Hành vi khai thác cát gây sạt lở, không có giấy phép bị xử phạt thế nào?
- Nguyễn Quân
- •
Cát là nguồn tài nguyên hữu hạn. Khai thác cát sông, biển quá mức cho phép gây phá vỡ hệ sinh thái (rừng, sông, biển), gây nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật; gây xâm thực, sạt lở; thu hẹp diện tích đất đai, lãnh thổ.
Về xử phạt hành chính, Nghị định 33/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017) quy định:
Điều 24 quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy:
+ phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Điều 36 quy định về khu vực khai thác:
+ phạt tiền từ 100 – 300 triệu đồng khi khai thác cát ở lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 50% đến dưới 100% hoặc vượt từ 0,5 ha đến dưới 1 ha và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 2 m đến dưới 5 m.
+ phạt tiền từ 300 – 500 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100% trở lên hoặc vượt từ 1 ha trở lên và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 5 m trở lên.
Điều 40 quy định về vi phạm công suất được phép khai thác:
+ phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng khi khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt dưới 5.000 tấn.
+ phạt 10 – 20 triệu đồng nếu vượt từ 15% đến dưới 25% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn.
+ phạt 20-30 triệu nếu vượt từ 25% đến dưới 50% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn.
+ phạt 30-50 triệu nếu vượt từ 50% đến dưới 100% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 10.000 tấn đến dưới 20.000 tấn.
+ phạt 50-70 triệu nếu vượt từ 100% trở lên hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 100.000 tấn trở lên.
Ngoài ra, tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 tháng đến tối đa 24 tháng tùy trường hợp vi phạm.
Điều 41, đối với hành vi khai thác cát trong trường hợp không phải xin giấy phép:
+ trong phần đất thuộc hộ gia đình, cá nhân: phạt cảnh cáo nếu khai thác để tặng cho; phạt tiền từ 3 – 5 triệu nếu khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.
+ phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng khi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh; hoặc thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với UBND tỉnh.
Điều 44, đối với hành vi khai thác cát không có giấy phép khai thác:
+ phạt từ 100 – 200 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát để làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng khai thác từ 50 m3 trở lên.
+ phạt từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi khai thác khi giấy phép khai thác đã hết hạn hoặc khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác.
Ngoài ra, tịch thu toàn bộ tang vật (hoặc quy đổi thành tiền), và phương tiện sử dụng; buộc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa về trạng thái an toàn.
Điều 45 quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản:
Không thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn:
+ phạt từ 40-60 triệu nếu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
+ phạt từ 60-80 triệu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT.
Không thực hiện các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn:
+ phạt từ 50-70 triệu nếu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
+ phạt từ 70-100 triệu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT.
Không lập đề án đóng cửa mỏ: (về trường hợp phải lập đề án đóng cửa mỏ, xem Điều 73 Luật Khoáng sản)
+ phạt từ 50-70 triệu nếu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
+ phạt từ 70-100 triệu trong trường hợp khu vực khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT.
Về xử lý hình sự, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) quy định:
+ phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm trong trường hợp nghiên cứu, thăm dò, khai thác không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nếu thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng trở lên; hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; hoặc gây thương tích tổn thương cơ thể người khác từ 31-60%.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản này, bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 3 tỷ đồng.
+ phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác từ 500 triệu đồng trở lên; hoặc khoáng sản trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên; hoặc phạm tội có tổ chức; hoặc khai thác gây sự cố môi trường; hoặc gây thương tích thương tích tổn thương cơ thể 2 người với tỷ lệ tổn thương từ 61%/người trở lên (hoặc 4 người với tỷ lệ tổn thương 31%/người trở lên); hoặc làm chết người.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản này, bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 7 tỷ đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Theo số liệu Bộ NN&PTNT đưa ra vào tháng 5/2017, vùng ĐBSCL có 406 đoạn sạt lở, gồm 393 điểm bờ sông dài 581km và 13 đoạn bờ biển dài 310km – tổng chiều dài 891km. Trong 5 năm từ 2011-2015, sạt lở khiến diện tích rừng trong vùng giảm 10%, tương đương 28.387ha. Tình trạng đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Cà Mau với 150km bờ biển bị sạt lở. Theo số liệu năm 2012, mỗi năm, Cà Mau mất khoảng 900ha do sạt lở. Tháng 4/2017, An Giang, Đồng Tháp ban bố tình trạng sạt lở khẩn cấp đất bờ sông. Theo PGS TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, hơn 50% nguyên nhân sạt lở tại ĐBSCL là vì thiếu hụt cát trong lòng sông, do các đập thủy điện (trên sông Mê Kông) giữ lại bùn cát và do khai thác cát trái phép. Đầu năm 2017, trên Báo Tuổi Trẻ, nhiều nhà khoa học kiến nghị dừng xuất khẩu cát để rà soát, đánh giá lại vai trò của cát đối với quốc gia, khí hậu, về hiệu quả từ nguồn thu xuất khẩu cát, về chủ trương cấp phép cho các dự án xã hội hóa nạo vét luồng, lạch tận thu cát. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa khai thác cát khai thác cát gây sạt lở hình phạt khai thác cát gây sạt lở xử phạt khai thác cát lậu