Bác sĩ ở Thẩm Dương: 50% người già nhiễm bệnh ở phòng cấp cứu sẽ tử vong
- Hạ Vũ
- •
Các bác sĩ tại Trung Quốc Đại Lục mô tả với Sky News về cảnh tượng hỗn loạn trong bệnh viện Trung Quốc khi dịch COVID-19 tái bùng phát, đồng thời tiết lộ tỷ lệ tử vong cao của người già bị lây nhiễm.
Ngày 7/12, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, khiến virus COVID-19 lây lan nhanh chóng, một số lượng lớn người dân bị lây nhiễm. Các bệnh viện ở khắp mọi nơi tràn ngập bệnh nhân nhiễm bệnh và nhân viên y tế bị quá tải.
Trả lời phỏng vấn ẩn danh với Sky News, 3 nhân viên y tế Trung Quốc cho biết bệnh viện với các khoa cấp cứu “đầy” bệnh nhân, “máy thở và máy tạo oxy ở khắp mọi nơi” và “không đủ giường truyền tĩnh mạch”.
Thẩm Dương: 10 bệnh nhân lớn tuổi nhiễm COVID nặng thì khoảng 50% sẽ tử vong
Một bác sĩ ở Thẩm Dương cho biết: “Phòng cấp cứu (ER) của chúng tôi chật kín bệnh nhân và bận rộn hơn bình thường hàng chục lần.”
Bác sĩ nói: “Người già nhập viện không phải là chuyện dễ.”
“Không có đủ xe cứu thương. Các phòng cấp cứu chỗ nào cũng có máy thở và máy tạo oxy.”
“Không đủ giường truyền dịch. Trước đây tỷ lệ bác sĩ – bệnh nhân là 1:4, 1:5, nhưng giờ gần như 1:10.”
Các bác sĩ cũng mô tả tỷ lệ tử vong cao trong đợt bùng phát này, trái ngược với số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc, số liệu của chính quyền cho thấy một số ít trường hợp tử vong do virus trong vài tháng qua.
Định nghĩa về cái chết do COVID của ĐCSTQ rất hạn hẹp và chính quyền này chỉ công bố một, hai hoặc ba trường hợp tử vong mỗi ngày, hoặc thậm chí không có trường hợp tử vong nào. Trung Quốc đã báo cáo 3 trường hợp tử vong do virus vào thứ Ba (ngày 27/12), nhưng con số này rõ ràng khác xa so với số người chết được báo cáo bởi các nhà tang lễ ở bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc. Theo thông tin rò rỉ từ Ủy ban Y tế Trung Quốc và được xác nhận bởi Bloomberg và Financial Times, ước tính có 250 triệu người (chiếm 18% dân số) đã nhiễm virus COVID-19 đầu tháng và giữa tháng 12. Vào ngày 12/12, có 37 triệu người đã bị nhiễm bệnh.
Miêu tả của bác sĩ dường như cũng khác so với các số liệu của chính quyền.
“Làn sóng COVID này gây tử vong cho người già, đặc biệt là những người mắc bệnh nền và rối loạn chức năng như huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim”, bác sĩ ở Thẩm Dương nói với Sky News.
Ông nói: “Cứ 10 bệnh nhân cao tuổi đến phòng cấp cứu trong tình trạng bệnh nặng thì có khoảng 50% tử vong.”
Bà Manya Koetse, một học giả Hán học người Hà Lan, đã tweet vào thứ Tư (28/12) rằng theo các bài đăng hiện đang lan truyền trên Weibo, người ta nói rằng bệnh viện cabin tuyến đầu ở Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), đã được một nhà tang lễ địa phương tạm thời chuyển thành nhà xác.
Một phóng viên của Reuters đã đến thăm nhà tang lễ lớn nhất ở ngoại ô phía đông Thành Đô và nhận thấy bãi đậu xe của nhà tang lễ chật kín các phương tiện. Lễ tiễn biệt trong nhà tang lễ vẫn tiếp tục và khói không ngừng bốc ra từ ống khói của các lò hỏa táng.
“Chúng tôi hiện làm khoảng 200 nghi lễ như vậy mỗi ngày.” Một nhân viên của nhà tang lễ nói với các phóng viên Reuters, “Chúng tôi bận đến mức không có thời gian để ăn. Kể từ khi bỏ phong tỏa thì cứ như thế. Còn trước đó, mỗi này chỉ có 30 – 50 nghi lễ tiễn biệt.”
“Nhiều người chết vì nhiễm COVID”, một nhân viên khác nói.
“Một người phải trực mấy ngày liền”
Một bác sĩ khác ở Bắc Kinh nói với Sky News rằng rất nhiều bệnh nhân đến, nhiều bác sĩ và y tá cũng bị ốm, và áp lực của nhân viên y tế rất cao.
“Khoa không đủ nhân viên vì tất cả y tá đều xét nghiệm dương tính với COVID-19. Một người phải trực mấy ngày nay”, bác sĩ nói.
“Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những bệnh nhân được theo dõi và tư vấn đều mắc COVID hoặc đã khỏi bệnh.”
Một bác sĩ thứ ba nói với Sky News rằng các bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu để được gặp bác sĩ.
Theo Reuters, nhân viên tại Bệnh viện Hoa Tây ở Thành Đô cho biết họ việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khiến họ “rất bận”.
Một tài xế xe cứu thương đề nghị giấu tên cho biết, “Tôi đã làm công việc này được 30 năm và đó là công việc bận rộn nhất mà tôi từng biết”.
Trung Quốc có dân số đông với khả năng miễn dịch thấp, hệ thống bệnh viện có nguồn lực hạn chế và không đủ giường chăm sóc đặc biệt. Những yếu tố này có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe đang chịu áp lực rất lớn.
- Mời xem thêm các bài về dịch bệnh ở Trung Quốc tại đây.
Nhân viên vệ sinh ở Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh: Ngày nào cũng có người chết
Sau khi tuyên bố gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 7/12, ĐCSTQ đã hủy bỏ gần như tất cả các quy tắc và cơ sở dùng trong phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt trước đây, bao gồm cả việc hủy bỏ các quy tắc kiểm dịch và xét nghiệm đối với khách quốc tế. Nhưng do ĐCSTQ mở cửa không chuẩn bị trước, dẫn đến nhiều người bị lây nhiễm.
Sky News đưa tin, tại bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, bệnh nhân dương tính với COVID chật cứng các khu, hầu hết là người già, chỉ những người may mắn mới có giường, nhiều người xếp hàng dài trên sàn bệnh viện.
Dấu hiệu của cuộc khủng hoảng cũng có thể nhìn thấy bên ngoài bệnh viện, xe cứu thương đến thường xuyên và bệnh nhân ngồi xe lăn đến.
Các gia đình đang tuyệt vọng tranh giành giường cho người thân bị bệnh của họ, một người nhà của một bệnh nhân đến bệnh viện nói với Sky News: “Chúng tôi đã đợi ít nhất 10 ngày. Hầu hết mọi người bên trong đều là người già và bị nhiễm bệnh.”
Một người làm vệ sinh trong bệnh viện nói với Sky News trong giờ nghỉ giải lao, “Tất cả họ đều đang nằm trên giường. Mọi người đang chết dần mỗi ngày. Các hành lang chật cứng người đang truyền nước”.
Giáo sư Dương Đại Lợi (Dali Yang), một chuyên gia về COVID-19, nói với Sky News, “Sự chỉ trích đối với cách làm hiện tại (của ĐCSTQ) là chính quyền đã có thời gian chuẩn bị – họ lẽ ra có thể giáo dục công chúng, họ lẽ ra có thể làm nhiều hơn thế, bao gồm cung cấp thuốc hạ sốt cơ bản.”
Từ khóa Thẩm Dương Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc