“Âm nhạc là phương tiện tiêu khiển tuyệt diệu nhất thế gian. Âm nhạc lại là dây liên lạc đẹp đẽ nhất để nối tình hữu ái.”

Bác sĩ Frank Crane

Món quà đã làm cho tôi sung sướng nhất là một cây đàn kìm (đàn nguyệt) cỡ nhỏ mà cô tôi cho tôi lúc tôi 14 tuổi. Lúc ấy, tôi đã biết đàn mấy bản dễ như Bình bán văn, Khổng Minh tọa lầu, mà mấy ngón tay của đứa trẻ 14 tuổi đối với phím đàn to thì ngắn quá, nên cô tôi đã mua cho một cây đàn nhỏ vừa với tay tôi. Món quà ấy làm tôi sung sướng bao nhiêu thì làm cho người anh họ tôi bực mình bấy nhiêu. Anh ấy nhà giàu, thấy tôi mồ côi cha mẹ từ thuở bé nên lo cho tôi ăn học để có nghề nghiệp với người ta nên đã phàn nàn với cô tôi rằng:

“Cho em nó cây đàn, nó sẽ mê đàn mà bỏ học, sau này nó sẽ hư thân. Lúc có nghề nghiệp rồi thì chơi cũng không muộn. Đàn dịch mất thì giờ, lại cho nó có dịp để chơi bời.”

Rồi anh đến tìm tôi :

“Anh Hai thấy em có cây đàn, lo rằng em đàn bỏ bê sự học anh Hai đến cắt nghĩa cho em thấy chỗ hơn thiệt. Anh sẽ lấy cây đàn của em mà cất đi, đến ngày em thi đậu sơ học anh sẽ trả lại cho em. Bây giờ anh đền cho em… một cây dù để che mưa nắng khi em đi học.”

Tuy không dám cãi lời người anh họ, nhưng hôm ấy cất cây đàn đi, tôi thấy đau lòng như mất một người bạn thân.

Mà biết bao nhiêu người Việt trước kia cũng như người anh họ của tôi, thường cho rằng âm nhạc là một thú vui tiêu khiến không cần thiết, và cả nhiều thành kiến về âm nhạc.

Nhưng nếu chúng ta thử xét một cách khách quan, thì âm nhạc không phải chỉ là thú vui làm mất thì giờ, mà âm nhạc rất bổ ích chẳng những cho một cá nhân, mà cho cả một xã hội, một phong trào.

Âm nhạc và những nhà Nho

Các bạn có lẽ cũng như tôi, đã thường nghe mấy câu chữ Nho như “Xướng ca vô loài” (người hát xưởng hèn hạ không ra gì). Đối với những người thích ca hát, nhà Nho có một thái độ khinh bỉ. Nếu nhà Nho không chê hẳn cây đàn cầm, và nhìn nhận rằng cầm, kỳ, thi, hoạ là bốn thú vui tao nhã nhất, nhà Nho cũng dành riêng âm nhạc cho những bực mày râu, và thường đem mấy câu “Nam đa kỳ tắc suy, nữ đa cầm tắc dâm” mà không cho các chị em phụ nữ học nhạc (con trai mê đánh cờ thì hư hỏng, con gái mê đàn thì làm bậy).

Có lẽ nhiều bạn, cũng như tôi trước kia đã lầm tưởng rằng các nhà Nho vì chịu ảnh hưởng của Khổng, Mạnh, nên không trọng âm nhạc.

Nhưng thật ra thì theo Khổng tử, âm nhạc không phải chỉ là một thú tiêu khiển tầm thường, mà âm nhạc chiếm trong chương trình giáo dục của trẻ em một địa vị rất quan trọng. Nhìn vào chương trình tiểu học thuở xưa bên Trung quốc bạn sẽ thấy rằng sáu môn được dạy cho trẻ em là: “Lễ, nhạc, xạ, ngự, thự, số” theo thứ tự quan trọng của mỗi môn. Phải học lễ phép trước hết (Tiên học lễ, hậu học văn kia mà). Rồi học đánh đàn, bắn tên, cưỡi ngựa, rồi mới học đến văn chương và toán pháp. Tôi không cho rằng chương trình ấy toàn mỹ nhưng tôi muốn chỉ cho các bạn thấy rằng trong nền giáo dục Khổng, Mạnh, âm nhạc được coi là rất cần thiết. Bạn có lẽ cũng biết rằng trong ngũ kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, có một quyển nói riêng về nhạc. Nhưng sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách (năm 213 trước Thiên Chúa giáng sinh) thì Kinh Nhạc thất lạc đi nay chỉ còn Kinh Thư và Kinh Lễ có mấy chương nói về nhạc.

Bạn biết chăng Đức Khổng Tử đánh đàn cầm rất hay và có sáng tác ra mấy bản đân mà ông Maurice Courant trong luận án Tiến sĩ của ông về cổ nhạc Trung Hoa đã chép lại bản Ỷ Lan. Bạn biết chăng lúc Khổng Tử ở nước Tề, một hôm nghe một người đàn một bản nhạc hay, cảm động quá đến ba tháng sau không thèm ăn thịt. Lúc còn sanh tiền, dưới trào nhà Châu, trong đền nhà vua có đến 1.400 nhạc công. Những văn nhân, thi sĩ trải qua các thời đại đều không có tỏ ý khinh thường âm nhạc. Những thi nhân danh tiếng đời Thịnh Đường thường ca tụng âm nhạc.

Lý Kỳ trong bài “Cầm Ca” có câu: “Nhất thanh di động, vật giai tĩnh” (Một tiếng đàn nổi lên, vạn vật đều êm lặng).

Lý Thái Bạch, trong bài “Thính Thục Tăng Tuấn đàn cầm” (Nghe Thục Tăng Tuấn đàn cầm) có câu: “Khách tâm tẩy lưu thủy” (Như dòng nước trôi, tiếng đàn rửa sạch cõi lòng của người nghe nhạc).

Bạch Cư Dị trong bài “Tỳ Bà Hành” có câu: “Hốt văn thuỷ thượng tỳ bà thanh, Chủ nhân vong quy khách bất phát” (Chợt nghe trên sông có tiếng tỳ bà, Chủ quên trở lại, mà khách cũng chậm vội về). Người xưa cũng nghe đàn đến quên về, đến rơi lệ. “Mãn tọa văn chỉ giai yếm khấp” không phải chỉ một mình nhà thi sĩ khóc, mà tất cả những người ngồi nghe đều giọt vắn giọt dài. Riêng thi sĩ thấy nguồn hứng rạt rào, mới “vị quân phiên tác tỳ bà hành”, vì nàng thiếu phụ đánh đàn tỳ bà, mà đặt ra một bài trường ca đến 622 lời.

Như thế thì bạn thấy rằng từ Đức Khổng Tử đến những bậc thâm Nho bên Trung Quốc chẳng những không khinh thường mà còn trọng âm nhạc. Trong nước ta sở dĩ có một đôi câu nói ra bằng chữ Hán nhưng chẳng phải trích trong sách có điển, như những câu “Xướng ca vô loại” chỉ vì trong xã hội Việt Nam thời thời xưa phần đông những người lấy giọng ca tiếng hát làm nghề nuôi miệng, như những cô đầu hay những đào kép hát bộ, không có một nhân cách dứng đắn. Trong 4 thú chơi tao nhã nhất, nhà Nho đã để âm nhạc đứng đầu (Cầm, kỳ, thi, họa). Nhưng nghề âm nhạc bị khinh thường. Ngày xưa cha của Đào Duy Từ làm nhạc công trong triều đình. Vì thế ông tuy học giỏi mà chẳng được phép đi thi.

Xã hội Việt khi xưa chỉ cho âm nhạc là một món tiêu khiến thôi, chớ không phải một môn cần thiết trong nền giáo dục của con người.

Âm nhạc phải được gọi là một môn cần thiết trong nền giáo dục của con người

Đứa trẻ vừa lớn lên, cha mẹ cho nó đến trường để nó học bao nhiêu môn mà sau này lúc ra đời chưa chắc nó có dịp dùng đến. Nhưng học để mở rộng kiến văn, những môn dạy ở trường có thể giúp cho đứa trẻ hiểu mọi sự, giúp cho tài năng đứa trẻ được phát triển để sau này có thể phụng sự xã hội một cách đắc lực hơn.

Nếu mục đích của sự giáo dục con người là mở rộng kiến thức, phát triển khả năng và những tánh tốt, thì âm nhạc rất cần thiết cho trẻ em và cho thanh niên.

Âm nhạc có ích gì cho trẻ em?

Bạn thử gọi một đám trẻ nhỏ lại để bạn dạy các em ấy học. Nếu bạn dạy một phép toán, hay dạy đọc chữ, thì bạn sẽ thấy có nhiều em nói chuyện, có em nghịch, có em ngó mông ra đường. Nhưng nếu bạn dạy một bài hát, bạn sẽ thấy hầu hết các em đều chăm chỉ nghe.

Âm nhạc tập cho các em có thể chú ý đến một vấn đề. Bình thường các em hay nghịch, mà nghe nhạc các em có thể ngồi yên. Các em chú ý đến bài hát, đến âm thanh, đến câu hát, nhiên hậu các em chú ý đến lời dạy lời khuyên, lời dặn dò, lời sửa chữa của thầy.

Học một bài hát thích hơn học một bài thuộc lòng, mặc dầu bài thuộc lòng ấy là một bài thơ có giọng có vần. Thích học hát các em luyện tập trí nhớ: hàng ngày vui thích trong sự luyện tập ấy, thì các em sẽ có trí nhớ dai hơn những em khác.

Lớn lên một ít tuổi nữa, học nhạc, nghe nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc hay, óc sáng tác của các em được mở mang thêm.

Rồi đến lúc cùng hát với nhau, mỗi em phải góp tiếng của mình vào một đoàn thể là ban hợp xướng. Cùng hát, các em sẽ thấy đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn, các em cùng rung động với nhau vì một bản đàn, các em góp tiếng chung hát một bài, các em thâu thập được một kết quả chung. Tình thân hữu này nở giữa các em, dây đoàn kết nối liền các em lại. Các em lắc đầu bỏ tính ích kỷ và góp sức của các em vào công cuộc chung của một đoàn thề.

Âm nhạc có ích gì cho người thanh niên?

Học nhạc, đứa trẻ khi trưởng thành vẫn còn phát triển được những đức tánh mà tôi vừa kể cho bạn nghe trong đoạn trước. Ngoài ra người thanh niên còn nhờ âm nhạc nhiều hơn nữa.

Trẻ em thường chỉ học hát. Người thanh niên có thể học hát, học đàn, và học điều khiển một ban hợp xướng hay một giàn nhạc. Nhờ đó người thanh niên có dịp tập nhận lấy một tinh thần trách nhiệm.

Người thanh niên có học nhạc từ nhỏ, tại quen nghe những âm thanh bằng trầm, thì học ngoại ngữ mau hơn một người không biết nhạc.

Học đàn, hát, anh lại có dịp trình bày một bản nhạc, hay một bài ca trước công chúng. Anh sẽ quen với một cử tọa và sau này, nếu phải ra nói trước một đám đông hay trước Quốc hội, anh đã tập sự rồi trong khi anh đàn hát trước một số thính giả. Đành rằng, nhạc không thể giúp cho các bạn thêm tài hùng biện, nhưng âm nhạc có thể giúp cho các bạn tự trấn áp sự bối rối của mình trước điện lực của một đám đông.

Học nhạc, người thanh niên có dịp thưởng thức nhạc của các nhạc sĩ ngoại quốc, dự các nhạc hội quốc tế, gặp gỡ các thanh niên nhạc công, nhạc sĩ ở các phương trời, hay đem tài ra thì thố với các bạn trẻ khác. Học nhạc, trình bày nhạc, người thanh niên, ngoài sự quí trọng những đặc tính cổ truyền trong nền nhạc của nước anh, có dịp tiếp xúc với những nền văn hóa ngoại quốc thấy rõ và thực hành tình thân hữu quốc tế.

Trên đường đời, biết nhạc người thanh niên có nhiều điều lợi hơn những bạn không học nhạc.

Âm nhạc giúp cho bạn làm quen dễ dàng. Âm nhạc giúp cho bạn khi đến ở trọ nhà người lạ, dễ được cảm tình chủ nhà một cách mau chóng. Âm nhạc an ủi bạn trong cơn sầu, thêm hứng thú trong một nguồn vui, gieo ánh sáng chung quanh bạn.

Nếu âm nhạc chỉ có ích cho ngần ấy thì chắc bạn cũng không ngần ngại gì mà học nhạc để cho người bạn được phát triển đầy đủ hơn. Nhưng âm nhạc còn có ích lợi trong bao nhiêu trường hợp khác nữa.

Trong đời sống hằng ngày

Âm nhạc giúp cho người lao công sản xuất nhiều mà đỡ thấy nhọc trong công việc làm

Người chèo đò giữa đêm khuya, các chị công cấy chân lấm tay bùn trong ruộng sâu đầy nước, những người xay lúa giã gạo ở nhà quê đã chẳng lấy tiếng hát câu hò mà quên mệt nhọc, và sự làm việc nhờ đó mà thêm thú vị hơn ư?

Không phải chỉ ở Việt nam, và trong thời đại này, mà từ ngàn xưa ở khắp các nước trên hoàn cầu, người lao động đều nhờ nhạc mà đỡ nhọc nhằn trong công việc (Chữ âm nhạc dùng ở đây với nghĩa rộng của nó: một câu hát, một bài ca, hay một tiết tấu nhịp nhàng theo bộ điệu).

Từ thượng cổ người Hy lạp đã có những điệu hát “bucolasme” cho những người chăn bò khi họ đuổi đàn bò từ vùng đồng bằng lên vùng núi non, điệu hát “lytierse” cho những công gặt lúa mì, điệu hát “hymée” hay “épinutre” cho những người xay lúa mì ra bột, điệu hát “éline” cho những người khòm lưng dệt vải.

Gần đây người phu kéo thuyền ở sông Volga còn để lại bao nhiêu điệu hát nhịp nhàng. Trong mỗi nghề có những bài hát mà tiết tấu phù hợp với những cử chỉ cần thiết trong nghề. Bên Âu châu, có những bài hát cho thợ rèn, thợ mộc, thợ hồ…

Ngày nay, người thủy thủ khi nhổ neo, trương buồm, cũng cất tiếng hát vang. Trong các xưởng, máy móc đã thay người làm bao nhiêu công việc. Nhưng máy móc cũng đã giết bao nhiêu người mà trong phút mệt nhọc, hay lơ đễnh gục đầu vào dây máy. Nay người ta để ý đến rằng, nếu thỉnh thoảng cho công nhân nghe nhạc, thì tai nạn ở các xưởng bớt đi rất nhiều, và sức làm việc tăng lên. Vì thế nên ở các nước văn minh (Mỹ châu, Âu châu) đều có những buổi truyền thanh riêng cho những công nhân. Ở Pháp một ngày hai lượt, ở Anh một ngày ba lượt (Sự dùng nhạc đề tăng sức làm việc không phải mới có đây. Từ xưa, khi Epaminondas cho cất lại đền Messène, ông đã cho giàn nhạc đến đàn mấy điệu Pronomos cho các thợ hồ làm việc nhanh hơn). Ngày nay, người ta đang tìm một cách khoa học coi lối nhạc nào có ảnh hưởng đến sức sản xuất của con người hầu tìm ra những lối nhạc phù hợp với những công việc ở mỗi xưởng.

Âm nhạc lại có thể trị bịnh

Tôi còn nhớ lại ngày tôi mới vào trường thuốc Hà Nội tôi có nói rằng ngày sau lúc tôi ra trường sẽ viết luận án Tiến sĩ Y khoa với đầu đề “Âm nhạc và những bệnh thần kinh”. Tôi thích Y khoa, và tôi yêu nhạc nên tôi nói đùa như thế, mà chuyện tôi nói đùa đã là một chuyện có thật. Sau này tôi có nhiều dịp đọc qua những quyền sách và luận án Tiến sĩ của nhiều Y khoa Bác sĩ đã viết từ lâu về cách trị bệnh bằng âm nhạc (mélothérapie).

Ngày xưa, khi khoa học chưa tiến triển, người ta chưa có thể thí nghiệm ảnh hưởng của âm thanh vào cơ thể con người, thì người ta tin rằng âm nhạc có phép “mầu nhiệm” trị được bệnh.

Theo ông Poincaré, thì Esculape dùng bài hát để trị bịnh. Platon trong quyển Théétète nói rằng nhiều bà mẹ đã dùng những bài hát “tà thuật” (magique) mà làm cho người sản phụ bớt đau.

Ông Combarieu có chép lại bài thơ của nước Phần Lan trong ấy có nói đến một người phù thủy săn sóc vết thương cho một người chiến sĩ bằng cách hát một bài để ếm khí giới và vết thương.

Trong thời đại trung cổ, mấy ông lang băm còn trị bịnh trặt chân bằng cách niệm câu “thần chú”: anté, anté, superanté, anté, superanté.

Nhưng đó chỉ là những tư tưởng dị đoan cũng như bên Việt Nam thuở trước, các thầy phù thầy pháp đăng đàn, hò hét, đánh còn, đọc thần chú để trừ tà ếm quỉ, đề trị bịnh rét, bịnh điên.

Ngày nay khoa học đã tiến một bước rất xa và nhiều nhà sinh lý học có thể dùng máy đo sức làm việc của bắp thịt (ergographe), máy ghi tiếng đập của trái tim mà coi ảnh hưởng của âm thanh, hợp thành (accord) tiếng đàn, tiếng hát với cơ thể của con người.

Từ năm 1743, ông d’Albrecht đã khảo về cách dùng nhạc để trị binh. Quyển sách đầu tiên về những phương pháp khoa học dùng nhạc đề trị bịnh do ông Dogiel viết ra vào năm 1800 đã gợi cho các ông Tarchanof, Binet, và Courtier dùng đề tài “Âm nhạc trị bệnh” mà viết luận án Tiến sĩ Y khoa của các ông ấy. Nhiều bác sĩ đã thâu thập kết quả khả quan, khi các ông đã dùng âm nhạc để trị những bịnh thần kinh. Và cây đàn “orgue” đã giúp các bác sĩ trị những bịnh loạn óc hay làm dịu tánh những người hay cáu.

Bạn thấy chăng? Âm nhạc trong thời bình đã giúp cho lao công đỡ nhọc, tăng sức làm việc của con người, giúp cho bác sĩ trị vài bịnh mà những vị thuốc thường không đem lại kết quả.

[…]

Sau khi xem những hàng trên, chắc bạn đã kết luận hộ tôi rồi. Trong bài, mấy lượt tôi trả lời câu hỏi tôi đã nêu ra. Nếu từ đây, bạn không khinh thường âm nhạc, không cho rằng âm nhạc là một thú tiêu khiển có thể làm mất thì giờ, nếu bạn chịu khó học nhạc, hay bạn nhất định cho con bạn học nhạc, thì tôi đã được mục đích của tôi là giúp cho càng ngày càng đông số người có thể thường thức nhạc, nhờ nhạc mà tiến mãi, dùng nhạc mà phụng sự nhân loại.

Trần Văn Khê
Tạp chí Bách Khoa LVII

Trích đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: