Trái với tình trạng “đắp chiếu” từ năm 2012 của dự án Gang thép Thái Nguyên hơn 8.100 tỷ đồng, khối tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng, nhiều biệt thự, nhà, đất của các nguyên lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vừa bị công khai trong danh sách tài sản bị kê biên.

du an gang thep thai nguyen
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn hơn gấp 2 lần, đình trệ từ năm 2012 tới nay; mỗi ngày, phải trả khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi khoản vay ngân hàng. (Ảnh: baothainguyen.org.vn)

Truyền thông trong nước đưa tin đầu tháng 2/2021, VKSND Tối cao Việt Nam đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên và các đơn vị có liên quan (sau đây gọi tắt là Dự án Gang thép Thái Nguyên).

19 bị can bị Viện KSND tối cao truy tố, gồm các nhiều quan chức nhà nước từng giữ các vị trí lãnh đạo trong ngành thép, như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) – Trần Văn Khâm; cựu Tổng giám đốc TISCO – Trần Trọng Mừng; cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) – Mai Văn Tinh; cựu Tổng giám đốc VNS – Đậu Văn Hùng…

Tự ý tách hợp đồng EPC, tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư, được triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng. Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu trọn gói (EPC).

Năm 2007, TISCO và tổng thầu Trung Quốc MCC ký hợp đồng trọn gói EPC số 01 trị giá 160,8 triệu USD; TISCO ứng trước 35,6 triệu USD.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC, MCC để xảy ra hàng loạt vi phạm, khi sau hơn 11 tháng ký hợp đồng vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa ký hợp đồng với nhà thầu phụ, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị; không triển khai thi công các hạng mục…

Sau đó, MCC rút hết người về nước và nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm 138 triệu USD không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng EPC đã ký.

Mặc dù biết rõ việc nhà thầu vi phạm nhưng dàn lãnh đạo, cán bộ thuộc TISCO và VNS không chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, mà đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư; chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh lại hợp đồng, điều chỉnh dự toán và chi phí; phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng EPC trọn gói, ký với 14 nhà thầu phụ không có năng lực khiến dự án không thể hoàn thành.

Mặc dù hợp đồng dở dang, chưa hoàn thành nhưng TISCO đã phải thanh toán 877 tỷ đồng.

Theo Viện KSND tối cao, TISCO tách hợp đồng, trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ đã gây bất lợi cho TISCO, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm.

Do VNS và TISCO điều chỉnh hợp đồng dẫn đến tăng chi phí đầu tư, lãi vay, tổng mức đầu tư dự án bị đội từ 3.834 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định hậu quả là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO phải trả cho ngân hàng khi dự án bị chậm tiến độ từ năm 2011 đến năm 2019 là 830 tỷ đồng.

Các cựu lãnh đạo và các con sở hữu nhiều biệt thự, nhà, đất, cùng hàng chục tỷ đồng

Theo nội dung cáo trạng, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản của các bị can trong vụ án.

Trong danh sách kê biên, bị can Trần Văn Khâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO có 6 nhà, đất nằm rải rác tại Thái Nguyên và Hà Nội, gồm: 2 nhà, đất tại TP Thái Nguyên; 1 căn hộ tại chung cư 165B Thái Hà (Hà Nội); 1 nhà, đất tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội); 1 căn hộ tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) và 1 thửa đất diện tích 252m2 tại Thái Nguyên đứng tên vợ ông Khâm.

Bị can Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc TISCO – người được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, bị kê biên 1 căn nhà tại Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 1 thửa đất tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Bị can Đậu Văn Hùng, cựu Tổng giám đốc VNS bị kê biên 5 tài sản nhà, đất tại TP.HCM.

Một số bị can có tài sản bị kê biên dù tài sản đã được ký hợp đồng cho tặng đối với con cái. Trong đó, bị can Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT VNS, bị kê biên 1 căn hộ chung cư 144 m2 tại phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội). Vợ chồng ông Tinh đã tặng căn hộ trên cho con gái vào tháng 3/2019.

Tương tự, bị can Ngô Sỹ Hán, cựu Phó tổng giám đốc TISCO, cựu Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO bị kê biên 1 căn biệt thự liền kề tại quận Hà Đông (Hà Nội). Vợ chồng ông Hán đã ký hợp đồng tặng căn nhà cho con vào tháng 3/2019.

Ngoài ra, bị can Đậu Văn Hùng bị phong tỏa gần 2,6 tỷ đồng và trên 153.000 USD trong các tài khoản ngân hàng; con trai bị can Hùng cũng bị tạm dừng giao dịch khoản tiền lên tới 1,84 triệu USD (tương đương hơn 42,6 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng…

Sơn Nguyên

Xem thêm: