TP.HCM: Hơn 1.000 nhà đất công đang bị bỏ trống
- Minh Long
- •
Nhiều nhà đất công ở trung tâm TP.HCM với diện tích hàng chục nghìn m2 đang bị bỏ trống, sử dụng kém hiệu quả, như: khu đất 8 – 12 Lê Duẩn, khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng…
- Đồng Nai: 13 cán bộ tiếp tay DN bán 9ha đất công gây thiệt hại gần 79 tỷ đồng
- Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha dự kiến khởi công đầu năm 2025
Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM, sáng 10/12, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết thành phố hiện quản lý khoảng 13.000 địa chỉ nhà đất công, trong đó có hơn 2.000 địa chỉ do Trung ương quản lý và gần 11.000 địa chỉ thuộc thành phố.
Điều đáng nói, TP.HCM vẫn còn khoảng 1.000 địa chỉ nhà đất công kém hiệu quả, thu hút sự quan tâm của dư luận, như khu nhà khách ở 1 Lý Thái Tổ, quận 10, hiện do Bộ Ngoại giao quản lý và đang trong quá trình bàn giao; khu đất 8 – 12 Lê Duẩn, khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, công trình One Central đối diện chợ Bến Thành ở quận 1…
Về phương án giải quyết, ông Hải cho hay từ năm 2022, thành phố đã triển khai đề án quản lý, khai thác và số hóa tài sản công, với sự tư vấn của Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành sớm để trình UBND TP.
Mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý tổng thể về tài sản công trên thành phố, bao gồm việc số hóa dữ liệu 13.000 địa chỉ nhà, đất công để tăng cường hiệu quả quản lý và khai thác.
Hệ thống sẽ hiển thị trạng thái của từng địa chỉ, từ màu xanh (đang sử dụng tốt) cho tới màu đỏ (quản lý không hiệu quả).
Ngoài ra, Sở Tài chính cũng đang thực hiện đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, thực hiện theo Quyết định 213/2024 của Thủ tướng.
Việc kiểm kê toàn bộ tài sản công sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025 và hoàn thành vào tháng 3/2025, kết quả dự kiến công bố tháng 7/2025. Phạm vi tổng kiểm kê bao gồm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trong 12 lĩnh vực.
Theo ông Hải, việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ giúp thành phố đánh giá toàn diện hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực này.
Liên quan đến hơn 1.000 tài sản công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý. Một số tài sản sẽ được đấu giá để thu ngân sách, một số sẽ có đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới.
“Cùng với đó, khi TP.HCM nghiên cứu sắp xếp lại các sở, ngành sẽ sắp xếp, tính toán việc sử dụng các trụ sở công nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản công”, ông Mãi nói.
Hàng loạt đất công bỏ hoang ở vị trí đắc địa
Tính đến tháng 6/2024, thành phố đã thu hồi 35 địa chỉ nhà, đất công (tổng diện tích gần 228.000m2) do các cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, có không ít nhà, đất công bỏ hoang suốt thời gian dài, gây lãng phí.
Tài sản công được xem có giá trị lớn nhất và gây tiếc nuối nhất tại thành phố là 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Đây là những căn hộ thuộc 5 tòa nhà chung cư đã xây dựng xong nhưng nhiều năm qua bị bỏ trống.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã nhiều lần có kế hoạch bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư trên nhưng chưa thể tổ chức. Dự kiến đến tháng 8/2025, các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý và tổ chức bán đấu giá trước tháng 11/2025.
Có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố nhưng nhiều năm qua chỉ làm bãi giữ xe là khu “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1. Tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự đã bàn giao khu đất này cho UBND TP.
Khu đất gần 5.000m2 nói trên liên quan đến cựu Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài trong vụ án “biến đất công thành đất tư”. Sau khi tiếp nhận, UBND TP đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN-MT quản lý.
Khu “đất vàng” hơn 6.000m2 tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 cũng bị bỏ trống đầy lãng phí. Khu đất này cũng liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, được TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Tháng 10/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP được giao quản lý khu đất này.
Cũng ở quận 1, khu “đất vàng” hơn 6.200m2 tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du; 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé cũng bị bỏ trống nhiều năm. Cuối năm 2022, UBND TP có quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.
Năm 2001, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lập phương án xử lý, sắp xếp lại 4 cơ sở nhà đất trên theo hướng xây cao ốc văn phòng và nhà cao tầng để bán, cho thuê.
Ban đầu, Vinafood 2 muốn trực tiếp làm chủ đầu tư nhưng sau đó chuyển sang phương án hợp tác liên kết, góp vốn với công ty tư nhân để thành lập pháp nhân mới. Bằng hình thức hợp tác lòng vòng, Vinafood 2 đã chuyển nhượng trái phép khu đất trên.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố với 4 mặt tiền đường hiếm hoi nhưng nhiều năm qua vẫn bỏ trống là khu đất của dự án xây mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng, số 8 Võ Văn Tần, quận 3. Đây là một trong những dự án đầu tiên của thành phố được đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008.
Đầu năm 2017, nhà thi đấu Phan Đình Phùng được tháo dỡ. Dự án xây mới nhà thi đấu dự kiến có tổng vốn đầu tư 1.953 tỷ đồng và hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. Tháng 5 vừa qua, UBND TP quyết định chuyển dự án này từ hợp đồng BT sang đầu tư công…
Từ khóa quản lý đất đai nhà đất Sở Tài chính TP.HCM nhà đất công