Cô gái tốt nghiệp đại học danh giá ở TQ qua đời, nghi chết đói trong nhà trọ
- Lý Tịnh
- •
Mới đây, một tài khoản WeChat ở Trung Quốc đã đăng một bài viết, là câu chuyện người chủ nhà kể về một cô gái thuê nhà đã chết trong căn phòng trọ của mình. Vì xuất thân nghèo khó, nên dù đạt điểm cao trong các kỳ thi, cô vẫn không thể tìm được việc làm và chết đói trong căn phòng trọ.
Hôm 16/8, tài khoản WeChat “Trinh Quán” đã đăng bài viết “Một cô gái quê chết trong căn hộ thuê của tôi”. Cô gái này sinh ra ở quận nghèo và tốt nghiệp trường Đại học “211” danh tiếng ở Bắc Kinh, nhưng không được nhận vào Học viện công Ninh Hạ, mặc dù cô đã nhiều lần đứng thứ nhất trong kỳ thi viết.
Cô một mình đến Tây An tìm việc làm và cuối cùng bị nghi đã “chết đói” trong một căn nhà thuê, kết thúc cuộc đời ở tuổi 33. Sau khi qua đời 20 ngày, thi thể của cô mới được phát hiện.
Bài viết này đã được hơn 100.000 lượt xem, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài Trung Quốc.
Ngày 18/8, tức 2 ngày sau khi đăng, tài khoản “Trinh Quán” đã xóa bài viết này. Nguyên nhân xóa bài nêu rõ rằng sự kiện được mô tả trong bài viết đúng sự thật, để tránh những cách hiểu sai lệch và suy đoán quá mức do sự kiện này gây ra, nên bài viết đã bị xóa.
Ngày 19/8, một phóng viên của Dingxinwen đã liên hệ với Văn phòng Công an thành phố Hàm Dương. Nhân viên trả lời: “Đã xác minh rằng vụ việc có thật. Nơi xảy ra vụ việc thuộc thẩm quyền của chi nhánh Tần Đô”. Người này cho biết, vụ việc đang được xử lý và sẽ chú ý đến thông báo tiếp theo.
Thảo luận sôi nổi trên Internet: Ai đã giết cô gái này?
Từ những tương tác trên WeChat với người quá cố trước khi cô qua đời, cũng như việc chủ nhà sau đó liên lạc với cha mẹ cô gái, hoàn cảnh sống của cô đã được phục dựng lại.
Cô gái 33 tuổi này được sinh ra ở một ngôi làng miền núi hẻo lánh ở khu vực Tây Hải Cố, Ninh Hạ. Sau khi chăm chỉ học tập, cô đã được nhận vào trường Đại học “211” danh giá ở Bắc Kinh. Cô là niềm tự hào của cả làng, và là niềm hy vọng cho tương lai của gia đình và làng quê.
Sau khi tốt nghiệp đại học, một cô gái xuất thân từ một ngôi trường danh tiếng, phải chịu áp lực nặng nề lại phải chật vật tìm kiếm công việc phù hợp với mong đợi của bản thân và gia đình. Dù nhiều lần đạt giải nhất trong các kỳ thi viết của các trường công ở Ninh Hạ, nhưng cô đều trượt sau các cuộc phỏng vấn vì không có xuất thân tốt.
Tháng 4/2024, rời quê hương đến Tây An. Với 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34,8 triệu VNĐ) vay từ mẹ, cô thuê một căn hộ đơn trong một tòa nhà cao tầng cạnh đại lộ phồn hoa ở Tây An. Lần cuối cô liên lạc với gia đình qua WeChat là vào ngày 20/4 với mục đích vay tiền.
Chủ nhà cho biết, cô đã không ra ngoài kể từ ngày 20/5 và cũng không có dấu hiệu nấu nướng ở nhà… Đến cuối tháng 6, căn hộ cô thuê có mùi hôi bốc ra. Sau khi phá cửa xông vào, người ta mới phát hiện ra thi thể của cô.
Nội dung bài đăng trên X: “Gây sốc toàn mạng! Một cô gái tốt nghiệp Đại học 211 Bắc Kinh xuất thân từ một gia đình nghèo ở Ninh Hạ đã chết đói trong một căn hộ thuê ở Tây An.
Mặc dù nhiều lần đứng nhất trong kỳ thi viết ở trường công, nhưng cô vẫn không trúng tuyển. Đây chính là ‘Thời thịnh thế’ của Thiên triều! Chủ nhà đã ghi lại sự việc này bằng một đoạn văn dài đến nghẹt thở và được lan truyền khắp nơi trên Internet. ĐCSTQ đang chặn và điên cuồng xóa bài…!”
🔥震惊全网!一个来自宁夏穷困家庭的北京211大学毕业女生,饿死在了西安的出租屋里。即使她考公笔试多次第一,也没被录取。这就是天朝所谓的“盛世”! 房东用长篇文字把这个事记录下来,文字让人窒息,全网疯转,中共正在封杀这篇长文,疯狂删贴…..! pic.twitter.com/7yWANCR5q4
— 海外爆料 (@zhihui999) August 18, 2024
Bài viết trên có một lượng lớn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người mô tả khi đọc bài viết này, họ “cảm thấy nghẹt thở”.
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn đăng bài nói rằng: “Đây là kỷ nguyên mới của ông Tập Cận Bình, cũng là năm thứ 3 kể từ khi Trung Quốc tuyên bố xóa đói giảm nghèo toàn diện và tiến tới một xã hội khá giả. Một cô gái có trình độ học vấn đại học lại chết đói trong một căn nhà thuê. Đây mới là phiên bản hiện thực của Trung Hoa mộng!”
Trong những năm gần đây, do tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, công chức có công việc ổn định và phúc lợi hậu hĩnh đã trở thành một nghề được chào đón. Thành công trong việc “thi công chức” gọi là “lên bờ”, tức là bước ra khỏi “biển khổ” ngoài chế độ.
Trong bối cảnh đó, kỳ thi tuyển công chức trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Theo thống kê từ Huatu Education (Giáo dục Hoa Đồ), một cổng thông tin thi công chức của Đại Lục, tỷ lệ cạnh tranh trung bình trong kỳ thi công chức năm 2024 là 62,23 : 1, tỷ lệ cạnh tranh tối đa là 3.572 : 1.
Tuy nhiên, trong thi cử thường xảy ra nhiều hiện tượng không công bằng, những người xuất thân không tốt khó có thể “lên bờ” thành công.
“Ở Trung Quốc, cơ hội của người khác có thể không phải là cơ hội của bạn. Vì không bao giờ có sự công bằng, nên hoàn cảnh xuất thân đã quyết định con đường của bạn”, một cư dân mạng viết.
Bài báo cho biết, đến năm 2019, huyện nơi cô sinh sống vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói, vẫn còn tồn tại hiện tượng trọng nam khinh nữ. Ở các vùng nông thôn phía tây bắc Trung Quốc, nếu không được đến trường, các bé gái sẽ buộc phải kết hôn sớm ngay khi còn bé, và không thể thay đổi số phận nghèo đói.
Một cư dân mạng để lại lời nhắn: “Bạn có thể tưởng tượng cuộc đời của cô gái này nặng nề như thế nào. Chính sự nặng nề này đã khiến cô ấy bị ám ảnh bởi thành công hay thất bại”.
Hơn nữa, chốn công sở ở Trung Quốc vẫn có ngưỡng 35 tuổi – rất khó tìm được việc làm trên 35 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc con đường việc làm trong tương lai của người phụ nữ 33 tuổi này sẽ ngày càng bị thu hẹp. Dù trải nghiệm của cô là một trường hợp cá biệt, nhưng cũng gây được tiếng vang với cư dân mạng, vì phản ánh nhiều thực tế xã hội khác nhau.
Một số cư dân mạng cho rằng cô chỉ là một “con kiến trong thời thịnh thế, là nạn nhân của thể chế xã hội”. “Đoán chừng 2 tuần nữa sẽ không còn ai nhớ đến chuyện này, phải đến lượt mình, họ mới nhớ lại được”, một cư dân mạng viết.
Theo Lý Tịnh / Epoch Times
Từ khóa kinh tế Trung quốc Xã hội Trung Quốc