Phá hơn 5,2ha rừng phòng hộ để làm Nhà máy điện mặt trời: Do nhầm lẫn?
- Phạm Toàn
- •
Chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) cho rằng việc chặt phá 5,26 ha rừng phòng hộ để thi công dự án nhà máy điện mặt trời là do “nhẫm lẫn”. Tuy nhiên, người dân cho biết việc phá rừng diễn ra chủ yếu vào ban đêm, “họ phá rừng lén lút thì sao gọi là nhầm lẫn được?”.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY – Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, người dân xã Mỹ An phản ánh việc thi công dự án Nhà máy đã “chặt phá hàng loạt cây phi lao” tại rừng phòng hộ ven biển 2 thôn Xuân Bình và Xuân Phương (xã Mỹ An), vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ cho thấy, diện tích rừng phi lao bị chặt phá khoảng 5,26 ha. Nhiều cây có từ 10 – 20 năm tuổi bị cắt hạ, nhổ bật gốc; không xác định được thiệt hại cụ thể (khối lượng, số cây)…
Phá rừng là do “nhầm lẫn”
Lãnh đạo Công ty Cổ phần phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận có việc trên. “Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện. Trong quá trình thi công, nhà thầu đã “nhầm lẫn” dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án”.
Về hướng giải quyết, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết trong phần đất được cấp của dự án vẫn còn nguyên 11,2 ha. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2 ha này và hoán đổi phần đất 5,26 ha rừng vừa bị chặt phá.
“Họ phá rừng lén lút thì sao gọi là nhầm lẫn được?”
Nhiều người dân tại xã Mỹ An cho biết việc phá khu rừng bắt đầu từ đêm ngày 6/8. Từ đó, đêm nào người dân cũng nghe thấy máy móc ầm ầm kéo đến cưa đổ hàng loạt cây phi lao. Sau khi cưa hạ, công nhân tổ chức dọn dẹp cây, lá sạch sẽ tại hiện trường ngay trong đêm…
“Cứ đêm đến, công nhân lén lút đưa máy móc đến triệt hạ khu rừng phòng hộ rồi dọn dẹp hiện trường, kéo rào bao lại khu vực bị phá, còn ban ngày thì nghỉ. Họ phá rừng kiểu lén lút như vậy thì sao gọi là nhầm lẫn được?”, anh N.V.C nói trên báo Người Lao Động.
Đáng chú ý, cũng theo người dân, giới chức xã Mỹ An đã xuống hiện trường khu rừng phòng hộ bị phá để kiểm tra, nhưng tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Đến cuối tháng 8, giới chức huyện Phù Mỹ đến kiểm tra, vụ việc mới dừng lại.
Người dân địa phương cho biết, rừng cây có mục đích chắn gió, sóng, cát, mưa bão. “Chúng tôi ra sức bảo vệ, ai chặt củi, cưa hạ cành, gốc cây cũng bị chính quyền, ngành chức năng nhắc nhở và xử phạt… nhưng doanh nghiệp lại được phá rừng suốt từ đầu tháng 8”, một người dân bức xúc nói.
Cần xem xét trách nhiệm chủ đầu tư, cấp quản lý xã, huyện, tỉnh
Báo Dân Việt dẫn lời luật sư Trần Duyên (Duyên Trần) – Công ty Luật Hợp danh FDVN cho rằng hành vi chặt, phá rừng trên là “trái quy định pháp luật và bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 9, Luật Lâm Nghiệp 2017”.
Trong trường hợp này, dịch COVID-19 không được xem là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm của các bên, bởi việc lấn chiếm, chặt phá hơn 5ha rừng phòng hộ không phải được thực hiện “một sớm một chiều” mà kéo dài nhiều ngày liền, kể cả ban đêm.
Do đó, đơn vị thi công hoàn toàn có thể lấy thông tin từ phía người dân, báo cáo kiểm tra với chủ đầu tư để xác định lại ranh giới đất được giao. Nhưng, các bên vẫn tiếp tục thực hiện chặt phá rừng, san lấp mặt bằng, dẫn đến nhiều ha rừng phòng hộ bị “xóa sổ”.
Cần xem xét trách nhiệm của các bên là đơn vị thi công, chủ đầu tư, chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và các cấp quản lý UBND xã, huyện, tỉnh, luật sư Duyên nói.
Cũng theo vị luật sư này, việc chủ đầu tư xin trả lại 11,2ha đất đã giao cho doanh nghiệp và hoán đổi phần đất 5,26ha rừng phòng hộ vừa bị chặt phá là “không có cơ sở theo quy định của pháp luật”.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Sau hơn 200 vụ phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, 4 trưởng BQL bị tạm đình chỉ
Từ khóa Bình Định Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ