Dù đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, TQ vẫn mong biến Tân Cương thành khu du lịch lớn
- Theo RFI
- •
Hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Nhưng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng cải thiện hình ảnh quốc tế của khu vực này bằng cách thúc đẩy du lịch. Trên thực tế, cuộc đàn áp của chính quyền vẫn rất mạnh mẽ.
Chính phủ Trung Quốc không thể bỏ lỡ kế hoạch du lịch này. Từ năm 2014, hàng trăm ngàn cư dân Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh ở khu tự trị Tân Cương phía tây Trung Quốc bị giam trong các trại tập trung mà chính quyền trung ương đảm bảo rằng đó chỉ là các trại giáo dục.
Nhưng hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ cho thấy, mục tiêu thực sự của Bắc Kinh là xóa bỏ truyền thống và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ.
10 năm sau khi mở trại cải tạo đầu tiên, Trung Quốc dường như quyết tâm khôi phục hình ảnh của mình, ít nhất là trên bề mặt, bằng cách mở cửa Tân Cương cho khách du lịch. Tuy nhiên, như The Insider, một tờ báo trực tuyến độc lập của Nga, giải thích rằng cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn.
Trẻ em ở Tân Cương hiện được dạy bằng tiếng Quan Thoại (tiếng Hán), ngôn ngữ duy nhất được chấp nhận ở các trường học địa phương. Ngôn ngữ mẹ đẻ của người Duy Ngô Nhĩ bị cấm. Các cuộc trò chuyện giữa người Duy Ngô Nhĩ cũng phải diễn ra trên nền tảng WeChat do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Đáng ngạc nhiên là thực tế mới này hiện đi kèm với mong muốn của chính quyền là mở cửa khu vực cho khách du lịch. Từ năm 2021 – 2022, ngân sách của Sở Văn hóa và Du lịch Tân Cương đã tăng 90%.
Những thay đổi rõ ràng về bộ mặt của Tân Cương
Những thay đổi dần dần này là do sự xuất hiện của một bí thư đảng mới trong khu vực. Cựu độc tài Trần Toàn Quốc được thay thế bởi nhà kỹ trị Mã Hưng Thụy (Xingrui Ma).
Du khách (thường là những người đến từ Trung Á và/hoặc có người thân sống ở Tân Cương) có thể nhận thấy sự thay đổi giữa tình trạng trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và những tháng gần đây: Sự giám sát và đàn áp được thể hiện rõ ràng ở Khu tự trị Tân Cương.
Một người đàn ông được Insider News phỏng vấn giải thích, khi ông đến thăm Tân Cương lần đầu tiên vào năm 2019, Tân Cương giống như một chuỗi các thành phố được chia thành nhiều khu vực, nhìn đâu cũng thấy cảnh sát. Nhưng năm 2023, hệ thống giám sát và kiểm soát rộng lớn này dường như đã biến mất.
Ông cũng nói rằng cảnh sát vẫn chưa rời khỏi Tân Cương. Họ chỉ hoạt động bí mật hơn. Việc phải liên tục đi qua các trạm kiểm soát và kiểm tra không thể tạo ấn tượng về một khu vực phồn vinh, thịnh vượng.
Các chương trình do chính quyền Trung Quốc cung cấp giới thiệu văn hóa của các dân tộc thiểu số tại đây. Điều này không chỉ xảy ra với những người Duy Ngô Nhĩ, mà còn với cả những người dân tộc thiểu số trên khắp Trung Quốc.
Di sản văn hóa phong phú của các dân tộc thiểu số này đã bị biến thành những màn trình diễn ca múa cho khách du lịch thưởng thức.
Dù mở rộng du lịch, ĐCSTQ vẫn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Tháng 10/2023, Tổng thống Kazakhstan là Tokayev đã đến thăm Tân Cương, và cùng tuyên bố với Trung Quốc về việc mở lại biên giới, nhằm phát triển quan hệ du lịch và kinh tế giữa hai nước. Kazakhstan vẫn là quốc gia duy nhất mà người dân của nước này có thể vào Trung Quốc dù không cần thị thực.
Tuy nhiên, việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ vẫn chưa dừng lại. Mặc dù các trại cải tạo đã chính thức đóng cửa từ năm 2019, nhưng dân tộc thiểu số này vẫn bị đàn áp.
Những người đại diện của họ vẫn bị cầm tù, bị cưỡng bức lao động hoặc bị giám sát chặt chẽ. Hàng ngàn người, thường là cả gia đình, vẫn bị giam giữ trong các trại tập trung tương tự như Gulags ở Nga.
Theo RFI
Từ khóa Tân Cương Người Duy Ngô Nhĩ Du lịch Tân Cương