Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Sẽ phục vụ việc đánh giá chất lượng dạy và học
- Minh Long
- •
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2019, đề thi không phục vụ mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” mà sẽ phục vụ việc đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
Ngày 24/9, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT năm 2018, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng Bộ GD&ĐT ban hành bộ đề thi minh họa muộn hơn so với các năm trước đã ảnh hưởng đến công tác tổ chức ôn tập của các nhà trường.
Về hình thức thi trắc nghiệm, báo cáo nhận định chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập… Để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá trình độ, năng lực của học sinh phổ thông, Bộ GD&ĐT cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, bảo đảm chất lượng đề thi; nghiên cứu hoàn thiện các bài thi tổ hợp, bảo đảm kiến thức tổng hợp và khoa học.
Tại phiên giải trình, đại biểu Quốc hội nêu lo ngại của nhiều cử tri về tỷ lệ tốt nghiệp THPT quá cao (gần 100%) thì việc tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT cần thiết đến đâu, Bộ sẽ cải tiến kỳ thi theo hướng nào để vừa gọn nhẹ vừa tránh được những sai phạm lớn như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được giữ ổn định với các nội dung cơ bản như: Nội dung thi, đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc tổ chức các bài thi, môn thi trong các năm 2019 và 2020 được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Cùng với việc hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố định hướng đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.
Trước mắt, để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thi vào các năm 2019 và 2020.
Bộ trưởng còn cho hiện rất nhiều nước thi THPT quốc gia. Thi THPT quốc gia không chỉ để công nhận tốt nghiệp mà quan trọng là kiểm tra xem nội dung phương pháp, chất lượng dạy và học như thế nào để điều chỉnh chất lượng trên phạm vi cả nước. Do vậy nội dung, mức độ yêu cầu đạt được phải gắn với chương trình THPT quốc gia.
“Kỳ thi tới đây sẽ không phải phục vụ đồng thời cho 2 mục đích, mà phục vụ cho đổi mới chương trình THPT quốc gia. Bộ sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn và vẫn bảo lưu quan điểm cần phải duy trì kỳ thi quốc gia. Quá trình đổi mới kỳ thi là cải tiến chứ không phải mỗi năm một kiểu. Ba năm gần đây, kỳ thi đã ổn định nhưng mỗi năm phải có cải tiến về kỹ thuật” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Trước băn khoăn về nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng thời gian qua điểm học bạ gần như là “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ từng bước tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định để kỳ thi thực chất hơn.
Minh Long
Xem thêm:
Từ khóa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Kỳ thi THPT Quốc gia 2019