Con người không chỉ ở ham muốn danh lợi, tiền tài là cần phải biết tiết chế mà ở phương diện ẩm thực cũng phải biết tiết chế, không chấp nhất vào bất kể loại đồ ăn nào, đặc biệt là “mỹ vị”, đồ ăn ngon. Ẩm thực chỉ nên ăn bảy phần nóng, tám phần no, biết đủ mới thường vui, tinh thần mới thoải mái, sức khỏe mới dồi dào.

Đạo ẩm thực của cổ nhân: Mỹ vị không thể ăn nhiều
(Tranh: Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)

Xem trong các sách cổ có thể thấy, không ít quan văn võ tướng xưa chỉ bởi vì ham mê rượu thịt mà làm chậm trễ việc đại sự, thậm chí mất mạng. Cũng có không ít bậc quân vương vì ham mê mỹ vị mà mất nước mất thân.

Trong “Chiến Quốc Sách” ghi rằng, một lần vua của nước Ngụy là Ngụy Huệ Vương mở tiệc chiêu đãi chư hầu các nước. Đúng vào lúc rượu đang nồng, Ngụy Huệ Vương kính rượu vua nước Lỗ là Lỗ Cộng Công. Lỗ Cộng Công đã cảnh tỉnh rằng:

Vua của nước Tề là Tề Hoàn Công có một đêm thấy đói bụng, Dịch Nha liền làm mỹ vị (món ngon) dâng lên, Tề Hoàn Công ăn rất no, đặt mình xuống là ngủ đến khi trời sáng vẫn còn chưa tỉnh. Sau khi tỉnh lại ông nói: “Hậu thế tất có kẻ vì ham mỹ vị mà vong quốc!”

Kỳ thực, ăn uống quá độ là thói quen không tốt mà hầu như ai ai cũng biết. Tuy nhiên khi đối mặt với đồ ăn ngon, cao lương mỹ vị, mùi hương hấp dẫn thì không phải ai cũng có thể tiết chế được dục vọng ăn uống của mình. Có người còn bị chết bất đắc kỳ tử sau khi ăn uống quá no say, lại cũng có nhiều người bởi vì ăn uống quá độ mà tổn thương thân thể.

Trong ăn uống, cổ nhân dạy: “Bảy phần nóng, tám phần no”, “Trà thô cơm nhạt, no là được rồi. Vá chỗ rách, che chỗ rét, ấm thì thôi!”. Những lời này quả thực là lương ngôn khuyến thiện, răn dạy con người trong cách ăn ở. Hiểu được tiết chế dục vọng và ăn uống phù hợp thì không chỉ có lợi cho sức khỏe thân thể và sức khỏe tinh thần mà đó còn là trí tuệ ngăn chặn mầm tai họa về sau.

Khi cuộc sống còn khó khăn, phải lo cái ăn cái mặc, đối với một người mà nói, mỹ vị là thứ vô cùng hiếm có được. Nhưng khi đã có kinh tế sung túc thì mỹ vị là thứ có thể tiếp xúc hàng ngày. Người đã nếm được mỹ vị rồi mà có thể hiểu được ăn uống điều độ, không bị sa đà vào ăn ngon, không bị mỹ vị chi phối thì mới là người sáng suốt, có bản lĩnh.

Đạo gia có cách nói rằng, nếu một người có thể tiết chế được dục vọng thì có thể dưỡng sinh, trường thọ. Dục vọng ở đây là dục vọng với vật chất, dục vọng giữa nam nữ, và tất nhiên cũng bao hàm dục vọng với mỹ vị. Những người tu Đạo thời cổ đại đều chú ý tới thanh tâm quả dục, khống chế lửa dục vọng của chính mình, bảo trì một tâm thái bình tĩnh tường hòa.

Bậc ẩn sĩ khi xưa có câu nói: “Cơm rau dưa là phúc!”, rau dưa ở đây bao hàm nghĩa rộng là đạm bạc, đơn giản. Họ cho rằng ăn uống càng thanh tao, càng giữ được vị của đồ ăn thì càng tốt. Họ cũng cho rằng ăn uống đạm bạc có thể khiến con nguời không bị chấp nhất vào ăn ngon.

Không chỉ Đạo gia, mà Nho gia cũng đề xướng phải tiết chế ăn uống. Trong Lễ Ký viết rằng: “Ăn uống và tình cảm nam nữ là những dục vọng lớn của con người”. Cho nên, Nho gia chủ trương dùng Lễ để ức chế dục vọng của con người.

Trong cuộc sống, người ta thường hay lo ăn lo uống và cho đó là vấn đề chính yếu của con người. Thậm chí, không ít người tối ngày vất vả nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ chỉ để đạt mục tiêu ăn ngon mặc đẹp. Lại có người khi có được quyền cao chức trọng thì sa đà vào ăn uống rược chè, ăn phải là món ngon vật lạ, uống phải là thứ hiếm có.

Nhưng kỳ thực, con người khi ở vào trạng thái ăn uống quá độ, say sưa, thì chẳng những không thể giữ được bình tâm tĩnh khí, mà còn làm tổn thương nội tạng, không thể có được sự thanh tỉnh. Những suy nghĩ, quyết định và hành động của họ cũng lệch lạc, không chính xác mà rước họa vào thân.

Nhìn thấy mỹ thực mà biết tiết chế thì cũng giống như biết thoái lui khi gặp thuận cảnh, không bị mất cảnh giác mà sa vào cạm bẫy. Cho nên, biết khống chế dục vọng trước mỹ vị là trí tuệ làm người. Một người có thể tiêu trừ được tâm tham thèm của bản thân thì nhân sinh càng có thể thoải mái và tự tại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: