CEO Bytedance – công ty mẹ của Douyin (TikTok) từ chức
- Thành Dung
- •
Ngày 20/5, nhà sáng lập kiêm CEO Bytedance, công ty mẹ của Douyin (TikTok), ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) thông báo từ chức. Ông Lương Nhữ Ba (Liang Rubo), nhà đồng sáng lập ByteDance, sẽ đảm nhận vị trí CEO mới.
Theo báo cáo của Daily Mail, ngày 20/5, ông Trương Nhất Minh cho biết sẽ từ chức CEO trước cuối năm nay và chuyển sang một vai trò mới. Vị trí mới của ông sẽ tập trung vào “chiến lược dài hạn”, trong khi ông Lương Nhữ Ba, người đồng sáng lập công ty, sẽ thay thế vị trí hiện tại của ông Trương.
Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định đối với lĩnh vực công nghệ, áp dụng các khoản tiền phạt, bao gồm cả Bytedance vào tháng trước, vì bị cáo buộc là đã khinh thường tiền phạt độc quyền. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với các tỷ phú kỹ thuật số về trách nhiệm của họ đối với xã hội.
Quyết định từ chức của ông Trương Nhất Minh được thông báo chỉ 7 tháng sau khi người sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma, biến mất khỏi ánh đèn sân khấu sau khi có đồn đoán rằng những lời nhận xét phiến diện của ông với các cơ quan quản lý đã gây thiệt hại cho công ty của mình.
Ông trùm công nghệ mới nổi châu Á Trương Nhất Minh, 38 tuổi, đã tuyên bố trong một bản ghi nhớ công khai thẳng thắn bất thường của mình, cho biết ông thiếu một số kỹ năng để trở thành một “nhà quản lý lý tưởng”.
Ông nói: “Sự thật là tôi thiếu một số kỹ năng để trở thành một nhà quản lý lý tưởng. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc phân tích các nguyên tắc tổ chức và thị trường … hơn là thực sự quản lý con người.”
Ông Trương nói thêm rằng bản thân cũng “không giỏi xã giao, mà thích các hoạt động đơn độc như trực tuyến, đọc sách, nghe nhạc và suy nghĩ về những gì có thể xảy ra.”
Tin tức về việc ông Trương từ chức CEO ByteDance được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang thẳng tay đàn áp một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
‘Gã khổng lồ’ thương mại điện tử Alibaba đã bị phạt 18,2 tỷ Nhân dân tệ (2,78 tỷ USD) vào tháng trước, sau khi một cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ phát hiện ra rằng công ty này đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong nhiều năm.
Kể từ khi tỷ phú Jack Ma đưa ra chỉ trích công khai nặng nề đối với hệ thống quy định của Trung Quốc vào tháng Mười năm ngoái, đế chế kinh doanh của Alibaba đã bị chính quyền giám sát chặt chẽ.
Jack Ma, người đã mất danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc vào tháng Ba, đã bất thường vắng mặt trên ánh đèn sân khấu sau khi người ta cho rằng những bình luận của ông đã giáng một đòn mạnh vào công ty của mình.
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) đã công bố cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba vào tháng 12 năm ngoái.
Mặc dù khoản tiền phạt đã đưa Alibaba tiến gần hơn đến việc giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về chống độc quyền, nhưng bộ phận tài chính Internet của Alibaba, Ant Financial Group, vẫn cần đồng ý với các cải cách do các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy, dự kiến sẽ cắt giảm định giá và kiềm chế một số hoạt động kinh doanh tự do của mình.
ByteDance nằm trong danh sách 34 công ty công nghệ đã bị cơ quan quản lý triệu tập hồi tháng Tư. Các công ty này được yêu cầu phải trải qua quá trình “cải chính hoàn toàn” và “lưu ý” đến Alibaba.
Douyin và TikTok (phiên bản Douyin ở nước ngoài) có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có hơn 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, khi TikTok bùng nổ trong bối cảnh sử dụng mạng xã hội tăng đột biến do đại dịch ở Hoa Kỳ gây ra, ngày càng có nhiều lo ngại rằng ByteDance đang sử dụng nó để thu thập thông tin tình báo về người tiêu dùng Mỹ.
Kể từ đó, ông Trương Nhất Minh đã phải chịu áp lực thuyết phục thế giới rằng TikTok sẽ không giao dữ liệu cho ĐCSTQ, đồng thời bảo vệ hình ảnh của mình ở Trung Quốc bằng cách không khuất phục trước yêu cầu của phương Tây.
‘Gã khổng lồ’ công nghệ luôn khẳng định sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với công ty Trung Quốc về những lo ngại về an ninh, bao gồm cả việc kêu gọi bán doanh nghiệp của TikTok cho một công ty Mỹ, hoặc công ty này sẽ bị đóng cửa.
Công ty Oracle, thuộc sở hữu của nhà tài trợ lớn Larry Ellison của ông Trump, muốn mua lại công ty này và Wal-mart cũng tham gia sau đó. Chính quyền Trump cho biết họ sẽ tán thành giao dịch này.
Tuy nhiên, Bytedance bày tỏ sự phản đối việc trên và đệ trình các tài liệu lên tòa án để chống lại lệnh hành chính. Ba thẩm phán liên bang đứng về phía họ nhưng trước khi ông Trump rời nhiệm sở, chính quyền của ông đã kháng cáo các quyết định đó.
Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden được cho là đã dừng hành động mang tính bước ngoặt này mà người tiền nhiệm đưa ra.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin ẩn danh nói rằng giao dịch này đã bị gác lại khi chính phủ của Biden xem xét thông tin an ninh quốc gia đằng sau nó.
Nguồn tin không cho biết liệu nhóm của ông Biden có kế hoạch lật ngược lệnh điều hành hay không. Ngược lại, ông có thể áp đặt các giới hạn về cách hạn chế việc thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu người dùng.
Cả Wal-Mart và Oracle đều không bình luận gì về báo cáo của Wall Street Journal vào thời điểm đó, và hai công ty đã im lặng về các chi tiết của việc buộc phải bán trong vài tháng.
ByteDance hiện có hơn 60.000 nhân viên tại 30 quốc gia, năm ngoái, ông Trương Nhất Minh thông báo rằng công ty hy vọng sẽ tuyển dụng thêm khoảng 40.000 người.
Công ty cũng vận hành một số sản phẩm phổ biến, bao gồm Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok), ứng dụng tóm tắt tin tức “Jinri Toutiao” và ứng dụng dịch vụ khách hàng Lark, có chức năng lưu trữ đám mây, trò chuyện và lịch.
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa TikTok ByteDance CEO ByteDance Trương Nhất Minh Zhang Yiming