Hồng Kông lại biểu tình khi nghị viện thảo luận về luật dẫn độ sang TQ
- Như Ngọc
- •
Hàng nghìn người dân Hồng Kông đã tập trung gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp từ tối thứ Ba (11/6) tới thứ Tư (12/6) để phản đối luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc.
Sáng ngày thứ Tư (12/6/2019), người biểu tình chiến giữ hai tuyến đường cao tốc gần các trụ sở chính quyền Đặc khu Hồng Kông. (Ảnh: ANTHONY WALLACE/AFP/Getty Images)
Theo BBC, một cuộc biểu tình xuyên đêm đã được tổ thức bên ngoài Hội đồng Lập pháp Hồng Kông từ tối 11/6. Cơ quan lập pháp Hồng Kông sẽ có phiên thảo luận toàn thể về dự luật dẫn độ đào phạm vào thứ Tư (12/6).
Theo BBC, một đơn thỉnh nguyện trực tuyến đã được phát hành kêu gọi 50.000 người bao vây tòa nhà Hội đồng Lập pháp vào 22 giờ tối thứ Ba (11/6) và duy trì ở đó cho tới sáng thứ Tư (12/6).
Vào sáng sớm 12/6, số người biểu tình ngày càng tăng lên và họ đã phong tỏa nhiều tuyến phố quanh các tòa nhà chính phủ Đặc khu Hồng Kông bất chấp trời mưa nặng hạt và sự ngăn cản của cảnh sát.
Những người tham gia biểu tình đến từ nhiều thành phần khác nhau từ học sinh, công nhân, luật sư tới các doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp và công nhân cũng đã thông báo họ sẽ đình công.
Cảnh sát xuất hiện dày đặc quanh các tòa nhà chính phủ. Những người trẻ đã bị cảnh sát chặn lại và lục soát.
Đảng Dân sự, một nhóm ủng hộ dân chủ, đã đăng lên Facebook lời kêu gọi phong tỏa khắp Hồng Kông.
Hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có một tạp chí, đã nói rằng họ sẽ tạm dừng hoạt động để cho phép nhân viên tham gia biểu tình vì tự do. Gần 4.000 giáo viên cũng nói rằng họ sẽ đình công.
Một số công ty tài chính, gồm cả HSBC, đã bố trí công việc linh động vào ngày thứ Tư (12/6) để tạo điều kiện cho nhân viên tham gia biểu tình.
Trước áp lực của người dân, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lên tiếng cảnh báo chống lại các cuộc biểu tình và đình công tập thể. Bà Nga nói: “Tôi kêu gọi các trường học, phụ huynh học sinh, các tổ chức, doanh nghiệp, các nghiệp đoàn hãy xem xét thận trọng nếu họ ủng hộ những hoạt động cực đoan này.”
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Hai (10/6) đã nói rằng Bắc Kinh sẽ “tiếp tục kiên định ủng hộ” chính quyền Hồng Kông. Ông Cảnh nói thêm rằng: “Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào các vấn đề lập pháp của Hồng Kông.”
Chính quyền Hồng Kông dự định thay đổi luật dẫn độ thế nào?Luật dẫn độ sửa đổi mà Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hồng Kông dự định bỏ phiếu thông qua vào ngày 20/6 tới đây sẽ cho phép thực hiện yêu cầu dẫn độ từ giới chức của Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Macau đối với các nghi phạm phạm tội giết người và hiếp dâm. Các yêu cầu này sẽ được giới chức Hồng Kông xem xét thực hiện dẫn độ theo từng trường hợp cụ thể. Động thái sửa luật dẫn độ của Hồng Kông diễn ra sau khi một người đàn ông Hồng Kông 19 tuổi bị cáo buộc giết hại bạn gái 20 tuổi đang mang thai khi hai người cùng nhau du lịch tại Đài Loan vào tháng Hai năm ngoái. Nghi phạm này sau đó đã trốn chạy về Hồng Kông và không thể bị dẫn độ sang Đài Loan vì hai bên không có hiệp định dẫn độ. Giới chức Hồng Kông đã từng nói rằng các tòa án tại Đặc khu sẽ có tiếng nói cuối cùng trong việc có thực hiện yêu cầu dẫn độ hay không và các nghi phạm bị cáo buộc phạm tội chính trị và tôn giáo sẽ không bị dẫn độ. Tuy nhiên, những người phê bình dự luật này nói rằng người dân sẽ phải chịu bắt giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn nếu dẫn độ về Trung Quốc và thực thi theo hệ thống tư pháp của nước này. Trước sức ép của người dân, chính quyền Đặc khu đã đưa ra một số nhượng bộ, trong đó bao gồm việc hứa hẹn sẽ chỉ dẫn độ các tội phạm bỏ trốn mà đang thực thi án tù ít nhất 7 năm. Hồng Kông hiện nay đang tham gia vào các hiệp định dẫn độ với 20 quốc gia, trong đó có Anh Quốc và Mỹ. |
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Luật dẫn độ Hồng Kông