Bây giờ từ thành phố tới nông thôn người ta đều dùng dầu ăn đóng chai bán ở chợ, siêu thị để xào nấu. Hầu như không có người dùng mỡ lợn để xào nấu nữa. Vì dùng dầu ăn để xào, rán mọi thứ nên ở nông thôn, trong căn nhà bếp sẽ có một thứ biến mất.

Đó là âu mỡ lợn.

Âu mỡ lợn đã từng rất phổ biến ở làng tôi. Nhà nào cũng có. Thiếu nó hiển nhiên hoạt động nấu nướng gần như là ngưng trệ vì mỡ lợn được dùng cho đủ món.

Nhà tôi cũng có một âu mỡ lợn nhỏ. Cái âu bằng sứ ban đầu màu trắng, bên ngoài có vẽ cả hoa văn nhưng để ở nhà bếp lâu dần dần bên ngoài nó phủ kín bồ hóng. Đường kính cái âu chắc khoảng một gang tay người lớn. Miệng nó có nắp cũng bằng sứ. Mẹ tôi đặt cái âu đó trong một cái quang nứa nhỏ và treo nó lên giữa nhà bếp. Treo như thế thì lũ mèo nhà tôi chịu chết, chỉ còn biết ngửa cổ lên kêu trời mà thôi. Nhưng việc treo âu mỡ lên như thế không phải chỉ là để tránh lũ mèo ăn vụng. Có treo lên như thế, âu mỡ mới thoát khỏi sự tấn công của hai đứa con trai háu ăn của mẹ.

Trẻ con, thanh niên gen Z trở đi sau này mà nghe chuyện ở quê xưa bố mẹ phải tìm đủ cách ngăn con ăn vụng mỡ lợn chắc sẽ khó tin nhưng sự thật đúng là như thế. Những ngày tháng đó cả làng tôi nghèo xơ xác. Không phải nhà nào cũng có mỡ lợn để xào nấu hàng ngày. Nhà tôi cũng có khi rơi vào cảnh bốn năm ngày không có mỡ lợn để xào, nấu. Khi đó mọi thứ thức ăn phải đem luộc hoặc nấu chay. Tôi đã từng kể trong sách “Mùi của cố hương” rằng khi vào làng chơi tôi đã cảm thấy vô cùng kinh ngạc pha ghen tị khi thấy nhà ông Vĩnh dùng mỡ lợn rán vàng những miếng sắn bung trên chảo. Dám rán sắn như ông Vĩnh là… ăn chơi ghê lắm. Hiếm người ở làng tôi dám làm thế vì nó tốn mỡ. Tháng ba ở làng tôi người ta hay mua cá mắm ngoài chợ về ăn. Những con cá sắt seo to bằng ngón tay, rắn như đá và mặn khủng khiếp đó nếu không được rán bằng mỡ cực kì khó khăn. Thế mà nhiều khi nhà tôi không có mỡ phải nướng nó bằng than, ăn chỉ thấy mặn và mùi khét. Rau bắp cải thái nhỏ xào với cà chua cũng được xào… chay trong chảo.

Vậy nên, muốn ăn mỡ lợn trộn cơm và mắm, một món rất ngon và trẻ con ở quê rất thích, tôi phải xin phép mẹ, đôi khi là khóc lóc cầu xin để mẹ nhấc âu mỡ xuống lấy cho một hai thìa nhỏ. Nếu mẹ đi vắng, hoặc khi mẹ không đồng ý thì hai anh em tôi chỉ có cách… ăn vụng. Cái âu mỡ treo rất cao nên tất nhiên là phải nghĩ đủ cách để lấy xuống. Xong rồi lại phải treo đúng lên trên chỗ cũ.

Mỗi lần mua thịt lợn về ăn, mẹ đều lọc mỡ và bì riêng ra rồi dùng chảo rán lấy mỡ trút vào âu. Mẹ bảo nếu không lọc bì ra khi rán nó sẽ bắn mỡ lung tung. Mà quả đúng thế. Ai rán mỡ thì biết, không cẩn thận mỡ bắn vào mặt thì khốn, bỏng da ngay. Miếng thịt mỡ sau khi rán sẽ vàng ruộm, teo lại thành tóp. Những miếng nào theo dòng mỡ nóng rơi vào trong âu rồi ngủ yên trong đó thì ngon phải biết. Có một miếng tóp nhỏ đó đặt trên bát cơm nguội hoặc cơm nóng rồi tưới nước mắm lên thì chỉ nháy mắt có thể ăn hết bát cơm. Ở chợ người ta cũng bán những miếng mỡ gọi là mỡ lá cho người ta rán lấy mỡ. Mẹ tôi thi thoảng cũng mua loại mỡ này về thái ra rồi đem rán. Sau khi rán xong thu được rất nhiều tóp nhưng tôi thấy loại tóp này ăn giòn và không ngon như tóp rán từ những miếng mỡ lọc từ miếng thịt thông thường. Thích nhất là khi nhà tôi nuôi được con lợn nào đó lớn rồi gọi thợ thịt vào bán cho họ. Khi đó thường nhà tôi sẽ để lại một cái đầu lợn để làm cỗ cúng và một ít thịt có dính mỡ. Mẹ tôi sẽ có một chảo mỡ đầy thịt mỡ để rán. Và tất nhiên trong âu mỡ sẽ có rất nhiều tóp chờ sẵn hai đứa trẻ tham ăn, háu đói.

Tuổi thơ tôi suốt bao lần đã ngồi ở bậc thềm nhà bếp ăn cơm nguội với mỡ như thế. Ăn xong tôi sẽ đội mũ và dong trâu ra đồng. Không cần phải đoán, tôi cũng biết rất nhiều bạn chăn trâu cùng làng đang í ới gọi tôi ngoài kia cũng thế.

Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: