Quốc tế “thất vọng” với việc thông qua Luật An ninh mạng của VN
- Tuấn Minh
- •
Sáng ngày 12/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng với 86,86% số ĐBQH tán thành. Việc thông qua Luật An ninh mạng vốn gây tranh cãi tại Việt Nam một thời gian dài đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, cũng như thu hút được sự chú ý và bình luận của quốc tế.
Trên Twitter, văn phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/6, và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
“Chúng tôi thất vọng về việc thông qua Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, trong đó hạn chế hơn nữa việc tự do biểu đạt trên không gian mạng và áp đặt những hạn chế gây phiền toái đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác. Chúng tôi thúc giục Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp của Việt Nam tạo ra một môi trường kỹ thuật số cởi mở và mang tính cạnh tranh, nhất quán với các nghĩa vụ thương mại quốc tế của Việt Nam,” tuyên bố của phía Hoa Kỳ khẳng định.
Trước đó, ngày 8/6, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phát đi Thông cáo báo chí đề nghị Quốc hội Việt Nam hoãn bỏ phiếu thông qua luật an ninh mạng do lo ngại rằng nó “có thể dẫn đến những trở ngại nghiêm trọng đối với tương lai của an ninh mạng và đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Việt Nam, và có thể không nhất quán với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng gửi thông cáo dẫn lời bà Clear Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế nói:
“Quyết định này có khả năng mang lại hậu quả có tính hủy hoại đối với sự tự do biểu đạt tại Việt Nam.”
Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (AIC), bao gồm Facebook, Google, LinkedIn, Apple, Twitter, LINE và Rakuten cho biết Liên minh “cảm thấy thất vọng” về việc thông qua Luật An ninh mạng, và nhận định rằng Luật An ninh mạng sẽ cản trở tham vọng của Việt Nam về GDP và tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế kỹ thuật số.
“Thật đáng tiếc, những quy định này sẽ dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội phát triển kinh tế trong và ngoài Việt Nam của các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Jeff Paine cho biết.
Facebook hiện chưa có bình luận về việc Luật An ninh mạng được thông qua.
Trước đó, một lá thư khuyến nghị của 13 công ty công nghệ trong nước, bao gồm FPT, VNG và Mobifone và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm Panasonic, Toshiba và Lazada đã được gửi tới Quốc hội Việt Nam kêu gọi hoãn việc bỏ phiếu.
Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam cho biết Luật An ninh mạng có thể làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài.
Cùng ngày với việc Luật An ninh mạng được thông qua, VN Index “đo sàn” khiến cho vốn hóa thị trường bị bốc hơi hơn 5,1 tỉ USD chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng và giảm xuống còn 3,6 tỉ USD khi đóng cửa phiên trong ngày.
Sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, đã có nhiều cuộc vận động ký tên của người dùng Internet tại Việt Nam phản đối Luật An ninh mạng tại trang change.org, trong đó Chiến dịch gửi thư thỉnh nguyện tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang kiến nghị ông không ký lệnh công bố chính thức Luật an ninh mạng hiện đã có gần 20.000 người ký chỉ sau gần 1 ngày kêu gọi.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Luật an ninh mạng Quốc tế