TQ dẫn đầu cuộc đua vắc-xin, “người trong nhà” hoài nghi kết quả siêu tốc
- Mộc Lan
- •
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng tình hình dịch viêm phổi trong nước đã chậm lại, do vậy tập trung vào phát triển vắc-xin, và cấp phép cho 4 công ty dược phẩm thử nghiệm trên người, nhưng hai trong số các công ty này lại có dính đến các bê bối về vắc-xin có “phản ứng không tốt” và hối lộ quan chức. Theo phân tích của New York Times, nếu Trung Quốc không thể cải thiện những vấn đề này, sẽ khó có thể lấy lại được lòng tin từ người dân.
Viêm phổi Vũ Hán tàn phá toàn cầu, cướp đi vô số sinh mạng, gây ra ảnh hưởng sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực: giao thông, du lịch, thương mại… Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mọi người đặt hy vọng vào vắc-xin và thuốc điều trị. Tuy nhiên, tính chất của chủng virus này rất khó dự đoán, liên tục nhiều nơi có các báo cáo về tình trạng xét nghiệm phơi nhiễm lúc có lúc không trên bệnh nhân, vì vậy các lo lắng về khả năng đột biến của virus cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển các loại chủng ngừa.
Tuy nhiên, riêng đối với dòng vắc-xin do Trung Quốc phát triển, người ta lại lo lắng nhiều hơn về những vấn đề khác.
Trung Quốc, nơi bị ngoại giới xem là khởi nguồn lây lan virus Vũ Hán. Trong việc đối phó với dịch bệnh, ngoài việc áp dụng các phương pháp chữa trị Đông Tây y, Trung Quốc còn liên tục tuyên bố dốc toàn lực nghiên cứu vắc-xin. Theo thông tin một bài viết được đăng trên mạng Weibo, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G20 (các nước có nền kinh tế lớn) ngày 26/3 và cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 27/3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến việc cần thiết phải tăng tốc nghiên cứu và phát triển vắc-xin.
Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia cần tăng cường phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hợp tác nghiên cứu khoa học truy xuất nguồn gốc virus, sản xuất thuốc điều trị, vắc-xin và xét nghiệm, đặc biệt là các nước có tỷ lệ mắc bệnh dịch cao.
Ngày 24/4, theo tin tức từ Sina News Trung Quốc, giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, ông Cao Phúc (Gao Fu) cho biết: “Khả năng đến tháng 9, chúng ta có thể sử dụng một loại vắc-xin có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ví như, nếu dịch bệnh có thể bùng phát lần nữa, vắc-xin trong giai đoạn thứ hai hoặc thứ ba của thử nghiệm lâm sàng vẫn có thể được sử dụng cho các nhóm đặc biệt (như nhân viên y tế), điều này còn phải tùy xem tình huống cụ thể ra sao. Theo tôi, chúng ta có thể sản xuất được vắc-xin cho người khỏe mạnh vào đầu năm tới. Tất cả còn phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu và phát triển.”
Theo một báo cáo ngày 26/4 của Nhật báo Kinh tế và Mạng Hoàn cầu Trung Quốc, ngày 27/4, ông Ngô Viễn Bân (Wu Yuanbin), Giám đốc Cục Công nghệ Phát triển Xã hội thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết thời kỳ đầu bùng phát viêm phổi corona, nhóm nghiên cứu khoa học đã lấy nghiên cứu và phát triển vắc-xin làm hướng “tấn công” chính. Sau đó triển khai 5 hướng kỹ thuật tiếp theo, đó là: vắc-xin bất hoạt, vắc-xin vec-tơ cúm giảm độc lực, vắc-xin DNA, vắc-xin protein tái tổ hợp và vắc-xin Vec-tơ Adenovirus.
Ngày 27/4, giám đốc khoa truyền nhiễm Bệnh viện Số 1, Đại học Bắc Kinh – Ông Vương Quý Cường (Wang Guiqiang) tiết lộ, năm tuyến kỹ thuật nhằm chống lại virus Vũ Hán (còn được gọi là chương trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin COVID-19) hiện đang được phân bổ theo trình tự, trong đó vắc-xin adenovirus được phát triển bởi nhóm của Viện sĩ Trần Vi (Chen Wei), cũng như hai loại vắc-xin bất hoạt được phát triển bởi Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán và Công ty Công nghệ Sinh học Sinovac R&D, đã bước vào nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố thành lập chuyên ban nghiên cứu và phát triển vắc-xin, ngoài ra còn yêu cầu nhân viên làm việc tăng ca, chạy đua thời gian để tung ra thị trường sản phẩm sớm nhất, và thậm chí hô hào: vì đây là “sản phẩm đặc biệt dành cho người khỏe mạnh”, nên “mặc dù phát triển vắc-xin là một dự án khẩn cấp, nhưng vẫn đặc biệt nhấn mạnh tính khoa học và tính quy trình.”
Tuy nhiên, Trung quốc có thành tích “kinh hãi” về các loại vắc-xin hết hạn, vắc-xin sai chủng loại, vắc-xin rởm …, những lo sợ của người dân trong nước không phải là không có cơ sở.
Bài báo “Liệu việc phát triển vắc-xin virus corona của Trung Quốc có thể thành công?” của New York Times phiên bản tiếng Trung Quốc đăng ngày 6/5 nói, “Ngành công nghiệp vắc-xin của Trung Quốc nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, từ lâu đã có nhiều tai tiếng từ các vụ bê bối về vấn đề chất lượng.” Hai năm trước, các ông bố bà mẹ Trung Quốc “tá hỏa” sau sự kiện phát hiện vắc-xin cho trẻ sơ sinh chủ yếu là hàng rởm.
Lại thêm, chính quyền Bắc Kinh muốn thông qua cơ hội này thúc đẩy vị thế quốc tế của mình trở nên cường quốc khoa học y tế bằng con bài vắc-xin, qua đó hòng dịch chuyển tâm điểm chú ý các cáo buộc nước ngoài về việc Trung Quốc đã ngăn chặn các cảnh báo sớm gây ra đại dịch toàn cầu, nhưng có lẽ ngay cả người dân trong nước cũng không còn niềm tin vào vắc-xin “Made in China” nữa.
Cựu lãnh đạo Quỹ Gates tại Trung Quốc, ông Diệp Lôi (Ray Yip) cho hay: “Người Trung Quốc hiện không còn niềm tin vào vắc-xin được sản xuất trong nước”, “đây có thể là phiền phức lớn nhất. Nếu họ không làm ra những bê bối trước kia, thì người Trung Quốc đã xếp hàng dài để mua.”
Bắc Kinh đã coi việc phát triển vắc-xin là chiến lược quốc gia, cắt giảm các thủ tục rườm rà và ưu tiên tài nguyên dành cho các công ty dược phẩm. Thậm chí có bốn công ty Trung Quốc đã bắt tay vào thử nghiệm vắc-xin trên người các ứng cử viên, nhiều hơn cả Anh và Mỹ gộp lại.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ rằng có thể việc tung ra thị trường loại vắc-xin được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp sẽ sẵn sàng vào tháng Chín.
Về vấn đề này, Nhân dân Nhật báo đã từng trích dẫn câu hỏi nghi vấn của ông Đinh Thắng (Ding Sheng), Viện trưởng Học viện Dược – Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nói rằng trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng, một số công ty đã “áp dụng một số phương pháp bất thường”, mặc dù biết là mọi người đang nôn nóng, nhưng từ quan điểm khoa học, “Cho dù gấp gáp thế nào, cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn.”
New York Times cho biết hai trong số bốn công ty dược phẩm Trung Quốc đang thử nghiệm vắc-xin trên người, bao gồm Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán và Công ty Công nghệ sinh học Sinovac, đã từng dính vào bê bối hối lộ và vắc-xin có “phản ứng không tốt” .
Bài báo của New York Times còn trích dẫn các tài liệu từ tòa án, về việc Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán đã bị truy tố ít nhất hai lần do vắc-xin gây ra “phản ứng không tốt”. Tòa án phán quyết viện này phải trả một phần khoản bồi thường là 71.500 USD cho các nạn nhân.
Ngoài ra, giám đốc cấp cao của Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán đã ít nhất ba lần bị buộc tội hối lộ các quan chức CDC địa phương để “cảm ơn” đã nhập và phân phối vắc-xin cho. Một số nhân viên có liên quan sau đó đã bị kết tội, tuy nhiên Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán không dính truy cứu hình sự nào.
Bài báo còn trích dẫn các chi tiết từ tòa án Bắc Kinh rằng thời điểm năm 2002 – 2014, ông Duẫn Vệ Đông (Yin Weidong), khi còn là tổng giám đốc của Công ty Công nghệ sinh học Sinovac từng hối lộ gần 50.000 USD cho một quan chức chịu trách nhiệm đánh giá thuốc để giúp công ty có được cấp phép lưu hành.
Theo bài phân tích, doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 40% trong ngành công nghiệp vắc-xin của Trung Quốc, đã quen với hệ thống chính trị khép kín, với lịch sử che đậy các vụ bê bối, có thể bảo vệ hệ thống này khỏi sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài. Trong hệ thống này, nhiều nhà sản xuất vắc-xin đã có chỗ “chống lưng”, do vậy họ cũng không biết sợ, bởi họ biết ngay cả khi bị phát hiện đang sản xuất các sản phẩm bị lỗi, họ vẫn sẽ không bị phạt hay đình chỉ.
Do đó, ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh đang hô hào rằng tiến trình phát triển vắc-xin tốt hơn các quốc gia khác hoặc khẩu hiệu chất lượng được đảm bảo thế này thế kia, chỉ sợ là ngay cả người dân trong nước còn khó để thuyết phục.
Mộc Lan
(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 SARS-CoV-2 virus Trung Cộng vắc-xin Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV