Đạo trị quốc: Tấm lòng nhân hậu của Thành Thang
- An Hòa
- •
Người xưa có câu: “Võng khai nhất diện”, lưới mở một mặt, nghĩa đen là lưới dùng để bắt thú vật không quây kín, nên con vật nếu không vướng vào lưới thì vẫn thoát ra được. Câu nói này là ẩn dụ cho tấm lòng nhân hậu độ lượng, khoan dung với người mắc lỗi, cho họ một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình. Trong lịch sử cổ xưa, có một vị vua mang tấm lòng nhân hậu đã để lại câu thành ngữ như vậy, thậm chí khi được thiên hạ gửi gắm kỳ vọng, ông vẫn còn khiêm nhượng 3 lần từ tạ vương vị. Ông chính là Thành Thang, một trong Tam Vương truyền thuyết thời thượng cổ.
Trong “Sử ký. Quyển 3. Ân bản kỷ” ghi lại câu chuyện khi Thành Thang còn chưa trở thành quân vương. Có một lần ông nhìn thấy một người giăng lưới bốn mặt để bẫy chim. Ông còn nghe thấy người đàn ông đó đang cầu khẩn: “Chim chóc từ bốn phương tám hướng đều sa vào lưới của ta!”
Thành Thang nghe thấy vậy, không nhịn được liền nói: “Ôi chao! Đây chính là muốn đuổi tận giết tuyệt rồi!”. Vì vậy, Thành Thang yêu cầu bỏ đi ba mặt lưới, chỉ để chừa lại một mặt lưới. Sau đó Thành Thang khấn rằng: “Con nào muốn bay qua trái thì bay, muốn bay qua phải thì bay; còn con nào muốn chết thì hãy bay vào lưới!”.
Về sau, các chư hầu nghe được chuyện này đều cảm phục đạo đức của Thành Thang.
Vào những năm cuối triều nhà Hạ, Hạ Kiệt là một ông vua xa xỉ, kiêu ngạo, hoang dâm. Trong cuốn “Thông giám ngoại kỷ” của tác giả Lưu Thứ thời Bắc Tống viết rằng Hạ Kiệt ngông cuồng, dâm đãng, lãng phí hết của cải của dân, vì làm vui lòng Muội Hỷ, đã cho xây Dao Đài, tước đoạt sức lực của người dân và phung phí của cải của họ. Ông ta còn cho đào ao rượu, tận hưởng những thú vui cùng mỹ nữ, đánh một hồi trống bắt 3000 người vục đầu xuống hồ uống rượu như trâu.
Hạ Kiệt thực hiện chính sách thất đức khiến dân chúng khắp nơi căm phẫn. Cuối cùng ông ta bị Thành Thang đánh bại ở Minh Điều.
Nhưng lúc đó, Thành Thang cũng không giết chết Hạ Kiệt. Thành Thang nói với ông ta: “Thần sẽ vì quân vương khôi phục lại đạo đức, phục minh nhân tâm!”.
Hạ Kiệt nói với Thành Thang: “Hiện giờ quốc gia nhà Hạ đã không có gia đình, đã không có người dân, mà là ông có người dân rồi, đây là quốc gia của ông”.
Thành Thang nói: “Không phải vậy! Thời xưa các bậc đế vương giáo hóa dân chúng. Hiện giờ quân chủ phá hủy đạo đức, quần thần và dân chúng đều cảm thấy bối rối, thần sẽ vì quân vương khôi phục đạo đức và phục minh nhân tâm”.
Có người đến tìm Hạ Kiệt, nói với ông ta rằng: “Hãy để Thành Thang cai trị đất Bặc, không cần phải hoán đổi quân vương.” Thế là Hạ Kiệt và năm trăm người theo ông ta đã di cư hàng ngàn dặm về phía nam và định cư ở Bất Tề. Kết quả là dân chúng Bất Tề lại tự nguyện di cư tìm đến Trung Dã của Thành Thang.
Hạ Kiệt một lần nữa nói với Thành Thang: “Quốc gia này là của ông rồi!”.
Thành Thang nói rằng: “Không phải vậy! Thần muốn vì quân chủ ngài mà phục hưng đạo đức, phục minh nhân tâm”.
Thế là Hạ Kiệt lại cùng với năm trăm người di chuyển đến địa phận mà sau này là nước Lỗ. Lúc này người dân lại tìm đến Thành Thang nương náu.
Hạ Kiệt lại nói với Thành Thang: “Đất nước này là của ông rồi”.
Thành Thang trả lời: “Đây là nhân tài của quân chủ, là thần dân của quân chủ, ngài mang họ giao phó cho ai?” Nhưng Thành Thang cũng không ngăn cản được Hạ Kiệt rời đi.
Cuối cùng Thành Thang nói: “Người nguyện ý theo ngài thì hãy để họ đi theo ngài đi!”. Thế là Hạ Kiệt và năm trăm người theo ông ta lại di chuyển đến Nam Sào và định cư ở đó. Không lâu sau, Hạ Kiệt chết ở đây.
Về sau, chư hầu tụ họp ở đất Bặc và bầu chọn Thành Thang lên làm Vua. Nhưng Thành Thang lại lấy ấn tín quân vương và đặt nó ở bên trái ghế quân vương. Sau đó, ông cúi chào và quay trở lại chỗ ngồi của các chư hầu. Ông nói với các chư hầu có mặt rằng: “Đây là vị trí của Thiên tử, người có đạo đức có thể ngồi vào chỗ này. Thiên hạ không thuộc về một gia tộc nào mà thuộc về người có đạo đức. Chỉ người có đạo đức mới có thể cai trị, mới có thể ngồi ở vị trí này lâu dài”.
Các chư hầu lại bình chọn Thành Thang làm Vua nhưng Thành Thang lại khước từ vị trí Thiên tử. Cứ vậy tổng cộng ba lần liền. Tuy nhiên, chư hầu không ai muốn ngồi lên vị trí của Thiên tử. Đến cuối cùng, Thành Thang mới chấp nhận lên làm Vua chưa hầu.
Thành Thang, vị quân vương khai quốc triều nhà Thương, là một người quân tử nhân hậu khoan dung, coi người dân như ruột thịt, thậm chí quý trọng sinh mệnh của cả các sinh linh khác. Đức hạnh cao thượng của ông đã trở thành tấm gương cho các đời quân vương trong suốt thời đại quân chủ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Doãn Gia Huy
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đạo trị quốc