Nữ nghi phạm đứng đầu đường dây mua bán, chế tạo hàng trăm vũ khí quân dụng
- Khánh Vy
- •
Lãnh án 3 năm nhưng được tạm hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ, một phụ nữ ngụ huyện Củ Chi (TP.HCM) tiếp tục tổ chức đường dây mua bán vũ khí trái phép số lượng lớn từ Thái Lan về Việt Nam, phân phối trên toàn quốc.
- Một thợ hàn ở Hải Dương chế tạo, tàng trữ lượng lớn súng tự chế, súng quân dụng
- Hàng trăm linh kiện súng săn được nhập lậu từ Trung Quốc
Ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tạm giữ hình sự thêm 4 người trong đường dây tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và tàng trữ, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ.
Bốn người bị tạm giữ gồm Vũ Thị Diệp (SN 1990, trú tại huyện Củ Chi, TP.HCM); Đặng Quốc Ánh (SN 1994), Đặng Quốc Huân (SN 1995) và Đặng Văn Tỉnh (SN 1997, cùng trú tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).
Trước đó, ngày 22/8, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phá thành công chuyên án chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng quy mô lớn tại tỉnh Kiên Giang.
12 nghi phạm bị bắt tạm giam; 84 khẩu súng các loại (gồm 11 khẩu súng là vũ khí quân dụng, 14 khẩu súng là công cụ hỗ trợ), hơn 300 viên đạn, 365 ống kim loại chứa CO2, 1 roi điện bị thu giữ, chưa kể 1 máy tiện chuyên dụng và một số thiết bị, máy móc phục vụ việc chế tạo, cải tạo các loại súng bắn đạn bi, đạn thể thao thành súng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng.
Ban đầu, qua điều tra xét hỏi, Dương Minh Tuấn (SN 1982) khai nhận đã mua súng của hai vợ chồng Cao Văn Hoài (SN 1995) và Võ Ngọc Trâm (SN 1995), cải tạo để súng có tính năng sát thương và độ chính xác cao rồi tiếp tục bán cho những người có nhu cầu.
Hoài và Trâm thừa nhận đặt mua súng, công cụ hỗ trợ rồi rao bán qua mạng cho những người có nhu cầu ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa và TP. Hà Nội.
Sau khi bắt giữ 12 nghi phạm trên, Ban giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ban chuyên án điều tra nguồn gốc các loại vũ khí đã thu giữ do nữ phạm nhân Vũ Thị Diệp cầm đầu.
Năm 2019, Diệp cùng chồng là Phạm Thành Long bị TAND Củ Chi (TP.HCM) xử phạt 3 năm tù giam về tội Mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Phạm nhân Long đang chấp hành án còn Diệp được tạm hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Trong thời gian được tại ngoại, Diệp tiếp tục móc nối các mối quan hệ, tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Thái Lan về Việt Nam, sau đó phân ra giao cho các đại lý toàn quốc rao bán trên mạng xã hội, dùng nhiều thủ đoạn để che giấu hoạt động.
Đến ngày 15/10, ban chuyên án phát hiện Diệp đang chỉ đạo cho đàn em mua bán và vận chuyển 63 khẩu súng các loại cho một người tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ đây, Tỉnh – đàn em nhận vận chuyển súng cho Diệp bị bắt giữ; 2 khẩu súng, 1 dao bấm và các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án bị thu giữ tại chỗ ở.
Qua xét hỏi nhanh, Tỉnh khai ngày 13/10 được Diệp chỉ đạo nhận 3 thùng hàng, bên trong có 63 khẩu súng, rồi gửi xe vận tải H.L tại bến xe Miền Đông ra TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho Đặng Quốc Huân (là anh em bà con chú bác ruột với Tỉnh).
Tỉnh và Huân khai có nhận 3 thùng xốp chứa các loại súng và các phụ kiện của súng nói trên từ Diệp, hiện tại đang cất giấu tại một nhà kho phường Phước Long, TP. Nha Trang.
Khám xét khẩn cấp nhà kho nói trên, cảnh sát thu giữ 229 khẩu súng (134 khẩu kiểu súng lục M1911 bắn đạn bi và bình C02; 64 khẩu súng rulo; 31 khẩu súng lục các loại bắn đạn cao su và hơi cay) và 455 bình khí nén; 6 kg đạn bi sắt cùng nhiều linh kiện, phụ kiện của súng và các đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Huân khai nhận làm đại lý cho Diệp, bán các loại súng ra các tỉnh miền Trung.
Theo đó, kể từ cuối tháng 8 tới nay, 16 nghi phạm đã bị bắt giữ trong đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng quy mô lớn nói trên. 313 khẩu súng các loại, hơn 300 viên đạn, 365 ống kim loại chứa CO2, 1 roi điện, 455 bình khí nén; 6 kg đạn bi sắt, nhiều linh kiện, phụ kiện của súng cùng một số thiết bị, máy móc dùng để chế tạo, cải tạo các loại súng bị thu giữ.
Số tiền thu lợi bất chính của nhóm tội phạm chưa được công bố cụ thể. Cơ quan điều tra cho hay con số ước tính hàng tỷ đồng.
Hiện ban chuyên án đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và các cục nghiệp vụ Bộ Công an mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ vụ án.
Từ khóa tỉnh Kiên Giang mua bán vũ khí vũ khí quân dụng thời gian tại ngoại