Việt Nam đặt mục tiêu chuyển dịch sản lượng bia lên Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL
- LÊ TRAI
- •
Năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; trước đó, tới năm 2025, sẽ chuyển dịch năng lực sản xuất bia theo hướng tăng ở các vùng hiện sản lượng còn thấp so với dân số, như vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp tục tăng sản lượng
Theo Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công thương phê duyệt, có hiệu lực từ ngày 12/9/2016, Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của toàn ngành bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8 %/năm; giai đoạn 2021 – 2025 là 4,6 %/năm và giai đoạn 2026-2035 là 4,0%/năm.
Cụ thể:
- Đến năm 2020, cả nước sẽ sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 6,8 tỷ lít nước giải khát;
- Năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 9,1 tỷ lít nước giải khát;
- Năm 2035, sản lượng tăng lên khoảng 5,5 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 15,2 tỷ lít nước giải khát.
Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất của ngành đến các năm 2020, 2025 và 2035 đặt mục tiêu lần lượt là: 90.500 tỷ đồng, 113.540 tỷ đồng và 167.920 tỷ đồng.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đặt mục tiêu lần lượt đạt 450 triệu USD (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng), 600 triệu USD (tương đương hơn 13.300 tỷ đồng), và 900 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).
Chuyển dịch năng lực sản xuất bia theo vùng
Về quy hoạch phát triển, ngành bia sẽ chuyển dịch theo hướng tăng ở các vùng hiện nay sản lượng còn thấp so với dân số như vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Không khuyến khích đầu tư mới các nhà máy quy mô dưới 50 triệu lít/năm, trừ các cơ sở sản xuất bia để bán tiêu dùng tại chỗ.
Đến năm 2025, cơ cấu tỷ lệ sản lượng bia của từng vùng trên cả nước sẽ là:
- Trung du và miền núi phía Bắc: 7% (trong đó Đông Bắc Bộ 2%; Tây Bắc Bộ 5%);
- Đồng bằng sông Hồng: 23,3%;
- Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 24,8% (trong đó Bắc Trung Bộ: 15%; Nam Trung Bộ: 9,8%);
- Tây Nguyên: 4%;
- Đông Nam Bộ: 31,4%;
- Đồng bằng sông Cửu Long: 9,5%
Xem thêm:
Đối với ngành rượu, sản lượng sẽ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp chế biến lại rượu sản xuất thủ công, rượu làng nghề để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đến năm 2025, cơ cấu sản lượng rượu của từng vùng trên cả nước sẽ là:
- Trung du và miền núi phía Bắc: 9,5% (trong đó Đông Bắc Bộ 4%; Tây Bắc Bộ 5,5%);
- Đồng bằng sông Hồng: 29,5%;
- Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 17% (trong đó Bắc Trung Bộ: 5%; Nam Trung Bộ: 12%);
- Tây Nguyên: 7,5%;
- Đông Nam Bộ: 22,5%;
- Đồng bằng sông Cửu Long: 14%.
Đối với ngành nước giải khát, sản xuất sẽ tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với cơ cấu tỷ lệ sản lượng nước giải khát của từng vùng trên cả nước đến năm 2025 dự kiến như sau:
- Trung du và miền núi phía Bắc: 8% (trong đó Đông Bắc Bộ: 4,5%; Tây Bắc Bộ: 3,5%);
- Đồng bằng sông Hồng: 22%,
- Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 19,5% (trong đó Bắc Trung Bộ: 5%; Nam Trung Bộ: 14,5%);
- Tây Nguyên: 2,5%,
- Đông Nam Bộ: 31%;
- Đồng bằng sông Cửu Long: 17%.
Dự kiến 5 năm tới, từ 2016-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành là 27.325 tỷ đồng, trong đó ngành bia là 17.704 tỷ đồng, ngành rượu là 791 tỷ đồng và ngành nước giải khát là 8.831 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên 28.752 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 đã bị “vỡ”, khi công suất sản xuất bia thực tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao gần gấp đôi so với quy hoạch: quy hoạch là 313 triệu lít nhưng sản xuất thực tế là 550 triệu lít, trong khi ở phía Bắc lại không đạt mục tiêu.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong 5 năm qua, sản lượng bia tăng bình quân 7% mỗi năm. Hiện đang nhập khẩu khoảng 3 triệu lít bia và xuất khẩu trên 70 triệu lít mỗi năm. Trong năm gần nhất 2015, sản lượng bia của cả nước ước đạt 3,4 tỉ lít.
Sản lượng rượu công nghiệp đạt 70 triệu lít với khoảng 162 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp trên cả nước. Sản lượng rượu dân tự nấu và tiêu thụ trên thị trường ước đạt trên 200 triệu lít/năm, gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa chuyển dịch sản lượng bia Chuyển dịch năng lực sản xuất bia theo vùng cơ cấu sản lượng rượu của từng vùng Việt Nam chuyển dịch sản lượng bia