Đạo làm quan: Lấy mình làm gương, lan tỏa điều thiện
- Khởi Tuệ
- •
Mạnh Tử nói: “Quân tử mạc đại hồ dữ nhân vi thiện”, người quân tử lớn lao ở chỗ biết thiện đãi người khác. Hành động thiện mang đến cho chúng ta sức mạnh và truyền cảm hứng cho người khác hành thiện. Dù là nền văn hóa nào, giữ thiện tâm, làm việc thiện đều là những đức hạnh tốt được xã hội khẳng định. Nhưng không phải xã hội nào cũng toàn là việc thiện, thậm chí có nơi mà rất nhiều người coi nhau như địch, ghen tức oán hận nhau chỉ vì việc nhỏ nhoi. Khi ấy người làm quan phải lấy mình làm gương, xúc động nhân tâm, từ đó lan tỏa điều thiện lành đến cho nhiều người hơn nữa.
Trong “Tống sử” có ghi lại một viên quan thời nhà Tống tên là Trần Nghiêu Tá, tính tình lương thiện, sinh hoạt tiết kiệm. Mặc dù điều kiện không tệ, nhưng khi đồ vật, quần áo mà ông sử dụng bị hỏng thì ông đều xem xét sửa chứ không tùy tiện vứt đi. Khi đi tuần nhìn thấy động vật hoang dã, ông dặn đi dặn lại những người tùy tùng của mình không được tùy ý làm hại chúng.
Trần Nghiêu Tá lúc đang nhậm chức ở Thọ Châu, có lần xảy ra mất mùa, nhiều người đói chết. Không đành lòng nhìn người dân chịu khổ, ông đã hiến gạo và sai người nấu cháo để cứu đói dân. Việc thiện của ông nhanh chóng được truyền đi, các quan lại và người giàu ở Thọ Châu sau khi biết chuyện, đều noi theo đó mà quyên góp gạo. Nhờ vậy mấy vạn người dân gặp nạn được cứu.
Trước khi danh tướng triều Tống là Lữ Di Giản về hưu, Tống Nhân Tông nhờ ông tiến cử người kế nhiệm. Lữ Di Giản lấy việc “hiểu thấy cái khổ cái vui của bách tính thiên hạ” làm lý do để tiến cử Trần Nghiêu Tá cho Nhân Tông. Sau này, Trần Nghiêu Tá được làm quan đến chức tể tướng.
Trong “Tùy Thư” có ghi chép về một vị quan Tân Công Nghĩa thời nhà Tùy. Ông là người hiếu học, cần mẫn, khắc khổ, làm quan yêu dân như con. Khi Tân Công Nghĩa đảm nhiệm chức thứ sử ở Mân Châu, địa phương này có phong tục sợ tiếp xúc với người bệnh, nếu trong nhà có người sinh bệnh thì cả nhà đều tránh xa. Cha con, vợ chồng không sẵn lòng chăm sóc lẫn nhau, không còn thiện tâm và hiếu nghĩa nữa, nhiều người bệnh cũng vì đó mà qua đời.
Tân Công Nghĩa rất lo lắng, muốn thay đổi phong tục này. Vì vậy, ông phái quan viên đi tuần tra tứ phía, đưa tất cả bệnh nhân về phủ quan của mình, thu xếp cho họ ở sảnh đường. Tân Công Nghĩa đặt một cái giường nhỏ ở sảnh đường, từ sớm đến khuya ở cùng với bệnh nhân, vừa xử lý công việc vừa coi sóc họ. Ông dùng lương bổng của mình để mua thuốc và mời thầy thuốc chữa trị cho những bệnh nhân này, còn đích thân động viên họ ăn uống, nhiều bệnh nhân nhờ sự chăm sóc của ông mà khỏi bệnh.
Sau đó, Tân Công Nghĩa mời người nhà bệnh nhân đến, chứng minh cho họ thấy ông ở cùng người bệnh mà vẫn khỏe mạnh, lại chỉ ra rằng có bao nhiêu người vì không được chăm sóc mà đã chết. Người dân tới xem đều rất hổ thẹn, đồng thời cảm tạ rồi rời đi. Từ đó, phong tục bất lương đã bị xóa bỏ, mọi người trở nên quan tâm lẫn nhau.
Khổng Tử kỳ vọng rằng: “Bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử; hóa, bất tất tàng vu kỷ; lực, bất tất vi kỷ”, nghĩa là một xã hội cần đạt đến rằng mọi người không chỉ có người thân của mình mới là người thân, không chỉ có con của mình mới là con, có của đừng chỉ cất cho riêng mình, có sức mạnh đừng chỉ biết vì mình. Như vậy mới chính là một xã hội thiện lương. Tất nhiên, có thiện thì có ác, xã hội thiện lương không tự động sinh thành. Ngoài việc người dân tích cực coi trọng cái thiện ra, điều quan trọng nhất là người ở vị trí cao phải lấy mình làm gương cảm hóa người khác, còn phải khuyến khích và xây dựng những phong tục thiện lương, lưu truyền cái thiện, ngăn chặn cái ác lan tràn.
Dựa theo “Làm sao để gây dựng một xã hội thiện lương?“
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Khởi Tuệ
Xem thêm:
- Đạo làm quan xưa: Thả phạm nhân, phạm nhân đến hẹn tự tới
- Đạo làm quan thời xưa: Xử chặt chân người, người vẫn cảm ân
Mời xem video:
Từ khóa đạo làm quan