Vào thời cổ đại, dù là thời thịnh trị hay lúc chiến loạn, ở triều đại nào cũng xuất hiện các cá nhân là trung thần nghĩa sĩ, nỗ lực xoay chuyển thời thế. Họ có thể trực ngôn can gián, thản đãng vô tư đối diện với quân vương, không e ngại cho cả tính mạng của bản thân mình. Bởi vậy chuyện về họ được truyền lưu suốt ngàn năm, lưu danh hậu thế. Danh thần Cổ Bật của Bắc Ngụy thời Nam Bắc Triều ở Trung Hoa là một vị quan như vậy.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Tài mọn ngôi cao ắt gây họa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Cổ Bật là Thị trung phụ tá Thái tử của Bắc Ngụy. Ông là người trung cần bộc trực.

Có lần Cổ Bật cho là vườn nuôi thủ Thượng Cốc quá rộng, xin cắt bớt quá nửa để ban cho dân nghèo, vào yết kiến vua Ngụy, định tấu việc ấy. Vua Ngụy đang chơi cờ vây với Cấp sự trung Lưu Thụ, không để ý đến Cổ Bật. Cổ Bật ngồi hầu hơi lâu, không trình bày được, thấy rất lo lắng, đột nhiên đứng dậy, tóm tóc Thụ, lôi xuống giường, bắt tại Thụ, đánh vào lưng, nói:

– Triều đình không yên trị, thực là tội của mày!

Vua Ngụy thất sắc, bỏ quân cờ xuống, nói:

– Không nghe tấu việc, là lỗi của Trẫm vậy, Thụ có tội gì! Tha cho hắn!

Cổ Bật đem hết thực trạng báo lên, Vua Ngụy đều ưng lời tấu.

Tấu xong, Cổ Bật lại nói:

– Là thần tử mà vô lễ đến thế, là đại tội vậy!

Ra khỏi cung đến chỗ Công xá, bỏ mũ đi chân không thỉnh tội. Vua Ngụy triệu vào, bảo rằng:

– Ta nghe nói thú dịch đắp đàn xá, kiễng chân nghiêng ngửa mà đắp, chỉnh mũ ngay ngắn mà thở, Thần linh sẽ giáng phúc, Như thế thì khanh có tội gì! Hãy đội mũ đi giày tới nhận chức! Nếu là việc lợi cho xã tắc, tiện cho trăm họ, cứ tận lực mà làm, chớ ngoài trông lo lắng vậy!

Đầu của Cổ Bật nhọn, nên Vua Ngụy thường hay gọi ông thân mật là “Bút đầu”.

Lại có lần, Vua Ngụy đi săn bắn ở Hà Tây, Cổ Bật lưu thủ. Vua Ngụy chiếu lệnh sai đem ngựa béo cấp cho việc đi săn. Nhưng Cổ Bật chỉ cấp ngựa gầy. Vua Ngụy đi săn thấy ngựa gầy, tức giận nói:

– Bút đầu nô dám cắt xén ý chiếu lệnh của trẫm! Lúc trẫm về cung, chém tại ngay trước!

Quan thuộc của Cổ Bật kinh hoàng, sợ cũng mắc tội chết, Bật nói:

– Ta là kẻ nhân thần, không khiến bậc nhân chủ được vui với việc du ngoạn săn bắn, tội ấy nhỏ; không dự phòng không lo tính, để thiếu chi dụng việc quân quốc, tội ấy lớn. Nay Nhu Nhu đang cường mạnh, nam khấu chưa diệt, ta lấy ngựa béo cấp cho quân sĩ, ngựa gầy cấp cho người đi săn, vì quốc gia lo tính xa, dẫu chết có hại gì! Và chẳng ta tự làm việc này, các ông không cần lo lắng vậy!

Vua Ngụy nghe được lời ấy, than rằng:

– Có thần tử như thế, là vật báu của quốc gia vậy!

Vua Ngụy lại ban cho Bật một bộ quan áo, hai thớt ngựa, mười con hươu.

Lần khác, Vua Ngụy lại đi săn ở Sơn Bắc, thu được mấy nghìn hươu nai. Vua Ngụy hạ chiếu sai Cổ Bật điều phát năm trăm cỗ xe để vận chuyển. Sứ mang chiếu đi rồi, Vua Ngụy nghĩ lại rồi nói:

– Bút công tất chẳng cấp xe cho ta, chẳng thà các người dùng ngựa chuyển về.

Thế là đoàn đi săn của Vua bèn quay về. Đi được hơn trăm dặm, nhận được biểu của Bật viết: “Nay lúa vụ thu đã chín vàng, vừng đậu đầy đồng, lợn hoang và hươu ăn trộm, chim nhạn xâm phỉ, mưa gió hư hao, thu hoạch sớm hay muộn tổn hao sẽ gấp ba lần. Xin cho hoãn lại, để thu chuyển trước.”

Vua Ngụy nói:

– Quả như lời ta nói. Bút công đáng gọi là lương thần của xã tắc vậy.

Theo “Tư trị thông giám” (NXB Văn học)
Ninh Sơn tổng hợp

Xem thêm:

Mời nghe radio: