Người Hồng Kông tại Anh kỷ niệm 33 năm sự kiện Thảm sát Thiên An Môn
- Lâm Nhất Sơn
- •
Mặc dù sự kiện tưởng nhớ Thảm sát Thiên An Môn (Sự kiện Lục Tứ) vào ngày 4/6 hàng năm khó có thể được tổ chức ở Hồng Kông năm nay do “Luật An ninh Quốc gia”, nhưng nhiều tổ chức của người Hồng Kông tại Anh sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm khác nhau để tiếp tục cuộc đấu tranh này.
Kênh YouTube “Ngày 35 tháng 5” (The 35th of May) do cư dân Hồng Kông ở Vương quốc Anh thành lập gần đây đã đăng tải một clip để quảng bá cho Diễn đàn Lục Tứ “Lục Tứ của ai: Hồng Kông – Trung Quốc – Vương Quốc Anh – Thế giới”, chương trình video sẽ được phát hành vào ngày 1/6 vào đúng 8h tối theo giờ Hồng Kông và 1h chiều ngày 1/6 theo giờ Vương quốc Anh.
Người chủ trì là cựu Ủy viên Hội đồng quận Sa Điền, Hồng Kông, ông Khâu Văn Tuấn (Yau Man-chun), và các khách mời bao gồm: nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Ngô Lữ Lam (Ng Lu-nam); cựu Trợ lý giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế Đại học Baptist Hoàng Vĩ Quốc (Wong Wai-kwok); cựu Giám đốc Cục Khảo thí và Đánh giá Hồng Kông, Dương Dĩnh Vũ (Yeung Wing-yu); cựu Chủ tịch Đảng Demosistō Hồng Kông Trịnh Gia Lãng (Cheng Ka-lang). Ngoại trừ ông Ngô Lữ Nam đã sống ở Anh hơn 30 năm, 4 người còn lại chỉ mới chuyển đến Anh trong năm qua.
Trong video quảng cáo, ông Khâu Văn Tuấn nói rằng vụ Thảm sát Thiên An Môn đã khiến ông thức tỉnh và bắt đầu hiểu về các giá trị phổ quát và dân chủ, vì vậy dù ở đâu, ông cũng phải kiên trì bảo vệ sự thật; ông Dương Dĩnh mô tả “Sự kiện Lục Tứ” là một trong những “bi kịch lớn” của Trung Quốc đương đại, chỉ cần mục tiêu là xây dựng một Hồng Kông và Trung Quốc dân chủ và tự do, “thì Lục Tứ chính là điểm khởi đầu cho suy nghĩ của bạn, suy nghĩ về cách đóng góp cho người nơi bạn yêu mến”.
Ông Khâu Văn Tuấn: “Lục Tứ” khai sáng cho tôi về dân chủ, người Hồng Kông tại Anh nên kiên trì tưởng niệm “Lục Tứ”
Ông Hoàng Vĩ Quốc nói rằng là một người có lương tri, thì không nên quên “Lục Tứ”; ông Trần Gia Lãng nói rằng “Lục Tứ” không chỉ là một phong trào dân chủ ở Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền dân chủ ở Hồng Kông. Tất cả chúng ta có trách nhiệm tưởng niệm “Lục Tứ” và sát cánh với những người bị ĐCSTQ áp bức.
Ông Hoàng Vĩ Quốc: Tưởng niệm “Lục Tứ” để chống lại chủ nghĩa toàn trị và đối phó với mối đe dọa của ĐCSTQ đối với trật tự chính trị và đạo đức toàn cầu
Ông Trần Gia Lãng: “Lục Tứ” là tội ác không thể xóa nhòa của ĐCSTQ, người dân Hồng Kông nên đứng cùng với những người bị áp bức khác
Ông Dương Dĩnh Vũ: Người Hồng Kông sống ở Anh trân trọng kỷ niệm sự kiện “Lục Tứ” và có ý thức về sứ mệnh bảo tồn văn hóa Hồng Kông
Dự kiến hơn 1.000 người sẽ tham dự cuộc mít tinh Lục Tứ ở London
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Epoch Times, ông Ngô Lữ Nam, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, kể lại rằng khi Bắc Kinh ban hành thiết quân luật vào năm 1989, ông đang học ở Anh, khi đó ông đã ngủ bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh trong 3 ngày và 2 đêm để biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ năm 1989. Sau vụ thảm sát Lục Tứ, ông đã dành thêm 100 ngày nữa ngủ ngoài trời để phản đối.
Ông Ngô Lữ Nam: Từ năm 1989 đã ủng hộ phong trào dân chủ Trung Quốc ở Anh. Trong những năm gần đây, giới chính trị Anh trở nên nhạy cảm hơn với sự xâm nhập của ĐCSTQ
Trong hơn 30 năm sau sự kiện thảm sát, mỗi năm ông Ngô Lữ Nam đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm “Lục Tứ” ở London, chứng kiến sự thăng trầm của số lượng người tham gia. Năm 1989, 100.000 người đã tập hợp tại Khu Phố Tàu và sau đó tuần hành đến Đại sứ quán Trung Quốc. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, chỉ có vài chục đến vài trăm người tham gia cuộc mít tinh mỗi năm; trong những năm tiếp theo, con số này giảm hơn nữa, và có thể chỉ còn khoảng hơn chục người mỗi năm.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của làn sóng nhập cư của người Hồng Kông, gần 1.000 người đã tham dự buổi tưởng niệm “Lục Tứ” vào năm ngoái, và ông Ngô Lữ Nam dự kiến sẽ có hơn 1.000 người tham dự cuộc hoạt động năm nay. Nếu số lượng người tham gia đông, cảnh sát London có thể phong tỏa đường và cho phép công dân tập trung dưới lòng đường.
Tưởng niệm Lục Tứ tổ chức tại nhiều nơi ở Vương quốc Anh
Vào ngày 4/6 năm nay, các đoàn thể người Hồng Kông tại các thành phố lớn ở Vương quốc Anh đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm “Lục Tứ”. Ví dụ: Nhà thờ “Good Neighbor Church of England” sẽ tổ chức “Tưởng niệm 33 năm ngày Lục Tứ” lần lượt ở London, Bristol, Birmingham và Manchester; Nhóm “Người Hồng Kông ở Scotland” (Scotland Hongkongers) sẽ tổ chức “Dạ hội Lục Tứ” ở Edinburgh; “Ủy ban Tưởng niệm Lục Tứ London” sẽ tổ chức một cuộc mít tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc ở London.
Từ ngày 13 đến 28/5, nhóm người Hồng Kông “Người Hồng Kông ở Scotland” đã thiết lập các điểm dừng ở trên đường phố ở Aberdeen, Inverness, Dundee, St Andrew’s, Edinburgh, Glasgow để nói sự thật về sự kiện “Lục Tứ”.
Ngoài ra, một số nhóm ở Hồng Kông sẽ trình chiếu vở kịch sân khấu “Ngày 35 tháng 5” tại các thành phố khác nhau ở Vương quốc Anh, chẳng hạn như Trung tâm Nghệ thuật Midlands ở Birmingham và Tòa thị chính Altrincham ở Greater Manchester vào ngày 3/6. Vở kịch do đoàn nghệ thuật Hồng Kông Vũ đài tháng Sáu sản xuất và biên kịch là Trang Mai Ngạn (Candace Chong Mui Ngam). “Ngày 35 tháng 5” đã giành được nhiều giải thưởng “Sản xuất xuất sắc nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Kịch bản xuất sắc nhất”, “Thiết kế ánh sáng xuất sắc nhất” và “Xuất sắc nhất của năm” tại Lễ trao giải Phim truyền hình Hồng Kông lần thứ 29.
Tưởng niệm Lục Tứ có thể sẽ biến mất tại Hồng Kông
Năm nay đánh dấu năm thứ 2 kỷ niệm sự kiện Lục Tứ sau khi chính quyền Hồng Kông áp đặt thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”. Giáo phận Công giáo Hồng Kông cho biết vào ngày 24/5 rằng họ sẽ không tổ chức thánh lễ tưởng niệm “Lục Tứ” trong năm nay, vì những người ở tuyến đầu và thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình Công giáo lo ngại về việc tổ chức lễ tưởng niệm “Lục Tứ” có vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”. Giáo phận cho biết, theo đức tin Công giáo, có nhiều cách khác nhau để tưởng nhớ người chết, và thánh lễ là một cách, nhưng việc cầu nguyện cho người chết riêng tư hoặc theo nhóm nhỏ cũng rất ý nghĩa.
Ngoài ra, Sân vận động bóng đá Công viên Victoria, nơi đóng góp tổ chức cuộc mít tinh tưởng niệm dưới ánh nến “Lục Tứ” hàng năm, đã được đặt chỗ cho tất cả các khung giờ vào ngày 4/ 6. Trang web của Cục Sức khỏe và giải trí đăng thông báo cho biết sân bóng đá số 3 và số 6 của Công viên Victoria sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 12/5 đến 16/6 và lần lượt từ 19/5 đến 16/6 để bảo trì. Ban đầu, Công viên Victoria có tổng cộng 6 sân bóng và cho công chúng sử dụng miễn phí.
Theo Ming Pao đưa tin, Hiệp hội dân chủ Dân sinh Hồng Kông (ADPL) nói rằng sẽ không dùng danh nghĩa đoàn thể để đăng ký mít tinh Lục Tứ, các thành viên sẽ dùng biện pháp khác để tưởng niệm. Ông Liêu Thành Lợi, chủ tịch hiệp hội cho biết, trong ngày kỷ niệm “Lục Tứ”, 2 hoặc 3 thành viên sẽ “nói chuyện, tán gẫu”, dùng phương thức của bản thân để ghi nhớ lịch sử.
Trước đó, Triệu Ân Lai, một cựu thành viên ủy ban thường vụ của Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc, người đã bị bỏ tù vì vụ “Công viên Victoria ngày 4/6”, nói rằng ông không có kế hoạch nộp đơn cho một cuộc biểu tình ở Công viên Victoria vào ngày 4/6; Ông Ngô Văn Viễn, thành viên Liên đoàn Đảng viên xã hội dân chủ, cũng nói rằng ông không có kế hoạch đăng ký một buổi mít tinh, và tạm thời không thảo luận xem liệu sẽ có bất kỳ hành động nào vào ngày kỷ niệm Lục Tứ hay không.
Từ khóa Hồng Kông Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ