Thấy gì từ vụ đánh nhau giữa cảnh sát và người dân Hồ Bắc – Giang Tây?
- Tuyết Mai
- •
Sáng ngày 27/3, cảnh sát trấn Tiểu Trì huyện Hoàng Mai thành phố Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc và cảnh sát thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây xảy ra xung đột nghiêm trọng vì vấn đề khôi phục làm việc.
Trên cây cầu Trường Giang ở Cửu Giang nơi giao giới giữa Hồ Bắc và Giang Tây, cảnh sát giao thông Giang Tây đã không để cho người Hồ Bắc đi qua cầu chiểu theo chỉ thị của chính phủ, bị cảnh sát giao thông Hồ Bắc kéo đến đánh. Phía Giang Tây cũng điều động đặc cảnh đến và xảy ra đánh nhau trên diện rộng.
Được biết, huyện Hoàng Mai (Hồ Bắc) chỉ cách thành phố Cửu Giang (Giang Tây) một con sông. Do Hoàng Mai không có ga tàu, người dân địa phương nếu muốn xuất hành quay trở lại làm việc thì phải đi qua cầu Trường Giang, đến nhà ga Cửu Giang để đi tàu.
Sau cùng, quan chức của cả hai bên đã đến hiện trường để đàm phán khẩn cấp và cuộc xung đột đã tạm thời kết thúc.
Ông Hoàng (hóa danh), đã miêu tả cuộc xung đột ngày 27/3 với Epoch Times như sau:
“Sáng hôm nay, cảnh sát giao thông Cửu Giang đi qua cầu Trường Giang, lập chốt chặn ở Hoàng Mai thành phố Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc, không cho phép người Hồ Bắc lái xe riêng đi qua Cửu Giang. Cảnh sát giao thông Hoàng Mai đến nói chuyện, hai bên xảy ra động tay động chân, cảnh sát Hoàng Mai bị vây đánh. Hồ Bắc tạm thua Giang Tây 0:1 và lùi lại.
Sau khi video đăng tải lên mạng, người dân Hoàng Mai tập trung tại cầu Trường Giang, yêu cầu phía Cửu Giang xin lỗi, Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc và Cửu Giang tỉnh Giang Tây: 1:1, cục diện xoay chuyển. Buổi trưa, người dân đi qua cầu Trường Giang đến Cửu Giang, xảy ra xung đột tiếp. Hồ Bắc phản kích thắng Giang Tây: 2:1.
Buổi chiều, người Hồ Bắc bao vây đội cảnh sát giao thông Cửu Giang, Hoàng Mai (Hồ Bắc) thắng Cửu Giang (Giang Tây) 3:1; khoảng 3 giờ chiều lãnh đạo thị ủy Hoàng Mai khuyên người dân trở lại Hồ Bắc; 5 giờ chiều Phó Tỉnh trưởng Giang Tây từ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tỉnh từ chức, trận đấu kết thúc. Người dân Hồ Bắc thắng.”
“Hồ Bắc không có ca lây nhiễm mới”, bị cho là che giấu báo cáo
Một người dân khác đăng video về sự kiện này tại hiện trường cũng nói với phóng viên Epoch Times, vấn đề xung đột giữa Hồ Bắc và Giang Tây là ở chỗ không minh bạch về dịch bệnh. Giang Tây không tin con số người lây nhiễm ở Vũ Hán về ‘0’, thực tế là không hề về ‘0’.
Vị này còn cung cấp một văn kiện của Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Hán Xuyên cho thấy, ngày 25/3, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc báo cáo một trường hợp xét nghiệm dương tính với “virus Trung Cộng” (virus corona mới), nhà bệnh nhân ở Hán Xuyên, tiếp xúc gần với 18 người, cần cách ly 14 ngày.
Trong khi đó, thông báo trong cùng ngày của chính quyền ĐCSTQ là đến hết 23:00 ngày 25/3, “Số ca chẩn đoán lây nhiễm mới là 0”.
Từ 0 giờ ngày 25/3, ngoài thành phố Vũ Hán, tất cả các khu vực còn lại của tỉnh Hồ Bắc đều gỡ bỏ phong tỏa, người dân có thể ra khỏi tỉnh. Thành phố Hán Xuyên cách trung tâm thành phố Vũ Hán chỉ 45 km, là thành phố gần Vũ Hán nhất.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố ca nhiễm mới tại Vũ Hán đã về ‘0’, nhưng người dân không tin. Gần đây, video và thông tin lan truyền trên mạng cho biết, trước khoa khám sốt của Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán có đến mấy chục người xếp hàng chờ khám. “Bệnh viện Đồng Tề xác nhận hơn 100 trường hợp”. Nhiều khu dân cư dán thông báo về trường hợp lây nhiễm mới. Người dân nghi ngờ có một số bệnh viện đã không muốn nhận bệnh nhân, khiến cho người bệnh không thể vào viện để làm xét nghiệm.
Một thông tin cho biết, ngày 18/3, khu Giang Can thành phố Hàng Châu thông báo về 2 trường hợp tự ý xét nghiệm. Thông tin cho biết, “Khôi phục làm việc sản xuất đã trở thành việc lớn hàng đầu”, “tự triển khai xét nghiệm virus viêm phổi Vũ Hán đối với người lao động, người bệnh, đã cấu thành tội vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo pháp luật”.
Ông Hoàng cho biết, không rõ về tình hình nên cư dân không dám ra ngoài. “Một người thân của bạn tôi hơn 40 tuổi, sức khỏe vẫn rất tốt. Bên cạnh nhà có một người cách đây mấy ngày trở về từ bệnh viện container, ông đến nhà người mới về này nói chuyện và đã bị lây nhiễm, rồi ho, sốt nhưng cho là cảm mạo, khi đến bệnh viện thì ngày hôm sau đã qua đời.”
“Tôi đã đặc biệt đến Bệnh viện Hiệp Hòa để xem, mỗi ngày đều có bệnh nhân sốt. Sao lại có thể không có ca nhiễm mới?” ông nói.
Quay lại với cuộc xung đột liên tỉnh này, điều đáng lưu ý là người dân thường cũng tham gia vào trận đánh nhau, họ thậm chí tấn công dữ dội và lật đổ xe cảnh sát, khiến hiện trường rất hỗn loạn.
Cuộc chiến giữa cảnh sát và người dân liên tỉnh kiểu này là điều khá hiếm thấy ở Trung Quốc, nhà bình luận thời sự Đường Hạo cho rằng “cuộc chiến trên sông” này cho thấy 4 dấu hiệu:
1. Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất tín nhiệm
Mặc dù nhìn bề ngoài, cuộc xung đột này là do cảnh sát Giang Tây không cho phép người Hồ Bắc đi vào địa phận tỉnh này, nhưng vì sao lại không cho? Đó chẳng phải là vì ĐCSTQ liên tục tuyên truyền rằng số người lây nhiễm mới đã về ‘0’, cần dỡ bỏ phong tỏa Hồ Bắc để nối lại công việc sao?
Tình thế trước mắt cho thấy ngay cả các quan chức cơ sở cũng không tin những gì chính quyền ĐCSTQ và các cơ quan truyền thông của Đảng công bố. Các quan chức ở tất cả các cấp đều biết rằng những gì đảng nói chỉ là hư ngụy (làm giả, khuếch đại và rỗng tuếch). Các quan chức ĐCSTQ chỉ dựa vào dối trá để kiếm sống. Hồ Bắc là nơi bùng phát dịch nghiêm trọng nhất trong cả nước, làm thế nào mà “về 0 sạch sẽ”? Quan chức và người dân khắp nơi đều biết điều đó.
Vậy nên không chỉ có Giang Tây là không muốn để người Hồ Bắc vào, mà ngay cả tỉnh An Huy lân cận cũng đang cố gắng chống cự.
Tuy nhiên cần làm rõ bản chất của vấn đề. Vấn đề không phải nằm ở người dân Hồ Bắc, mà là ở hệ thống ĐCSTQ. Vì đây là mệnh lệnh nhằm giải cứu kinh tế mà tuyên truyền giả dối ra ngoài của ĐCSTQ, khiến cho mặc dù tình hình dịch bệnh của Hồ Bắc chưa hoàn toàn về ‘0’, nhưng người dân vẫn phải ra ngoại tỉnh để tiếp tục công việc.
Cách làm dối trá này rõ ràng không thuyết phục được người dân và quan chức các nơi, họ lo lắng dịch bệnh từ Hồ Bắc sẽ lây lan vào địa phận của mình lần nữa nên ra sức chống lại, đồng thời nghi ngờ tất cả những gì hệ thống ĐCSTQ làm và có thể dẫn đến xuống đường hành động.
Vậy nên, cuộc xung đột này không phải là cuộc xung đột dân sự bình thường, mà đó chính là sự xung đột với Chính phủ, có khả năng lan ra cả nước.
2. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát khó có thể nối lại công việc
Xung đột này phản ánh rằng ai cũng biết công bố về tình hình dịch bệnh và kết quả chẩn đoán được đưa ra là không đáng tin cậy. Vậy nên, dù cho chính quyền có dùng biện pháp cứng rắn gì để thúc đẩy nối lại công việc cũng khó có thể thực thi ở cấp cơ sở, sẽ có nhiều phản ứng tiêu cực và làm loa qua chiếu lệ để ứng phó. Tương lai có thể sẽ còn có những cuộc xung đột giữa người dân liên tỉnh tương tự để bảo vệ địa khu của mình.
3. Khả năng tái bùng phát dịch bệnh sau khi khôi phục di chuyển
Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Việc thúc đẩy gỡ bỏ phong tỏa để nối lại công việc là để khiến toàn quốc tin tưởng dịch bệnh đã được khống chế để tiếp tục sản xuất và khôi phục nền kinh tế đang bấp bênh.
Tuy nhiên, những người nhiễm virus có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có khả năng di chuyển khắp nơi và lây truyền virus sang nhiều khu vực khác, có khả năng dẫn đến đợt bùng phát mới ở Trung Quốc.
Tuy rằng có người nói nhiễm virus này chưa chắc đã chết nhưng nếu không đi làm thì có thể chết đói. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế sụp đổ thì chế độ ĐCSTQ cũng sẽ sụp, vì vậy đảng đã chọn biện pháp thúc đẩy nối lại công việc.
Mặc dù vậy, thực tế là nếu bệnh có dấu hiệu tái bùng phát thì chủ doanh nghiệp và người lao động trên cả nước sẽ ngay lập tức đình chỉ sản xuất và công việc, nền kinh tế sẽ ngừng lại và thậm chí xã hội có thể còn hoảng loạn nghiêm trọng hơn. Bởi vì nếu tình trạng đó xảy ra, số người nhiễm virus sẽ tăng lên đáng kể và không thể truy được hành tung của họ, điều này sẽ khiến chính phủ và người dân khó khăn hơn trong việc ứng phó, dẫn khởi nhiều biện pháp không lý tính bất ngờ xuất hiện, làm gia tăng tổn thất xã hội, chính phủ cũng khó dọn dẹp hơn.
4. ĐCSTQ có thể bị chia rẽ
Trong cuộc xung đột này, điều hiếm khi thấy là đơn vị cảnh sát liên tỉnh đánh nhau trực tiếp. Điều đó có nghĩa là trước nguy cơ của virus, các quan chức cơ sở hoặc công chúng cũng tự bảo vệ sinh mạng của mình, dường như không còn nghe theo hướng dẫn của chính quyền ĐCSTQ nữa. Cuộc đụng độ giữa cảnh sát hai tỉnh này có thể là một sự khởi đầu.
Hơn nữa, nếu có quan chức cấp cao nào đó nhiễm bệnh hoặc qua đời, có thể khiến “chư hầu” khắp nơi đứng lên tự bảo vệ mình và không còn tuân lệnh của chính quyền trung ương, đến lúc đó còn có thể xuất hiện hình thế trung ương và địa phương giằng co đối đầu. Theo quan sát trong thời gian qua, hai thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ là ông Triệu Lạc Tế và Hàn Chính lâu rồi chưa xuất hiện công khai và gần như biến mất khỏi các phương tiện truyền thông của Đảng. Liệu có phải hai ông này đã nhiễm bệnh hay bị cho ra rìa trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, trong lưỡng hội sắp tới sẽ sớm có câu trả lời.
Tuyết Mai (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19 SARS-CoV-2 virus Trung Cộng Viêm phổi Trung Cộng Người Hồ Bắc Dòng sự kiện virus corona