Hà Nội: Số ca chưa lập đỉnh, hàng ngàn bộ kit test COVID-19 trôi nổi khi ‘cung tăng’
- Sơn Nguyên
- •
Việt Nam đang ghi nhận số ca viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) cao kỷ lục khi số ca ghi nhận trong ngày xấp xỉ 100.000 ca, chưa kể mỗi ngày các tỉnh lần lượt đăng ký hàng chục ngàn ca bổ sung. Kit xét nghiệm COVID-19 trở thành mặt hàng “cung không đủ cầu” khi chỉ tính riêng tại Hà Nội, hàng nghìn bộ kit test bị phát hiện trong tình trạng “tự điều tiết”, gom hàng để bán.
- Chủ tịch TP Hà Nội: Biến thể Omicron đã song hành với Delta, số ca dự báo tiếp tục tăng
- Mỹ nâng mức cảnh báo COVID-19 tại Việt Nam lên cấp độ 4: ‘Đừng đến’
Từ ngày 25/2 đến ngày 1/3, gần 8.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc bị thu giữ tại Hà Nội – nơi số ca mắc mới trong ngày từ xấp xỉ 10.000 ca đã vượt trên 13.300 ca, dự báo trong nửa đầu tháng 3 vẫn tiếp tục đà tăng cao.
Theo tin từ Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, ngày 25/2, 5.000 bộ kit test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ tiếng Việt Nam bị Đội Quản lý thị trường số 13 phát hiện tại kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT (khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Ngày 1/3, 900 bộ kit test COVID-19 do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp bị phát hiện tại phường Thanh Lương – Quận Hai Bà Trưng. Lô hàng có tổng trị giá khoảng 27 triệu đồng; chủ hàng hoá là Nguyễn Văn Hiếu (SN 2001) bị phạt hành chính 16 triệu đồng, bị thu giữ toàn bộ hàng.
Cùng ngày 1/3, 1.950 bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc bị Đội Quản lý thị trường số 17 thu giữ theo xe giao hàng trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Chủ lô hàng – bà Hà Thu Hường cho hay đã mua trôi nổi số hàng hóa này về bán kiếm lời. Lô hàng do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có tổng giá trị gần 100 triệu đồng.
Về thuốc điều trị COVID-19, vẫn tại Hà Nội, chiều 28/2, 3.030 hộp thuốc điều trị COVID-19 có nhãn in chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ là tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ liên quan bị Đội Quản lý thị trường số 17 thu giữ tại một cơ sở trên đường Trung Phụng, quận Đống Đa.
Chủ lô hàng – bà Nguyễn Thị Ngân Hà (SN 1992) cho hay đã thu mua số thuốc trên trên mạng về bán kiếm lời, người mua – bán gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ.
Không chỉ tại Hà Nội, ngày 1/3, 1.000 bộ kit test nhanh xuất xứ Trung Quốc bị thu giữ trên xe trên Quốc lộ 2 (thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang). Chủ hàng là bà Nguyễn Thị V.T. cho hay đã đặt mua số hàng trên qua Facebook của một người không rõ danh tính với tổng tiền gần 50 triệu đồng. Khi hàng đang được chuyển theo xe khách từ Hà Nội lên Tuyên Quang thì bị thu giữ. Tại Thái Nguyên, 400 bộ kit test do Trung Quốc sản xuất của ông Dương Đức G. bị thu giữ. Ông G. nói thấy nhu cầu mua kit test COVID-19 tăng đột biến nên đã đặt mua hàng trên mạng về bán.
Trao đổi với Trí Thức VN ngày 2/3, anh Phan A. (nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho hay tuần trước vừa mua 2 kit test cho bố, giá 110.000 đồng/kit. Ngoài hiệu thuốc giới thiệu các loại kit với giá phổ biến là 110.000 đồng, anh cũng không rõ còn loại nào nữa không.
Anh Duy K. (nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội, sống tại Ecopark Hưng Yên) cho biết giá kit test nơi anh ở là 65.000 đồng/kit, trong khi đồng nghiệp của anh sống ở quận Nam Từ Liêm mua kit với giá 75.000 đồng nếu mua từ 5 kit trở lên, mua lẻ là 80.000 đồng/kit. Đa số người mua đều không phân biệt rõ các loại kit giữa các hãng, mà mua theo loại kit do chủ hiệu thuốc giới thiệu.
Trên một số trang bán hàng trực tuyến có lượng truy cập lớn tại Việt Nam, giá kit test dao động từ 93.000 – 150.000 đồng/kit, gồm các loại hộp 1 kit, 3 kit, 25 kit.
Ngày 25/2, báo Lao Động dẫn lời của ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay ngoài nhu cầu thực (xét nghiệm khi có triệu chứng) thì nhu cầu phòng ngừa ngày càng tăng nên nhu cầu kit test tăng theo.
Ông Thỏa cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh phải ra một quyết định, công bố kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá. Theo ông Thỏa, Luật Giá có quy định trong trường hợp giá tăng đột biến mặt hàng nào đó thì có thể được quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý về giá.
“Cứ để mặt hàng sốt, đột biến, bồng bềnh, trôi nổi, để cả xã hội bị điều tiết một cách vô lý không ổn”, ông Thỏa nói.
Đáng lưu ý, ông Thỏa phản đối đề xuất đưa mặt hàng kit test vào nhóm hàng bình ổn giá, vì cho rằng việc xảy ra cung – cầu bị “đứt” phải có trách nhiệm kiểm tra sản xuất, xuất nhập khẩu để điều tiết, xử lý, còn giá “bùng” lên lại đưa vào mặt hàng bình ổn giá giống kiểu “xoa dịu” công luận.
Sơn Nguyên
Từ khóa bộ kit test COVID-19 số ca COVID-19 kỷ lục