Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc tại Mỹ bốc hơi hơn 100 tỷ USD trong tháng 4
- Trần Đình
- •
Chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ đã mất hơn 100 tỷ đô la giá trị thị trường trong tháng 4. Điều này cho thấy những lo ngại về mối quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi, vượt quá sự lạc quan về kinh tế Trung Quốc.
Gần đây, những người quen thuộc với vấn đề này cũng tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch ký một sắc lệnh hành pháp trong vài tuần tới, nhằm hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Trung Quốc. Tin tức cũng khiến xu hướng cổ phiếu khái niệm Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực
Theo Bloomberg, Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của những ‘gã khổng lồ’ Internet như Alibaba và JD.com đã giảm vào thứ Ba (25/4) và Chỉ số NASDAQ Golden Dragon China cũng đã giảm 3,06% vào thứ Ba, đây là ngày giao dịch thấp thứ 6 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất của chỉ số chuẩn trong hơn một năm.
Kể từ cuối tháng 3, chỉ số NASDAQ Golden Dragon China đã giảm hơn 10% và dự kiến mức giảm của tháng này có thể là lớn nhất kể từ tháng 10.
Cổ phiếu bất động sản và công nghệ trở thành tiêu điểm khi thị trường Trung Quốc mở cửa giao dịch vào thứ Tư. Chính quyền Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đăng ký bất động sản trên toàn quốc, để xóa bỏ rào cản chính đối với việc áp dụng thuế bất động sản đã được chờ đợi từ lâu, do đó cổ phiếu của các nhà phát triển có thể sẽ có phản ứng.
Đồng thời, các nhà đầu tư đang để mắt đến các cổ phiếu công nghệ trên khắp châu Á sau báo cáo kinh doanh khả quan từ Microsoft Corp và Alphabet.
Cùng với sự lạc quan về kinh tế Trung Quốc giảm dần sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các nhà đầu tư cũng nhanh chóng hủy đặt cược vào chứng khoán Trung Quốc. Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt đến điểm đóng băng, hai bên xảy ra xung đột trong nhiều lĩnh vực như vấn đề Đài Loan, TikTok và chất bán dẫn.
Những người quen thuộc với vấn đề này cũng tiết lộ, rằng Tổng thống Biden sẽ ban hành lệnh hành pháp để hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Theo các nguồn tin, chính quyền Biden đã thảo luận về biện pháp này trong gần hai năm và dự kiến hành động tại cuộc họp G7 ở Nhật Bản vào ngày 19/5. Sau khi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, họ sẽ ký sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Trong khi tiêu dùng phục hồi đang dẫn đến sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong hoạt động kinh tế, nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ nhìn nhận tích cực về chứng khoán Trung Quốc trong bối cảnh có nhiều rủi ro.
Union Bancaire Privee trong tuần này đã hạ cấp chứng khoán Trung Quốc từ giữ tăng trưởng xuống trung tính, với lý do rủi ro địa chính trị. Trong khi đó, Ontario Teachers’ Pension Plan hôm thứ Ba cho biết họ sẽ giải thể nhóm đầu tư cổ phiếu châu Á tại Hồng Kông.
Trên thực tế, không chỉ các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở New York bị sụt giảm nghiêm trọng.
Trong số 92 chỉ số chứng khoán chuẩn được Bloomberg theo dõi, Chỉ số Hang Seng China Enterprises, phản ánh các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, là một trong năm chỉ số chứng khoán hoạt động kém nhất trong 3 tháng qua. Chỉ số CSI 300 cũng vừa trải qua 5 ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chỉ số MSCI Trung Quốc cũng giảm 2,6% vào thứ Ba, đánh dấu ngày giảm thứ 6 liên tiếp của chỉ số và chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong nước trong phiên giao dịch thứ ba liên tiếp. Điều này cho thấy đầu tư toàn cầu đang tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, và việc bán tháo cổ phiếu Trung Quốc ngày càng sâu.
Từ khóa chứng khoán Trung Quốc Dòng sự kiện Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc kinh tế Trung quốc