Họ Mạc ở Hà Tiên (P3): Quân Xiêm tàn phá
- Trần Hưng
- •
Sau khi chiếm được Hà Tiên, Vua Xiêm Taksin để một tướng là Trần Liên giữ Hà Tiên, còn mình đưa quân tiến đánh Kinh đô Nam Vang của Cao Miên. Vua Cao Miên là Nặc Tôn không giữ được phải bỏ chạy. Taksin đưa Nặc Non lên làm Quốc Vương Cao Miên.
Triều đình chúa Nguyễn khiển trách Thống suất Khôi Khoa hầu không hỗ trợ khiến Hà Tiên thất thủ, giáng chức Khôi Khoa hầu xuống làm Cai đội.
Chúa Nguyễn tiến đánh Nam Vang
Tháng 6/1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần đưa 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền tiến sang Cao Miên đánh đến Nam Vang, quân Xiêm thua trận bỏ chạy về Hà Tiên. Chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn trở lại làm Quốc Vương Cao Miên.
Quân chúa Nguyễn thắng trận định đuổi theo quân Xiêm đến Hà Tiên, tuy nhiên Taksin ra áp lực nếu chúa Nguyễn tiến quân sẽ phá hủy toàn bộ Hà Tiên cũng như hại dân lành. Điều này khiến Chúa Nguyễn không thể tiến quân, phải đàm phán với Taksin.
Hai bên cùng thống nhất quân Chúa Nguyễn sẽ rút khỏi Nam Vang và để Nặc Non làm Quốc Vương Cao Miên, quân Xiêm La cũng rút khỏi Hà Tiên.
Năm 1773, quân Xiêm trả lại những người bị bắt bao gồm con gái và người thân của Mạc Thiên Tứ và rút khỏi Hà Tiên.
Hà Tiên chỉ còn lại khung cảnh điêu tàn
Mạc Thiên Tứ trở lại Hà Tiên, nhưng khung cảnh trù phú xưa kia đã chẳng còn.
Trịnh Hoài Đức mô tả trong “Gia Định thành thông chí” rằng:
“Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải, nhân dân đều bỏ trốn chỉ còn lại gò đất hoang mà thôi. Tông Đức hầu (tức Mạc Thiên Tứ) khôn xiết bùi ngùi trước cảnh hoang tàn”.
Một người phương Tây là Alexander Hamilton có mặt trong thời điểm này đã mô tả trong ký sự của mình rằng:
“Cánh thủy binh của Xiêm vào thành Hà Tiên trên những chiếc thuyền nhỏ chỉ nhằm cướp bóc và đốt phá thị trấn này. Việc ấy đã được họ thực hiện xong, chỉ kể riêng món ngà voi mà họ đốt bỏ đã trên hai trăm tấn. Còn những chiếc thuyền lớn và ghe nhỏ của họ thì chở đầy ắp đồ vật cướp được”.
Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Mạc Thiên Tứ phải chạy sang Xiêm
Lúc này bùng nổ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, khẩu hiệu ban đầu của Tây Sơn là diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương. Điều này dễ dàng được sự hưởng ứng của người dân, vì lúc đó trăm họ đều oán thán Trương Phúc Loan.
Tuy nhiên sau khi diệt được Trương Phúc Loan rồi, quân Tây Sơn tiếp tục tận diệt dòng tộc chúa Nguyễn. Năm 1777, quân Tây Sơn chiếm Gia Định, cả Nguyễn Phúc Dương (người được Tây Sơn ra khẩu hiệu phò tá), Nguyễn Phúc Thuần cùng toàn bộ dòng tộc Chúa Nguyễn đều bị giết, chỉ có Nguyễn Phúc Ánh năm ấy mới 15 tuổi may mắn có đứa trẻ nhà kép hát che dấu nên mới thoát chết.
Chúa Nguyễn bị diệt, Mạc Thiên Tứ không còn ai để bảo vệ cho mình, quân Tây Sơn lại tiếp tục truy kích tàn quân Chúa Nguyễn. Không còn cách nào khác Mạc Thiên Tứ phải chạy sang Xiêm.
Nhưng Vua Xiêm là Taksin nghi ngờ Mạc Thiên Tứ làm gián điệp cho Gia Định, nên giết các con của ông cùng tướng và tùy tùng đi theo ông. Quá phẫn uất, Mạc Thiên Tứ liền tự sát tại Bangkok.
Theo “Mạc thị gia phả” thì một người Cao Miên làm quan nước Xiêm là Kỳ La Hâm thấy các con của Mạc Thiên Tứ là Tử Sanh, Tử Tuấn, Tử Thiêm còn nhỏ nên thương tình giấu kín rồi nuôi nấng cả 3 người.
Sau đó xảy ra cuộc đảo chính ở Xiêm, vua Taksin bị bắt và giết vào năm 1782. Tướng quân Chao Phraya Chakri sau đó giành quyền kiểm soát Kinh đô và xưng vương, thiết lập vương triều Chakri, tức vua Rama I.
Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh đến Xiêm La, vua Rama I liền đưa Mạc Tử Sanh đến chào, từ đó Mạc Tử Sanh đi theo Nguyễn Phúc Ánh.
Tưởng nhớ
Ngày nay nhiều người không biết Hà Tiên xưa kia vốn là vùng đất trù phú với thương cảng sầm uất nhất khu vực, nhưng người dân ở Hà Tiên qua các đời vẫn ghi nhớ công lao của họ Mạc.
Dưới chân núi Bình San, thuộc địa phận phường Bình San, thị xã Hà Tiên là khu di tích lăng Mạc Cửu, đây là một trong những danh thắng đẹp nhất Hà Tiên.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Mạc Thiên Tứ lịch sử Việt Nam Hà Tiên