Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần khoảng 348 triệu USD để đào tạo nhân sự
- Minh Long
- •
Bộ GTVT dự kiến cần khoảng 180.000 lao động cho giai đoạn xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong quá trình vận hành và khai thác, cần khoảng 13.880 nhân sự, cùng với 700 nhân viên quản lý và 1.200 kỹ sư tư vấn.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ có vận tốc thiết kế 350 km/h, với tổng chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi khổ 1.435mm và sử dụng điện khí hóa.
Bộ GTVT dự kiến cần khoảng 180.000 lao động cho giai đoạn xây dựng dự án. Trong quá trình vận hành và khai thác, cần khoảng 13.880 nhân sự, cùng với 700 nhân viên quản lý và 1.200 kỹ sư tư vấn.
Kế hoạch đào tạo nhân sự cho dự án đã được tính toán, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 348 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp khai thác dự án sẽ vay lại khoảng 340 triệu USD để đào tạo cho 13.880 nhân sự phục vụ công tác quản lý, vận hành và khai thác tuyến đường.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA đường sắt, cho biết đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực được xác định thực hiện theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).
Ngoài các nhân sự được đào tạo bằng kinh phí của dự án theo quy định (quản lý dự án, vận hành khai thác), việc đề xuất bố trí kinh phí từ dự án để đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển cũng được thực hiện.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay hiện lực lượng nhân sự tại Tổng Công ty là trên 22.000 người. Đây là lực lượng chính, là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Hiện nay, đơn vị đang tổ chức triển khai bố trí lực lượng trong ngành để học tập tại các nước phát triển công nghiệp đường sắt.
Tổng Công ty cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực để chuẩn bị hợp tác, xây dựng các mô hình tổ chức cũng như cơ sở vật chất.
“Hiện nay, Tổng Công ty đã định lượng, đưa ra các tổ, ban chỉ đạo trong đơn vị sẵn sàng cho việc tổ chức khai thác, quản lý vận hành. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rằng đào tạo về lái máy cũng như điều khiển tự động, phải mất từ 5-8 năm.
Như vậy, nếu sử dụng lực lượng ở trong ngành đường sắt hiện hữu và đang có đủ khả năng, ngành đường sắt chỉ cần đào tạo từ 3-5 năm. Kinh phí để rút ngắn thời gian đào tạo cũng là một khoản kinh phí tiết kiệm cho dự án”, ông Khánh nói.
Trên lĩnh vực phát triển công nghiệp đường sắt và khả năng tự chủ, ông Khánh cho biết hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang có hai cơ sở chính tại Gia Lâm và Dĩ An. Tỷ lệ nội địa hóa hiện nay với đường sắt hiện hữu lên tới 70- 80%.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nói với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đã trải qua thời gian nghiên cứu là 18 năm.
Đến thời điểm hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT đã dự báo nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách trên trục Bắc – Nam là lớn nhất.
Theo ông Huy, qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt. Do vậy, khoảng cách từ các tỉnh miền Trung ra đến Hà Nội cần có một tuyến đường sắt phù hợp với tình hình mới để phục vụ nhu cầu của người dân là hoàn toàn hợp lý.
Đây là thời điểm thích hợp để trình Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, ông Huy nói.
Bộ sẽ triển khai việc lựa chọn tư vấn quốc tế để nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kiến giải những vấn đề kỹ thuật cần thiết phải làm rõ, ông Huy cho hay.
Từ khóa Bộ GTVT đường sắt tốc độ cao Bắc Nam