Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát. Lễ hội mua sắm 11/11 được coi là chỉ số quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng, đã kết thúc trong sự vắng vẻ. Các chuyên gia cho rằng kỳ vọng của người dân Trung Quốc về tương lai rất bi quan.

JD
Ảnh chụp màn hình trang thương mại điện tử JD.COM

Trong lễ hội mua sắm 11/11 năm nay, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi bắt đầu vào cuối tháng 10. “Giá thấp nhất trên toàn mạng” “Rẻ thật” đã trở thành chủ đề khuyến mãi của Tmall và JD.com. Nhưng lễ hội mua sắm vẫn kết thúc trong sự vắng vẻ.

Năm 2019, các chủ đề liên quan đến “11/11” nằm trong danh sách tìm kiếm nóng của weibo trung bình gần 8 giờ, nhưng năm nay thời gian trung bình chỉ dưới 3 giờ.

Một báo cáo từ Bain & Company, công ty nhà tư vấn chiến lược của Mỹ, chỉ ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều mặt hàng như khăn giấy, mì ăn liền và thức ăn cho vật nuôi trong lễ hội mua sắm 11/11. Trong khi đó, họ mua ít mặt hàng không thiết yếu hơn, như đồ gia dụng.

Ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng: “Hiện tại mọi người đều không có tiền trong túi. Không những không có tiền trong túi, mà họ còn dự tính rằng tương lai họ cũng sẽ không có tiền”.

Ông nói: “Dự tính của người dân Trung Quốc về tương lai rất bi quan.”

Ông Ngô Gia Long, chuyên gia kinh tế tổng hợp ở Đài Loan, cũng cho biết: “Việc mua sắm trong lễ hội 11/11 không tốt như mong đợi, điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang thiếu nhu cầu nội địa”.

Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát kiểu thất nghiệp

Nhu cầu trong nước không đủ, cộng với khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng suy yếu, khiến giá cả vẫn đứng trên bờ vực tăng trưởng âm trong nửa cuối năm.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, rơi vào tình trạng giảm phát một lần nữa. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm tháng thứ 13 liên tiếp.

Ông Ngô Gia Long nói với Epoch Times rằng tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn dữ liệu được chính phủ công bố, giới chức cũng không thể che giấu được điều này.

“Về cơ bản, tình trạng (giảm phát) mà nền kinh tế Trung Quốc rơi vào được gọi là giảm phát thất nghiệp. Vì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã làm giảm thu nhập và sức mua của (người dân), đồng thời cũng làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.”

“Công ty sa thải nhân viên, bạn mất việc. Sau khi mất việc, bạn giảm tiêu dùng, công ty giảm doanh thu, rồi công ty lại phải tiếp tục sa thải nhân viên, nếu không sẽ phá sản.” Ông cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc hiện đã rơi vào một vòng xoáy lẩn quẩn.

Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố, trong tháng 6 tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi lên tới 21,3%, một mức cao kỷ lục mới.

Ông cho biết giá cả sẽ giảm do kinh tế khó khăn, nên người tiêu dùng có lẽ sẽ đợi đến khi giá giảm rồi mới mua. “Kết quả là, nhu cầu chung thực sự sụt giảm, vì vậy các công ty phải giảm giá và giải phóng hàng tồn kho. Kỳ vọng giá giảm đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm”.

Ông cho rằng tâm lý bi quan sẽ dẫn đến hành vi kinh tế bi quan, điều này cuối cùng lại thể hiện ở những dữ liệu kinh tế bi quan.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục xấu đi, thì việc đảo ngược xu hướng kinh tế sẽ rất khó khăn. Cộng thêm cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài, tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc sẽ càng khó đảo ngược hơn.

Ông nói: “Nhìn chung, động lực tăng trưởng kinh tế đã bị xóa bỏ và biến mất”.

Ngày 9/11, tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Phố Tài chính Bắc Kinh, ông Lưu Thế Cẩm (Shijin Liu), Cựu Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đã công khai thừa nhận rằng 3 động cơ tăng trưởng truyền thống là cơ sở hạ tầng, bất động sản và thương mại xuất khẩu hiện đều đã chậm lại.

Ông nói “các phương pháp cũ không còn hiệu quả”, làm thế nào để khai thác tiềm năng tăng trưởng mới là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Một trong những “tiềm năng” được ông Lưu Thế Cẩm đề cập là thu hẹp khoảng cách về cơ cấu nhu cầu đầu cuối giữa nhóm thu nhập thấp và trung bình với nhóm thu nhập trung bình và cao. Nhờ đó mức tiêu dùng của nhóm thu nhập thấp và trung bình sẽ dần tiếp cận nhóm thu nhập trung bình và cao.

Để khuyến khích người tiêu dùng mở ví và tiêu tiền nhằm thúc đẩy nền kinh tế, gần đây nhiều ngân hàng ở Trung Quốc Đại Lục đã hạ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, từ 10 điểm cơ bản xuống 40 điểm cơ bản.

Ông Vương Hách cho rằng có điều gì đó không ổn trong cơ cấu quyền lực của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. ĐCSTQ muốn buộc người dân phải tiêu tiền thông qua các chính sách tài chính và tiền tệ, như hạ lãi suất tiền gửi.

Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong 3 năm qua. Thu nhập của người dân gần như cạn kiệt. Những người thực sự giàu không tiêu tiền mà gửi vào ngân hàng. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng được mở rộng hơn.”

Ông cho biết: “Trong trường hợp này, đại đa số người dân muốn tiêu dùng nhưng không có tiền. Một nhóm nhỏ những người có tiền lại có mức tiêu dùng hạn chế”.

“Nhiều người không tiêu dùng, không sinh con, mà chỉ nằm ườn. Điều này có nghĩa là toàn bộ xã hội Trung Quốc đã bước vào trạng thái mà người dân sống không hạnh phúc.”

Tại Trung Quốc Đại Lục, giới lãnh đạo chính trị của ĐCSTQ đã hy sinh sự phát triển kinh tế, khiến áp lực sinh tồn của giới trẻ ngày càng tăng. Họ chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” “4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không sinh con).

“Vậy nếu sống mà không có hạnh phúc, họ sẽ làm gì tiếp theo? Chính là vùng dậy, ngọn lửa ngầm sẽ bùng phát. Toàn bộ xã hội bị chia rẽ rõ rệt, toàn bộ xã hội đang sôi sục. Hiện tại, dù giới lãnh đạo cấp cao nhất, hay những người dân bình thường, họ đều rất bất mãn với hiện trạng này.”

Ông Vương Hách nhận định: “Những thay đổi trong toàn xã hội có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Chúng ta hiện đang ở trong một thời kỳ rất đặc biệt.”

Bình Minh (t/h)