Áp lực quốc tế gia tăng, ông Tập sẽ nhượng bộ hay leo thang đối đầu?
- Lộ Khắc
- •
Hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đứng trước áp lực ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, bản thân ông Tập Cận Bình khó tránh lo ngại không biết có duy trì được quyền uy tuyệt đối hay không. Ông ta đã vẽ cho tương lai của Trung Quốc một bức tranh dân tộc chủ nghĩa, cho rằng nó đẹp hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử kể từ năm 2000 của Trung Quốc. Và bây giờ, ông cần phải hoàn thành tất cả những điều này, nhưng không đơn giản. Những tai ương như lũ lụt, côn trùng, dịch bệnh viêm phổi… đang ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả thực phẩm.
Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo độc tài phải đối mặt áp lực chống trả, ông Tập Cận Bình cũng nhanh chóng trở về tư thế phòng thủ: ca ngợi sự vĩ đại của đất nước, lịch sử vẻ vang và vận mệnh trời định, đồng thời đổ lỗi cho các nước khác về hoàn cảnh của mình.
Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ khiếp nhược trước chính sách “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ. Các nước như Úc, Vương quốc Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam đều đã hành động kiên quyết trước những thái độ hung hăng của ĐCSTQ. Đây là một sự sỉ nhục đối với ông Tập Cận Bình.
Hiện nay, nội bộ ĐCSTQ ngày càng xuất hiện thêm những tiếng nói hoài nghi quyền lực của nhà cầm quyền Trung Quốc, phải chăng ông Tập đã không thể phát huy được vị thế nên có của Trung Quốc trên trường thế giới?
Chính giới Úc đã không lùi bước trước đe dọa trừng phạt kinh tế của Trung Quốc, thay vào đó còn kiên quyết ủng hộ các quy tắc của luật pháp quốc tế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ở Đông Nam Á, trước việc ĐCSTQ thường xuyên xâm phạm khu vực kinh tế của các nước và can thiệp vào các hoạt động thương mại ở Biển Đông, cuối năm ngoái Malaysia đã chính thức đưa ra đơn kiện Trung Quốc. Động thái tương tự cũng được các nước khác trong khu vực thúc đẩy như Việt Nam, Brunei, Indonesia và Philippines.
Tiếng nói phản biện của giới trí thức
Chuyên gia Richard McGregor thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy, một tổ chức tư vấn độc lập của Úc đã chỉ ra rằng, có những dấu hiệu cho thấy xu thế rạn vỡ quan hệ gia tăng giữa giới tinh hoa Bắc Kinh và quan chức chóp bu ĐCSTQ.
Tháng trước, giáo sư pháp luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) ở Bắc Kinh đã bị hơn chục cảnh sát vào nhà bắt giữ.
Ở Trung Quốc, việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế có thể có hiệu quả để bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong nội bộ. Nhưng điều này không thể làm được trên bình diện quốc tế.
Cho dù vậy, giữa tiếng gầm rú của những nhà ngoại giao “sói chiến”, giờ đây ông Tập phải đối mặt với lời phàn nàn của một số tướng lĩnh nội bộ.
Xu thế bất bình trong quân đội?
Gần đây, Thiếu tướng (nghỉ hưu) Kiều Lương (Qiao Liang) và Thượng tá Đới Húc (Dai Xu) của không quân Giải phóng quân đã có những tiếng nói trái với ông Tập Cận Bình.
Kiều Lương là một trong những người sáng lập học thuyết quân sự hiện đại của Trung Quốc, ông là tác giả của “Chiến tranh không giới hạn” (Unrestricted Warfare) được công bố năm 1999. Gần đây, ông đã phản đối việc ông Tập cho rằng sẽ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Kiều Lượng cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là thống nhất hai bờ eo biển, mà là phục hưng dân tộc, để 1,4 tỷ người Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp…”
Trong một bài báo có tiêu đề “Bốn không ngờ và 10 nhận thức mới đối với Mỹ vào năm 2020”, Đới Húc đã chỉ ra rằng “Loại tăng thuế quan chồng chất từ 30 tỷ, 50 tỷ và 200 tỷ là chưa bao giờ thấy trong lịch sử nước Mỹ”… “Hãy nhớ rằng: ngày hôm nay đế quốc Mỹ sắp đặt thuế quan thương mại đối với 30 tỷ của bạn, thì ảnh hưởng của nó phải là 60 tỷ, 90 tỷ hoặc hơn thế nữa. Đây là lúc đế quốc Mỹ thực sự mạnh mẽ.”
Chuyên gia McGregor tin rằng tất cả những điều này ngụ ý chính trị u tối của chính quyền Bắc Kinh.
Chủ tịch nước không giới hạn nhiệm kỳ
Năm 1927, ĐCSTQ phát động một cuộc nổi dậy vũ trang và đến năm 1949 thì giành được chính quyền. Như ĐCSTQ đã học được trong thế kỷ qua, quân đội có thể là một con dao hai lưỡi.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh: “ĐCSTQ phải duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội.” Quyền kiểm soát quân đội không phải do nhà nước, chính phủ, hay luật pháp, mà là ĐCSTQ.
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch không giới hạn nhiệm kỳ. Hồi tháng Năm ông Tập tuyên bố rằng “Quân đội nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.”
Năm nay, sức tập trung của quân đội ĐCSTQ đã bị phân tán do căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi như Biển Hoa Đông, Biển Đông, biên giới Trung-Ấn, Đài Loan, và với Mỹ.
Giáo sư Jessica Chen Weiss của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết: “Mặc dù mục tiêu chính của Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa Bắc Kinh là tăng cường ủng hộ trong nước đối với ĐCSTQ, nhưng nó cũng đã khuấy động căng thẳng với Washington.”
“‘Ngoại giao sói chiến’ có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ở trong nước, nhưng lại tạo hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc ở nước ngoài. Tâm lý bài ngoại và đàn áp trong nước nhân danh ổn định quốc gia, cho dù đó là chống lại người châu Phi ở Quảng Châu, người dân tộc thiểu số ở Tân Cương, hay người dân Hồng Kông…, đã vạch trần sự dối trá của ĐCSTQ trong nỗ lực thể hiện một hình ảnh nhân từ và hào phóng”.
Bắc Kinh nhanh chóng đánh mất bạn bè
Trong bài viết, ông Đới Húc thở dài ngao ngán: Trung Quốc đã trợ giúp rất nhiều nước, và những nước này cũng thu được nhiều lợi ích từ Trung Quốc, nhưng đến thời điểm quan trọng thì lại không có hành động thống nhất với Trung Quốc.
Điều này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều công ty Trung Quốc có quan hệ mật thiết với các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Alibaba, Huawei và Tencent đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Ông Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ hay sẽ leo thang đối đầu? Chuyên gia McGregor cho rằng không nhiều khả năng Bắc Kinh có thể nhượng bộ, lý do vì “Họ có hệ thống chính trị, quân sự mạnh mẽ và thái độ đối đầu cứng rắn với phương Tây… Nhưng không chỉ những yếu tố này, cùng với tầm nhìn của Tập Cận Bình về Trung Quốc và nắm đấm sắt của ông ta trong thực hiện giấc mơ, rất khó để ĐCSTQ có thể đi theo con đường mới… Họ đã ‘chọc giận nước Mỹ’, sẽ rất khó thay đổi cục diện này. Đồng thời trong một thời gian khá dài, những yếu tố này cũng sẽ khiến thế giới đẩy mạnh phản công kiên định hơn chống lại ĐCSTQ.”
Lộ Khắc
Xem thêm:
Từ khóa Áp lực quốc tế Tập Cận Bình Dòng sự kiện