Hòn đá đập lúa
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Nếu dùng cầu đập lúa thì cần phải có cối đá hay hòn đá lớn đặt lên. Có người thì không cần cầu đập lúa mà đập thẳng vào cái cối đá úp ngược ở sân. Tất nhiên, có cầu thì thuận lợi hơn khi đập vì nó tạo cho người đập có tư thế thoải mái.
Nhà tôi không dùng cối đá mà dùng hòn đá lớn để đặt trên cầu đập lúa. Hòn đá này có màu trắng xám dài cỡ nửa mét, rộng khoảng 35-40cm. Không rõ bố tôi lấy nó ở đâu vì ở vùng tôi ở khó kiếm được tảng đá lớn như thế. Các ngọn đồi, ngọn núi ở xung quanh nhà tôi toàn là đồi núi đất. Gần đây tôi có hỏi thì bố tôi kể là ông nhặt nó ở một cánh đồng cách nhà tôi gần 2km. Khi không dùng để đập lúa tảng đá này được đặt nằm ở đầu hồi nhà ngang.
Bê tảng đá này đặt lên cầu đập lúa là cả một vấn đề. Trong văn chương người ta hay mô tả các võ sĩ xỏ tay vào cối đá rỗng để luyện công. Cái này có lẽ là cường điệu. Nhưng giả sử đấy là sự thật đi nữa thì tôi nghĩ thách có võ sĩ nào xỏ tay vào cái hòn đá nhà tôi mà nâng được tay lên. Nó nặng khủng khiếp. Ban đầu chỉ có bố tôi bê được nó để đặt lên cầu đập lúa. Bố tôi vốn là bộ đội đặc công mà. Hôm nào muốn đập lúa mà bố đi vắng mới là cả vấn đề. Mấy mẹ con tìm đủ cách vẫn không thể bê hòn đá đó lên cầu đập lúa. Mãi sau này tôi và cậu em thành thanh niên choai choai mới vần vò khiêng được nó lên.
Công nhận đá bền hơn gỗ thật. Nếu nó làm bằng gỗ, bị lúa đập vào lâu năm như thế chắc sẽ mòn vẹt đi rồi nhưng đằng này nó vẫn trơ ra như thế, chỉ có bề mặt là nhẵn đi một chút.
Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương