Video diễn tập chiếm bãi biển và đổ bộ của ĐCSTQ lộ điểm yếu
- Thẩm Chu
- •
Ngày 11/10, trang mạng Quân sự Trung Quốc đã đăng một đoạn video có nội dung cho biết: “Mới đây, một lữ đoàn hỗn hợp thuộc Tập đoàn quân 73 đã phát động cuộc tập trận đánh chiếm bãi biển và đổ bộ tại một vùng biển phía nam Phúc Kiến, nhằm kiểm tra toàn diện năng lực tác chiến vượt biển của cán bộ chiến sĩ.” Cuộc tập trận này rõ ràng là mô phỏng một cuộc đổ bộ lên đảo Đài Loan, nhưng nội dung video có chi tiết gây bất ngờ.
Tập đoàn quân 73 bao gồm những lực lượng đổ bộ nào?
Chiến khu Đông bộ của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có 3 tập đoàn quân lần lượt là 71, 72 và 73, lần lượt đóng quân tại Từ Châu (tỉnh Giang Tô), Hồ Châu (tỉnh Chiết Giang) và Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến). Cuộc tập trận trong video có lẽ là lữ đoàn đổ bộ hỗn hợp thuộc Tập đoàn quân 73, hoặc lữ đoàn hỗn hợp hạng nhẹ.
Biên chế của Tập đoàn quân 73 đại thể bao gồm:
- 2 lữ đoàn đổ bộ: Được trang bị phương tiện đổ bộ bánh xích Type 05, có thể thực hiện đợt đổ bộ đầu tiên cùng với lực lượng Thủy quân lục chiến, nếu không có đủ tàu đổ bộ thì chỉ có thể chờ đợt hai.
- 2 lữ đoàn hỗn hợp hạng nhẹ: Có thể được trang bị xe chở quân và cần được vận chuyển bằng tàu đổ bộ lớn; nếu làn sóng đổ bộ đầu tiên được bố trí, thì chỉ có thể ngồi tàu đổ bộ để phân tán quân đổ bộ.
- 1 lữ đoàn hỗn hợp cỡ trung bình: Có thể được trang bị xe bọc thép bánh lốp Type 11 hoặc Type 92; cần một tàu đổ bộ lớn để vận chuyển, không cách nào đổ bộ trong làn sóng đầu tiên, chỉ có thể đợi chiếm lĩnh bến bãi xong thì mới có thể tiếp tục đổ bộ.
- 1 lữ đoàn hỗn hợp hạng nặng: Cần được trang bị xe tăng Type 96 và xe bọc thép Type 04; cần một tàu đổ bộ lớn để vận chuyển; không thể đổ bộ trong đợt đầu tiên và chỉ có thể chờ đổ bộ sau khi chiếm bãi biển.
- 1 lữ đoàn hoạt động đặc biệt: Ước tính nó có thể được sử dụng để đổ bộ phân tán binh lính.
- 1 lữ đoàn pháo binh: Cần có một tàu đổ bộ lớn để vận chuyển; không thể đổ bộ trong đợt đầu tiên mà chỉ có thể đổ bộ sau khi đã chiếm được đầu bãi biển.
- 1 lữ đoàn hàng không lục quân: Có thể được trang bị một số máy bay trực thăng, nhưng tàu tấn công đổ bộ Type 075 của ĐCSTQ hiện chỉ có một chiếc ở Chiến khu Nam bộ, tàu đổ bộ Type 071 có thể chứa rất ít máy bay trực thăng, ước tính chỉ có thể đợi tiếp theo, không thể tham gia chiến tranh đổ bộ; dù có miễn cưỡng tham gia thì cũng khó đối phó với tên lửa Stinger của Đài Loan.
- 1 lữ đoàn phòng không, 1 lữ đoàn công nghiệp và hóa học, và 1 lữ đoàn chi viện hậu cần: Chỉ có thể chờ đợi để thực hiện chi viện sau các cuộc đổ bộ.
Một tập đoàn quân của ĐCSTQ có khoảng 65.000 người, và mỗi lữ đoàn tác chiến trên tiền tuyến là khoảng 6.000 người. Nếu ĐCSTQ khai chiến ở eo biển Đài Loan, Tập đoàn quân 73 có lẽ sẽ đóng vai trò là một trong những lực lượng tấn công chính để đổ bộ. 2 lữ đoàn đổ bộ hỗn hợp có lẽ sẽ mang theo các tàu đổ bộ cỡ lớn, nhưng để tránh bị trúng tên lửa chống hạm, pháo, tên lửa thông thường tấn công, thì cần cần thả xe đổ bộ ở một chỗ xa bãi đổ bộ mười mấy hoặc mấy chục km để xe tự lội trên mặt nước đổ bộ.
Tuy nhiên, video mới nhất từ trang mạng Quân sự Trung Quốc cho thấy, các cuộc tập trận đổ bộ trên tàu đổ bộ cỡ nhỏ có thể không phải là lữ đoàn đổ bộ hỗn hợp với các phương tiện chiến đấu đổ bộ, mà là lữ đoàn hỗn hợp hạng nhẹ hoặc lữ đoàn tác chiến đặc biệt. Cũng có thể là các phương tiện chiến đấu đổ bộ là không đủ, và những người lính còn lại chỉ có thể ngồi tàu đổ bộ.
Chiếc thuyền nhỏ trong video chỉ có thể chứa 10 người. Một lữ đoàn khoảng 6.000 người cần ít nhất 600 thuyền nhỏ. Nếu hai lữ đoàn hỗn hợp hạng nhẹ và một lữ đoàn đặc nhiệm đổ bộ cùng lúc thì cần ít nhất 1.800 thuyền nhỏ. Các lữ đoàn hỗn hợp hạng trung, lữ đoàn hỗn hợp hạng nặng và lữ đoàn pháo binh chỉ có thể đợi cho đến khi chiếm được trận địa đầu thì các tàu đổ bộ cỡ lớn mới có thể cập cảng và bốc dỡ các thiết bị hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép và pháo. Có khoảng 65.000 người trong một tập đoàn quân, thực tế có một nửa không cách nào nhanh chóng tham chiến.
Làn sóng đổ bộ đầu tiên của tàu đổ bộ nhỏ?
Trong video nói trên, những người lính đã lội vào bờ sau khi một tàu đổ bộ nhỏ gồm 10 người cập bến. Họ đã ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ không có khả năng bảo vệ và tấn công. Theo lý thuyết thì sau khi xe chiến đấu đổ bộ thì mới tiến hành đợt đổ bộ phân tán quân thứ 2.
Tuy nhiên, đoạn video cho thấy sau khi các binh sĩ xuống thuyền, đầu tiên là thu dọn chướng ngại vật trên bãi biển, dường như đóng nhiệm vụ quan trọng của đợt đổ bộ tấn công đầu tiên. Trong chiến tranh hiện đại, những cuộc tập trận như vậy gần như không thể tin được, và tương đương với mô hình đổ bộ khi quân Mỹ bắt đầu phản công vào giai đoạn đầu cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.
Ngay cả trong phần sau của Chiến tranh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã bắt đầu sử dụng các phương tiện chiến đấu đổ bộ với số lượng lớn, thay vì chỉ sử dụng tàu đổ bộ. Đã 76 năm trôi qua, các binh sĩ của quân đội ĐCSTQ vẫn đang tập trận đổ bộ cỡ nhỏ. Đối mặt với tính sát thương của vũ khí hiện đại, họ cực kỳ thiếu khả năng sinh tồn và khó có thể đạt được mục đích đổ bộ. Các bài tập như vậy giống như quay video hơn và không có ý nghĩa thực tế.
Tất nhiên, ĐCSTQ có thể phải đối mặt với thực tế, nếu không giành được ưu thế trên biển và trên không ở eo biển Đài Loan, các tàu đổ bộ lớn của ĐCSTQ có thể sớm bị phá hủy, các xe chiến đấu đổ bộ sẽ không còn sử dụng được, tàu đổ bộ gần như đã trở thành phương thức duy nhất của họ để đổ bộ trên diện rộng.
Trong video trên trang mạng Quân sự Trung Quốc, cuộc tập trận được thực hiện trong một vịnh nhỏ, có thể quan sát được cảnh lên tàu xuống tàu của binh lính từ bờ bên kia. Ngay cả khi quân đội ĐCSTQ coi thường tính mạng binh lính và tổ chức hàng ngàn thuyền nhỏ, thậm chí hàng chục ngàn tàu cùng xuất phát, khoảng cách gần nhất từ bờ biển Phúc Kiến đến Đài Loan là khoảng 200 km, eo biển Đài Loan sóng gió hơn nhiều so với một vịnh nhỏ. Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu chiếc thuyền trong số này có thể vượt qua eo biển an toàn. Một số quân có thể đi tàu lớn trước, sau đó đổi sang thuyền, nhưng nguy hiểm như nhau, mất nhiều thời gian hơn, dễ bị tấn công hơn và chỉ có thể mang theo vũ khí hạng nhẹ nên khó nhận tiếp tế.
Qua một loạt cuộc đổ bộ trong cuộc phản công ở chiến trường Thái Bình Dương, quân Mỹ đã nhanh chóng đúc kết kinh nghiệm, ít nhất bao gồm: sử dụng hỏa lực trên biển và trên không vượt trội để áp chế trận địa của đối phương; nhanh chóng thiết lập trận địa ở vị trí đầu bờ; sau đó tiến hành liên tục các cuộc đổ bộ, tiếp tế, và thiết bị hạng nặng. ĐCSTQ hiện không có những điều kiện này và các video mà ĐCSTQ phát hành chủ yếu là để tuyên truyền chính trị.
So sánh cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Okinawa
Năm 1945, quân đội Mỹ tổ chức chiến dịch đổ bộ lớn nhất trên chiến trường Thái Bình Dương – Trận Okinawa (Battle of Okinawa), kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6/1945, thời gian gần 3 tháng. Trận chiến này được mô tả là “bão thép” (Typhoon of Steel) trong tiếng Anh và “mưa thép” trong tiếng Nhật. Có thể thấy trận chiến diễn ra ác liệt và hỏa lực dày đặc.
Đảo Okinawa có diện tích 1.206,49 km vuông, bằng 1/30 của Đài Loan. Quân đội Mỹ từ bỏ cuộc tấn công vào Đài Loan, tất nhiên là để giảm thương vong và kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Căn cứ Okinawa đủ để quân đội Mỹ làm bàn đạp tấn công.
Trong trận Okinawa, quân đội Mỹ đã có tổng cộng 541.000 người tham chiến, bao gồm 183.000 lính mặt đất, trong đó có 102.000 lính lục quân và 88.000 lính thủy đánh bộ, con số này đã tăng lên khoảng 250.000 trong giai đoạn sau đó. Hiện tại, 3 tập đoàn quân ở Chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ có tổng cộng dưới 200.000 người.
Để chuẩn bị cho Trận Okinawa, Hải quân Mỹ đã tập hợp 1.300 tàu, trong đó có 40 tàu sân bay, 18 thiết giáp hạm và hơn 200 tàu khu trục. Hạm đội Anh có 50 tàu, bao gồm 17 hàng không mẫu hạm và 450 máy bay, có nhiệm vụ quét sạch các mối đe dọa trên không từ các đảo xung quanh, bao gồm cả phía bắc Đài Loan. Lực lượng liên quân còn có các tàu hải quân của Canada, New Zealand và Australia. Hải quân của ĐCSTQ hiện không thể giành được quyền kiểm soát trên biển xung quanh eo biển Đài Loan. Đối mặt với Hạm đội 7 của Mỹ, hạm đội đồng minh và các cuộc không kích, nếu hạm đội lớn của ĐCSTQ buộc phải tiếp cận đảo Đài Loan, thì có khả năng bị xóa sổ hoàn toàn.
Quân đội Nhật Bản đã triển khai gần 80.000 lính thủy đánh bộ ở Okinawa. Hiện có khoảng 180.000 người bảo vệ ở Đài Loan.
Vào thời điểm đó, hải quân Nhật Bản về cơ bản đã kiệt sức và nhường lại quyền kiểm soát trên biển. Tàn dư của lực lượng không quân Nhật Bản cũng không thể có được quyền kiểm soát trên không, chủ yếu dựa vào các cuộc tấn công liều chết để cố gắng ngăn chặn hạm đội Mỹ. Nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, không quân ĐCSTQ sẽ chỉ trải qua một cuộc chiến tranh tiêu hao quy mô lớn với không quân Đài Loan, và cuối cùng có thể giành được quyền kiểm soát trên không, nhưng cần phải hoàn thành trước khi đổ bộ. Tuy nhiên, nếu Mỹ và liên quân tham chiến, không quân ĐCSTQ sẽ không có cơ hội chiến thắng.
Trong trận Okinawa, quân đội Mỹ đã kiểm soát trên biển và trên không, quân Nhật về cơ bản đã từ bỏ bãi biển, chuyển sang chống lại trong núi, rừng cây, vách đá dựng đứng và hang động kiên cố. Quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc bắn phá hải quân lớn nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Hiện nay, các tên lửa tầm ngắn của ĐCSTQ có thể thực hiện đợt tấn công đầu tiên, nhưng ĐCSTQ không có tàu khổng lồ chở pháo như của Thế chiến thứ II để có thể hỗ trợ pháo binh quy mô lớn ở cự ly gần. Khi đó, 650 máy bay trên tàu sân bay của Mỹ cũng tấn công dữ dội vào Okinawa và có thể yểm trợ mặt đất bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn phải chịu tỷ lệ thương vong 48%, cao nhất trong lịch sử, khiến trận chiến này trở thành trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương và trận chiến đẫm máu thứ hai trong Thế chiến thứ II.
Có 14.009 đến 20.195 người Mỹ thiệt mạng hoặc mất tích, 38.000 đến 55.162 người bị thương; 221 xe tăng bị phá hủy, 12 tàu khu trục, 15 tàu đổ bộ và 9 tàu khác bị chìm, 386 tàu bị hư hỏng và tổn thất 763 đến 768 máy bay.
Quân Nhật có 77.166 người tử trận, hơn 30.000 lính nghĩa vụ tại Okinawa tử vong và 7.000 – 15.000 người bị giết; 1 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm hạng nhẹ, 5 khu trục hạm và 9 thiết giáp hạm khác bị đánh chìm; 1.430 máy bay bị mất; 27 xe tăng bị phá hủy, 743 đến 1712 pháo hạng nặng, súng chống tăng, súng cối và súng phòng không cũng bị phá hủy.
Hiện tại, Đài Loan có một số lượng đáng kể các loại tên lửa phòng không và chống hạm; có 113 máy bay chiến đấu F-16, 103 máy bay chiến đấu Ching-kuo và khoảng 46 chiếc Mirage-2000. Ngoài ra còn có một số lượng đáng kể pháo, xe tăng và thiết giáp các phương tiện; còn có quân đội Mỹ với kinh nghiệm đổ bộ dày dặn nhất trên thế giới đang giúp quân đội Đài Loan huấn luyện. Quân đội của ĐCSTQ, vốn thiếu ưu thế trên biển và trên không, cho nên việc chuẩn bị chủ yếu dựa vào tàu đổ bộ để đổ bộ vào Đài Loan là chuyện hoang đường. Tuy nhiên, cách này cũng có thể là biện pháp duy nhất có thể thực hiện hiện nay của ĐCSTQ.
Theo Thẩm Chu, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan quân đội Trung Quốc Quân đội Mỹ Diễn tập quân sự Dòng sự kiện Trung Quốc tấn công Đài Loan