Chuyện Ngô Thì Sĩ đỗ Hội nguyên nhờ bị ốm
- Trần Hưng
- •
Ngô Thì Sĩ là một nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Ông được Phan Huy Chú đánh giá là “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu”. Tuy nhiên con đường khoa cử của ông cũng không được suôn sẻ, do bị lắm kẻ ghen ghét đố kỵ.
Đỗ đầu kỳ thi Hội nhờ bị ốm
Họ Ngô làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội) là dòng họ nổi tiếng hay chữ. Theo gia phả dòng họ thì “thủy tổ gặp thời loạn lưu lạc sang Thiên triều (Trung Quốc) hơn 20 năm mới trở về vào cuối Trần, xây dựng dương cơ ở thôn Tổ Thị, làng Tả Thanh Oai”. Đến đời thứ 31 họ Ngô có Ngô Trân, hiệu là Đan Nhạc, văn chương uyên bác, là một trong “Tràng An thất hổ” nổi tiếng Kinh thành Thăng Long.
Ngô Trân có người cháu nội là Ngô Thì Sĩ, năm lên 7 đã được ông dạy chữ nghĩa. Năm lên 11 tuổi Ngô Thì Sĩ ra Thăng Long tìm học với các vị danh Nho lúc đó là Nghiêm Bá Đĩnh, Nhữ Đình Toản.
Năm 1743, Triều đình tổ chức khoa thi, Ngỗ Thì Sĩ năm ấy 17 tuổi đăng ký dự thi và đỗ kỳ thi Hương (tức cử nhân), nhưng vào đến thi Hội thì bị đánh rớt.
Năm 1752, Ngô Thì Sĩ lại dự kỳ thi Hội và lần này bị trượt. Trong “Vũ Trung tùy bút” có mô tả lại rằng:
Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, văn chương lại khác hẳn lối cũ nên bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ (Trịnh Doanh) biết có cái thói tệ ấy, nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy.
Năm 1756, Ngô Thì Sĩ đỗ đầu trong một kỳ thi tuyển người, trở thành một thành viên trong “văn ban” của phủ Chúa, được giao trách nhiệm soạn thảo giấy tờ và tùy giảng cho Thế tử Trịnh Sâm.
Đến năm 1766 Triều đình mở khoa thi, Ngô Thì Sĩ đăng ký dự thi. Nhưng đến kỳ thi Hội thì ông bị bệnh tả, vượt qua được tam trường, đến trường tứ thì ông bị nặng rất mệt nên chỉ làm qua loa cho xong.
Các quan chấm quyển vẫn ghét và có ý đánh rớt Ngô Thì Sĩ. Trong “Vũ Trung tùy bút” mô tả lại rằng:
Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào thi trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển, bảo “Quyển này, kim văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương, lại bảo nhau “Quyển này, văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”. Vì họ hồ đồ, không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng, nên Thì Sĩ mới chiếm Hội nguyên.
Đỗ Hội nguyên tức cao nhất trong kỳ thi Hội, vào thi Đình, ông đỗ Hoàng giáp.
Thời ấy không chỉ có Ngô Thì Sĩ, một người khác Phạm Vĩ Khiêm cũng gặp phải cảnh tương tự. Vĩ Khiêm tử nhỏ đã có khí khái khác người, lớn lên học giỏi, danh tiếng bay đến tận phủ Chúa, lối hành văn cũng khác với thông thường khiến nhiều kẻ ghen ghét. Năm 1779, Phạm Vĩ Khiêm biết nhiều kẻ ghét văn của mình nên đổi tên là Phạm Nguyễn Du rồi dự thi. Ông đổi cách viết văn, nên các quan không thể biết là lời văn của ông, đến khi ráp phách công bố tên thì Phạm Vĩ Khiêm đỗ Hội nguyên.
Nhà sử học nổi tiếng
Năm 1770 Ngô Thì Sĩ làm Tham chính Nghệ An. Năm 1771 ông coi việc chấm thi ở trường thi Nghệ An, có người kiện ông vì ăn đút lót của học trò, ông bị xử “hoàn dân thụ dịch” tức là làm dân thường và chịu sai dịch vào năm 1772. Ngô Thì Sĩ đóng cửa ở nhà viết sách.
Năm 1774 chúa Trịnh Sâm đi tuần phương nam, mới tìm hiểu sự việc và biết ông bị oan. Năm sau ông được triệu vào Kinh làm Hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm Hiệu chính quốc sử.
Ít lâu ông được thăng làm Thiêm đô Ngự sử, ông tâu lên 4 việc:
- Xin định rõ phép khảo xét các quan.
- Xin sửa sang luật lệ kiện tụng.
- Xin truy tôn các bậc tiên nho.
- Xin sửa lại thể thức làm văn.
Lúc này ở Lạng Sơn bị mất mùa, đói kém, dân phải bỏ xứ, tình hình hỗn loạn, người chết rất nhiều. Triều đình cử Ngô Thì Sĩ đến làm Đốc trấn Lạng Sơn. Đến Lạng Sơn ông chiêu dụ dân đến khai khẩn ruộng hoang, tự ông phải đôn đốc việc cày bừa. Khi rảnh rỗi thì ông đi các nơi tìm hiểu dân tình.
Hơn 30 năm làm quan Ngô Thì Sĩ đề xuất rất nhiều vấn đề về thi cử, thuế khóa, nông nghiệp. Ông dành nhiều ưu ái cho các sĩ tử và nông dân.
Trong văn học, lịch sử, Ngô Thì Sĩ có đóng góp rất lớn, là người thành lập Ngô gia văn phái.
Những tác phẩm lịch sử của ông mang lại giá trị to lớn đến tận ngày nay: Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần Đại Việt sử ký tục biên (riêng cuốn này biên soạn chung với các tác giả khác).
Năm 1780, Ngô Thì Sĩ đi công cán ở ải Nam Quan, trên đường về thì ghé qua nghỉ ở động Nhị Thanh, về đến nhà thì người rất mệt rồi mất.
Các con ông đều là những người có tiếng như Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương, ông cũng là nhạc phụ của danh sĩ Phan Huy Ích.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng nhà Lê Trịnh