.200 con.
Về nguyên nhân gây nên tình trạng dịch lây rộng, lan nhanh, công điện của Chính phủ thừa nhận tình trạng tổ chức tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh chậm, không đảm bảo yêu cầu, làm lây lan dịch, ô nhiễm môi trường; một số địa phương xảy ra tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn; hệ thống thú y chưa chủ động; công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ khiến chủ phương tiện tự phá huỷ niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.
Trước đó, vào giữa tháng 3, sau khi khảo sát thực tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch tả lợn châu Phi.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa dịch tả lợn châu Phi lợn bệnh