Đại dịch Corona và lịch sử dối trá của ĐCSTQ
- Trí Đạt
- •
Từ các cuộc vận động đẫm máu, nạn đói cho đến các thảm họa tự nhiên hay nhân tạo, ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng che đậy sự thật. Đại dịch Corona chỉ là một thảm họa trong vô số thảm họa gây ra bởi sự dối trá ấy.
Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng vì truyền thống che giấu thảm họa. Khi dịch SARS bùng phát ở lục địa Trung Quốc năm 2003, thế giới bên ngoài đã nghi ngờ rằng Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh, nhưng ĐCSTQ đã nhiều lần không thừa nhận điều ấy.
400 bài báo về dịch SARS từ khi bắt đầu cho đến tháng 4/2003 đăng trên website của Tân Hoa Xã đều hướng về một kịch bản: Ngay sau khi dịch SARS xuất hiện, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã huy động các chuyên gia kịp thời chữa trị cho bệnh nhân và sau đó họ đã được xuất viện khi khỏi bệnh. Để đối phó với những kẻ gây rối kích động nhân dân mua hàng hóa tích trữ để tránh không phải đi ra khỏi nhà phòng khi bệnh dịch trở nên lan tràn, chính phủ đã ngay lập tức chặn đứng những tin đồn và thi hành các biện pháp ngăn không cho những tin đồn lan rộng, vì vậy trật tự xã hội đã được đảm bảo một cách có hiệu lực. Mặc dù có một số rất ít các lực lượng chống Trung Quốc đã vô cớ nghi ngờ chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật, hầu hết nhân dân và các nước khác không tin những tin đồn này.
Hơn 400 bài viết này tạo ra một ấn tượng rằng ĐCSTQ đã minh bạch trong suốt 4 tháng và đã hành động một cách có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, và đã thuyết phục nhân dân rằng ĐCSTQ đã không che giấu bất cứ điều gì.
SARS lan truyền vào đúng thời điểm Hội chợ Thương mại Quảng Châu chuẩn bị diễn ra, đang chờ đón sự tham gia đông nhất chưa từng có của các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO sau khi tham gia cùng các chuyên gia Trung Quốc đã công bố rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng hợp tác và thực hiện những biện pháp cần thiết để đối phó với SARS, vì vậy sẽ không có vấn đề gì. Và các chuyên gia WHO đã phê chuẩn tỉnh Quảng Đông là hết dịch (sau hơn 20 ngày trì hoãn) sau khi được các chuyên gia Trung Quốc dẫn đi “khảo sát hiện trường”.
>> Đảng Cộng sản Trung Quốc rốt cuộc muốn làm gì? (Kỳ 1)
Tuy nhiên, vào 20/4/2003, Văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước (Quốc vụ viện tân văn) họp báo: SARS đã thật sự bùng phát ở Trung Quốc. Và như vậy họ đã gián tiếp thừa nhận rằng chính quyền che giấu bệnh dịch, cũng gián tiếp thừa nhận rằng các chuyên gia WHO đã bị lừa.
Đại dịch Corona kỳ thực chỉ là một kịch bản lặp lại.
Ngay từ tháng 9/2019, chính quyền tỉnh Vũ Hán đã tổ chức một cuộc tập trận ứng phó khẩn cấp tại một sân bay khi phát hiện đối tượng là bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng mắc loại virus mới, và thật “trùng hợp”, loại virus mới được giả định có tên là Corona. Đây là manh mối sớm nhất về việc chính quyền có khả năng đã nắm được thông tin dịch bệnh.
Mãi cho đến ngày 25/12/2019, bác sĩ Lu Xiaohong, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện thành phố số 5, mới nghe tin đồn rằng bệnh đã lây lan trong cộng đồng y bác sĩ. Điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã lây lan tại Vũ Hán trước đó trong thời gian dài. China Youth Daily cho biết bà Lu không lên tiếng công khai, nhưng bà âm thầm cảnh báo cho một trường học nằm gần một khu chợ khác trong thành phố.
Cũng vào thời điểm cuối tháng 12, một bác sĩ tên Li Wenliang cố cảnh báo các bạn bè học cùng trường y: “Họ đang bị cách ly trong khoa cấp cứu.” Họ trao đổi: “Thật kinh khủng. Liệu có phải SARS đang trở lại?” Nhưng ba ngày sau khi chia sẻ thông tin, ông Li bị cảnh sát bắt ký biên bản thú nhận hành động cảnh báo đó là “bất hợp pháp”.
Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) thì đưa tin, bắt đầu từ ngày 31/12/2019, trên mạng internet ở Trung Quốc đã lan truyền một thông báo khẩn cấp của cơ quan y tế Vũ Hán liên quan đến “viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Sau khi thông tin lan truyền, chính quyền thành phố Vũ Hán mới xác nhận văn kiện này là thật và bắt đầu thông báo trường hợp mắc bệnh cho người dân, nhưng số trường hợp tử vong được chính quyền Vũ Hán công bố chính thức chỉ có 3 người.
Số liệu này lập tức bị các chuyên gia Anh Quốc và Hồng Kông phản bác. Theo chuyên gia Viện Dịch tễ học thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết, đến ngày 12/1/2020, tổng số trường hợp nhiễm virus corona mới ở Vũ Hán ước tính là 1.723 trường hợp; khoa Y thuộc Đại học Hồng Kông cũng mô hình số học để tiến hành suy đoán, tính đến ngày 17/1, Vũ Hán có khả năng đã có hơn 1.300 trường hợp mắc bệnh.
>> Ký ức đau buồn của Hàn Vũ: Bụng cha đầy đá lạnh, không có nội tạng
Theo New York Times, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định khiến việc chống dịch bị chậm trễ trong suốt 7 tuần đầu tiên tính từ lúc dịch corona chớm xuất hiện. Trong suốt thời gian này, chế độ bắt buộc các nguồn rò rỉ thông tin phải im lặng bằng nhiều biện pháp.
Vào ngày 23/1, Tổ chức Y tế Thế giới WHO triệu tập cuộc họp khẩn với 16 chuyên gia tham dự tại Genève, nhưng với thông tin sai lệch do chính quyền Trung Quốc công bố, tổ chức từng bị lừa trong đại dịch SARS và thường xuyên cộng tác với Trung Quốc này chỉ đánh giá nguy cơ bùng phát dịch corona trên toàn cầu ở mức “trung bình”.
Tính đến ngày 27/1, giới chức Trung Quốc đại lục báo cáo có 2.801 trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán, 80 ca tử vong. Bên ngoài Trung Quốc đại lục, số ca lây nhiễm tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như sau: Hồng Kông 5 người, Đài Loan 3 người, Thái Lan 5 người, Nhật Bản 3 người, Hàn Quốc 2 người, Mỹ 5 người, Việt Nam 2 người, Singapo 3 người, Nepal 1 người, Pháp 3 người, Úc 4 người, Malaysia 3 người. Cũng trong ngày này, WHO buộc phải thừa nhận sai lầm khi đánh giá tình hình dịch viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc và sửa đánh giá lên “mức cao”.
Cũng trong cuộc họp báo vào tối ngày 27/1, Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc ông Yang Yunyan cho biết chính quyền đã chỉ định 112 cơ sở y tế điều trị bệnh nhân viêm phổi do dịch corona mới gây ra. Họ đã sắp xếp được khoảng 100.000 giường bệnh trong tỉnh, trong đó có 3.000 giường bệnh cho thành phố Vũ Hán, nơi căn bệnh này bùng phát lần đầu tiên. Còn theo ông Wang Jiangping, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, các bệnh viện ở Hồ Bắc cần 100.000 bộ quần áo bảo hộ mỗi ngày, nhưng hiện chỉ có khoảng 40 nhà cung cấp trên toàn quốc, với tổng công suất là 30.000.
Trên trang Naturalnews, chuyên gia nghiên cứu y tế Mike Adams đã chất vấn trong một bài viết: “Con số ca nhiễm chính thức của chính phủ Trung Quốc không khớp chút nào với nhu cầu cần giải phóng 100.000 giường bệnh. Nếu chỉ có ba đến bốn ngàn người bị nhiễm bệnh, tại sao lại cần thêm 100.000 giường bệnh viện đến thế? Và tại sao phải phong tỏa đến 17 thành phố? Nếu thực tế các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc hiện đang tiêu thụ 100.000 bộ quần áo bảo hộ mỗi ngày, điều đó có nghĩa là ít nhất 100.000 nhân viên y tế đang hoạt động tại hiện trường. Tại sao Trung Quốc cần 100.000 nhân viên y tế để chăm sóc chỉ ba hoặc bốn nghìn bệnh nhân bị nhiễm bệnh?”
Dưới áp lực rất lớn của dư luận, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/01/2020 phải ra thông cáo khiển trách công an vì đã trừng phạt tám người bị cho là lan truyền “tin đồn”, gián tiếp thừa nhận che giấu dịch corona. Trong khi đó, nhiều thông tin còn cho thấy nghi vấn cao về việc virus corona bắt nguồn từ phòng thí nghiệm sinh học P4 ở Vũ Hán.
Điều này nếu không gọi là dối trá thì gọi là gì?
Kỳ thực thói quen dối trá này không phải chỉ biểu hiện ở đại dịch SARS hay Corona. Xuyên suốt lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc là những thủ đoạn dối trá tinh vi nhất.
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó đã giết chết những người sở hữu đất đai để giải quyết vấn đề về các mối quan hệ sản xuất ở nông thôn. Nó đã giết hại các nhà tư sản để đạt mục đích cải cách công thương và giải quyết các mối quan hệ sản xuất ở thành thị. Dù việc giết người này bản chất là không cần thiết và có thể thực hiện nhanh chóng bằng giải pháp hòa bình như ở Đài Loan, nhưng ĐCSTQ vẫn kiên quyết dùng dối trá để tạo ra bạo lực, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nền tảng kinh tế.
Tương tự như vậy, giải quyết các vấn đề liên quan đến thượng tầng kiến trúc cũng cần phải dùng dối trá để khơi mào chém giết. Cuộc đàn áp Nhóm chống Đảng Hồ Phong (các học giả phản đối chính sách tuyên truyền giáo dục giáo điều), và Phong trào chống cánh hữu đã tiêu diệt những người trí thức. Việc giết hại những tín đồ Cơ đốc giáo, những người tu Đạo, các Phật tử và những người dân tộc đã giải quyết các vấn đề tôn giáo. Các cuộc tàn sát trên diện rộng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã thiết lập được quyền lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ về chính trị và văn hóa. Cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được dùng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị và đè bẹp những đòi hỏi dân chủ. Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công nhằm giải quyết các vấn đề về tín ngưỡng và văn hóa truyền thống.
Trong thảm họa “Đại Nhảy Vọt”, để có đủ lương thực xuất khẩu sang Liên Xô đổi lấy vũ khí và mô hình bom nguyên tử, năm 1958 Mao Trạch Đông yêu cầu sản lượng năm sau phải cao gấp đôi so với năm trước. Các địa phương thi nhau phóng số lượng sản lượng, tạo thành cuộc đua trong phong trào, sản lượng cứ nâng thành hàng ngàn, hàng vạn cân trên một mẫu, dù ai cũng biết đấy chỉ là giả. Thế nhưng sản lượng thu hoạch là giả mà mức trưng thu là thật. Tỷ lệ trưng thu lại tính trên sản lượng thu hoạch vì thế mà người dân bị trưng thu hết sạch lương thực. Trong khi đó về mặt công nghiệp, Đại nhảy vọt đã yêu cầu mọi người ở Trung Quốc phải tham gia luyện thép, buộc nông dân phải bỏ cả hoa màu thối rữa ở ngoài đồng. Kết quả là “nạn đói” gây ra cái chết của 40 triệu người dân Trung Quốc, nhưng trong sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc hiện đại, nguyên nhân của 40 triệu mạng người chỉ là do hạn hán, thiên tai. Có người ví “Đại Nhảy Vọt” là một màn nói dối toàn quốc, cũng không phải là quá mức.
Trong các lần thiên tai như động đất, lũ lụt, cũng không có một lần nào ĐCSTQ quan tâm đến người dân, đảng chỉ quan tâm đến mặt mũi của mình. Đơn cử như nhiều năm sau trận động đất khủng khiếp ở Tứ Xuyên năm 2008 làm hơn 87.000 người chết và mất tích, không có một lời xin lỗi nào từ phía chính quyền, tất cả chỉ là sự che đậy. Trong số 216.000 tòa nhà bị sụp đổ trong thảm họa động đất Tứ Xuyên có 6.898 tòa nhà là trường học bị cắt xén nguyên liệu đến mức mềm như “đậu hũ”, nhưng không có quan chức nào bị truy cứu trách nhiệm về chất lượng của các công trình. Sau thảm họa, tiền trợ cấp bị tham ô, người dân bị giám sát.
Trí Đạt
Từ khóa Lịch sử Trung Quốc Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán