SCMP: Bắc Kinh đã sẵn sàng hy sinh tầng lớp trung lưu
- Huệ Anh
- •
Với việc sau khi Chính phủ Mỹ hoàn thành trưng cầu ý kiến cộng đồng về danh sách thuế quan hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (đô la Mỹ), vòng chiến tranh thuế quan thứ hai đã bắt đầu. Gần đây, truyền thông Hồng Kông đã công bố bài viết chỉ ra rằng ĐCSTQ sẵn sàng hy sinh lợi ích của tầng lớp trung lưu để ứng phó với cuộc chiến thương mại.
Lớp trung lưu mới nổi sẽ là nạn nhân đầu tiên
Theo bài viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông ngày 10/9, sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ làm cho tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc trở thành nạn nhân đầu tiên. Nguồn tin cho biết, đối với chính phủ Trung Quốc, họ không nghĩ rằng khi cuộc chiến thương mại leo thang, hy sinh lợi ích của tầng lớp trung lưu là nguy hiểm. Thực tế, ĐCSTQ đang ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại bằng cách tăng sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế, trong vấn đề này thì lợi ích của tầng lớp trung lưu rõ ràng không phải là một ưu tiên của ĐCSTQ.
Bài viết chỉ ra, “phái bảo thủ” của ĐCSTQ có thể hy vọng rằng Chính phủ sẽ dọn dẹp hiệu quả “chủ nghĩa tự do” mà tầng lớp trung lưu đang nhiệt tình cổ súy để ổn định vững vàng tình hình kinh tế và chính trị trong nước. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại đã khiến phe bảo thủ của ĐCSTQ ủng hộ việc tăng cường kiểm soát quốc gia và các ràng buộc xã hội. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc (tính từ năm 1978) một lần nữa lại đứng ở ngã tư của sự lựa chọn.
Sự thay đổi này có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích tiềm năng của giới học thức cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì nhóm người này coi trọng nền kinh tế thị trường, thích iPhone, là fan hâm mộ số một của Google và Hollywood, họ khao khát cho lối sống phương Tây. Đối với họ, thị trường tự do giúp xã hội ngày càng tiến gần hơn với các giá trị cốt lõi của Mỹ.
Đài BBC của Anh cũng chỉ ra rằng cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ gây tình trạng thất nghiệp quy mô lớn trong xã hội Trung Quốc, lạm phát nghiêm trọng, giá cả tài sản bao gồm giá nhà đất giảm mạnh, không chỉ gây nguy hiểm đối với lớp người dân ở tầng thấp xã hội mà còn làm tổn hại đến lợi ích của tầng lớp trung lưu.
Trump: Tất cả phụ thuộc vào ĐCSTQ
Hôm thứ Năm tuần trước (06/9), Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã hoàn thành quá trình tham vấn cộng đồng đối với danh sách thuế quan hàng hóa Trung Quốc 200 tỷ USD, nhưng vẫn chưa xác định thời gian bắt đầu thực thi và tỉ lệ áp thuế quan.
Ngày 7/9, tại “Không lực số một” (Air Force One) ông Trump lại một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ về biện pháp áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa có thể sớm được triển khai, điều này tùy thuộc vào những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ở một mức độ nhất định, điều này sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngoài ra, Trump cũng nói: “Tôi cũng ghét làm điều này, nhưng nếu cần thiết sẽ có thêm biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, việc này có thể được chuẩn bị trong một thời gian ngắn.” Như vậy có nghĩa là tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ phải đối mặt với thuế quan.
Dù vậy, tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 6/9, phát ngôn viên Cao Phong của Bộ Thương mại ĐCSTQ vẫn đưa ra phản ứng cứng rắn, cho biết nếu Mỹ khởi động thuế quan 200 tỷ, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp đối phó cần thiết. Cao Phong cũng tuyên bố rằng bất kỳ áp lực nào do Mỹ gây ra đều không có hiệu quả đối với ĐCSTQ.
Ngày 7/9 Bloomberg đưa tin, đường lối cứng rắn của Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer (Robert Lighthizer) và cố vấn Nhà Trắng Navarro (Peter Navarro) hiện đang chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận của Chính phủ Trump, do đó biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn.
Tờ Financial Times của Anh đưa tin vào ngày 9/9 rằng, không nghi ngờ gì về việc chính quyền Trump có ý định tiếp tục thúc đẩy một vòng thuế quan mới.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung tầng lớp trung lưu