27 điều “Không” người đến tuổi trung niên cần khắc ghi
- Thiên Cầm
- •
“Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc”, 30 tuổi có thể lập thân, 40 tuổi không bị mê hoặc. Con người đến tuổi trung niên thì tư tưởng, sự nghiệp, mọi phương diện đều đã tương đối ổn định.
Đến tuổi trung niên, con người càng cần có một thế giới quan kiên định của bản thân, không còn bàng hoàng, thảng thốt trước nhân tình thế thái. Đặc biệt là trong cuộc sống, con người có thể hiểu được rằng có những việc không chính đáng, chỉ để thỏa mãn chút đỉnh tự tư, kỳ thực đôi khi ngẫm lại, đến cuối cùng cũng chỉ là hư không… Đồng thời, con người đến tuổi trung niên có những thứ không thể thiếu, nhất định phải nhớ kỹ.
Chín điều “không quá”
Mặc không quá ấm
Quần áo mũ mão không nên quá ấm áp, cũng không được quá phong phanh, quá ấm dễ cảm mạo, quá lạnh lại dễ thương hàn.
Ăn không quá no
Cơm ăn no 7, 8 phần là đủ, đồ ăn tinh thô kết hợp, thịt và chay xen lẫn. Trước khi ăn cơm nên uống canh, không hút thuốc, không uống rượu.
Ở không quá rộng
Cần tuỳ cảnh mà an, nhà cửa sạch sẽ, dễ chịu là được, không cần tranh hoàng quá lộng lẫy, huy hoàng. Như vậy rất dễ nổi tâm tranh đoạt mà thoái hoá, biến chất.
Đi không quá nhanh
Nếu sức khoẻ cho phép, hãy cố gắng đi bộ thay vì bắt xe. Nếu ra ngoài đều xe cộ đón rước, lâu ngày chân ắt sẽ mất đi sự linh hoạt, nhanh nhẹn.
Làm không quá sức
Cường độ lao động là có giới hạn, quá sức sẽ khiến cơ thể bị tổn thương, nên cần chú ý kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài 8 tiếng làm việc hàng ngày ra, cần phải nghỉ ngơi hợp lý.
Nhàn không quá nhác
Những ngày cuối đời thường nhàn rỗi, dễ mất đi hứng thú với cuộc sống, tâm ý nguội lạnh, biếng nhác. Cho nên, dẫu nghỉ hưu ở nhà, cũng cần tham gia nhiều hoạt động như đi dạo, nói chuyện phiếm, viết chữ, vẽ tranh, đánh cờ, xem kịch, đọc sách xem báo. Chăm chỉ động não, giữ được tâm trạng khoáng đạt, mới có thể tăng tuổi thọ.
Giận không quá đà
Dẫu trong tâm phiền não, cũng không được nổi cơn thịnh nộ, tức giận sẽ tổn hại cho gan. Cần học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, tu dưỡng thân tâm, lạc quan xử thế.
Danh không quá cưỡng cầu
Danh lợi đều là vật ngoài thân, khi sinh không mang đến, khi tử chẳng mang theo. Danh lợi chỉ là mây khói chớp mắt sẽ qua đi mà thôi.
Lợi không quá trọng
“Tửu sắc tài khí” ta chẳng ham, “phong hoa tuyết nguyệt” cũng chẳng màng. Vô dục vô cầu, không vướng mắc, tri túc thường lạc, thuận lẽ thường, cát tường mọi lẽ.
Chín điều “không biết”
Không biết trân quý, thì dẫu ngồi trên núi vàng cũng chẳng hạnh phúc
Mối quan hệ giữa người và người hoặc là sinh ly, hoặc là tử biệt. Không ai có thể cùng bạn đi hết chặng đường đời. Vậy nên hãy trân quý những người bên cạnh bạn, đừng để tới khi mất đi mới thấy nuối tiếc.
Không biết khoan dung, dẫu lắm bạn, cuối cùng họ cũng rời xa
Nước quá trong thì không có cá, người quá khắt khe thì chẳng có bạn. Mỗi người đều có khuyết điểm của riêng mình, mỗi người cũng đều có những lúc phạm sai lầm. Khoan dung với người khác, cũng là tha thứ cho chính mình.
Không biết cảm ơn, dẫu ưu tú cũng khó thành công
Chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng. Những kẻ vô ơn vong ân phụ nghĩa, có thể đắc được cái lợi nhất thời, nhưng lại gây tổn hại tới thanh danh của bản thân. Uy tín hễ mất, thì chẳng thể vực dậy.
Không biết hành động, dẫu thông minh cũng khó vẹn ước mơ
Học cần đi đôi với hành, biết là biết, mà hành động là hành động. Hiểu biết trên giấy là điều nông cạn, bắt tay hành động mới là việc nên làm.
Không biết hợp tác, dẫu nỗ lực cũng khó thành đại sự
Một hàng rào có ba chiếc cọc, một hảo hán cần ba người giúp. Hợp tác mới có thể thành đại sự.
Không biết tích luỹ, dẫu nhiều tiền cũng khó giàu sang
Nhà cao chín tầng bắt đầu từ những viên gạch, hành trình ngàn dặm khởi đầu từ những bước chân. Đừng mong tưởng một đêm thành tỷ phú, hay nổi danh trong một ngày. Những gì dễ được cũng thường dễ mất. Mọi thứ đều cần thực tại bền vững, tích luỹ từng chút một.
Không biết thoả mãn, dẫu giàu sang cũng khó hạnh phúc
Tri túc bất nhục, biết dừng không nguy. Biết đủ mới không gặp tai vạ. Con người không phải là không hạnh phúc, chỉ là không biết đủ.
Không biết dưỡng sinh, dẫu trị bệnh cũng khó trường thọ
Phòng bệnh hơn dưỡng bệnh. Hễ có bệnh, thì dẫu chữa khỏi cơ thể cũng đã bị tổn thương. Cho nên, trong cuộc sống thường nhật cần chú trọng tới sức khoẻ, chú ý tới ăn uống, ngủ nghỉ, vận động, dưỡng thân rồi phải biết cả dưỡng tâm. Điều này quan trọng hơn hết thảy.
Không biết sống, thì dẫu sống lâu cũng vô vị
Có những người cả một đời gặp rất nhiều trắc trở, nhưng vẫn luôn nhiệt thành yêu cuộc sống, là vì họ biết sống. Họ có quá nhiều niềm vui, vậy nên cuộc sống hiển hiện trước mắt họ quá đỗi kinh ngạc và đầy hứng khởi. Biết sống mới biết yêu cuộc sống.
Chín điều “không thể”
Không thể lợi dụng lương thiện
Người có thiện niệm, Trời ắt bảo hộ. Lợi dụng sự lương thiện của người khác là sự lừa gạt chẳng thể dung thứ.
Không thể lừa gạt tình cảm
Trong tình cảm không có đúng sai, nhưng có thật giả. Dẫu kết cục thế nào, chỉ cần chân thành thì đều xứng đáng. Lừa gạt tình cảm, không chỉ hại người mà còn hại mình.
Không thể đùa bỡn sự chân thành
Bạn đùa bỡn người khác một lần, người khác sẽ không còn tín nhiệm bạn. Tấm chân tình đổi lại được tấm chân tình, bạn giả dối thì người đành phải quay đầu bước đi.
Không thể thiếu tình bạn
Ở nhà dựa vào cha mẹ, ra ngoài dựa vào bạn bè. Nhiều bạn mới có thêm nhiều ngã rẽ.
Không thể nói lời suông
Con người đến tuổi trung niên, tâm tình ngày càng trở nên hàm xúc. Đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái những suy tư ấy sẽ thể hiện trong hành động chứ không thể chỉ nằm trong lời nói.
Không thể bội bạc
Không ai nhất định phải tha thứ cho ai, bội bạc một lần, có thể sẽ có lần thứ hai, dẫu không tính toán nhưng cũng chẳng thể thứ tha.
Không thể tuyệt vọng
Dẫu cuộc sống trước mắt gian nan thế nào, xin hãy hy vọng vào tương lai. Chỉ cần hướng về phía trước, ắt có đường cho chân ta bước. Thượng đế chỉ cứu những người còn hy vọng.
Không thể lãng quên ơn huệ
Quạ cũng nhớ nghĩa mớm mồi, dê còn biết ơn mà quỳ bú sữa. Kẻ vong ơn bội nghĩa khi lâm cảnh hoạn nạn thì người khác cũng chẳng thể giang tay cứu vớt.
Không thể tham
Trong Đạo Đức Kinh nói rằng: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc, cố tri túc chi túc thường túc hĩ”, ý là “Hoạ hại không gì lớn hơn việc không biết đủ, tội lỗi không gì lớn hơn tham dục đắc được, cho nên biết đủ thường sẽ đủ.”
Người đến tuổi trung niên lẽ đời đã phần nào thông tỏ, cũng đã có thể trầm tĩnh đối đãi trước thế sự vô thường. 27 điều “Không” trong cuộc sống sẽ khiến bạn thêm phần hạnh phúc và tự tại.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa sức khỏe dưỡng sinh hạnh phúc dưỡng thận Tuổi trung niên dưỡng tâm