Trích đoạn tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước Hẹn Cuối Cùng) của nhà văn Trương Văn Dân – bản tiếng Việt.

“Ăn trưa xong, chỉ cây đàn guitar trong phòng khách, Trung hỏi tôi:

– Anh chơi đàn tốt không?

– Biết chơi tạm được thôi. Còn anh?

– Cũng tàm tạm. Đôn thì chơi nhạc cổ điển hay lắm. Mấy năm gần đây Đôn còn rất thích nghe Concierto de Aranjuez.

– Vậy à, tôi cũng mê lắm. Tuyệt hay, nhưng nghe buồn lắm. Tâm hồn mình như bay bổng trong một nỗi buồn lâng lâng, rất khó tả.

– Đúng rồi. Đôn nói bản nhạc này ám ảnh anh mấy mươi năm, từ những ngày mới qua Ý, ai ngờ sau này nó như hòa trộn vào tình yêu của hai người, nghe là muốn khóc luôn đó. Mỗi lần nghe, lòng tôi như dâng lên một nỗi nhớ cồn cào, âm thanh rung động tận sâu vào lòng. Tôi cũng không biết vì sao chỉ thấy buồn và muốn khóc. Nhưng không phải vì đau khổ. Chỉ muốn khóc, thế thôi. Khi nghe hát, còn mãnh liệt hơn.

– Ủa, có hát nữa sao? Bản hòa tấu guitar này tôi nghe nhiều lần, nhưng không biết là có người hát.

– Nhiều ca sĩ hát nữa là khác. Đủ thư tiếng Tây Ban Nha, Anh, Pháp Ý… Tôi có đĩa do ca sĩ Paloma San Basilio hát bằng tiếng Tây Ban Nha rất hay. Anh nghe thử nhé.

Thật bất ngờ, đây là lần đầu tiên tôi nghe bài hát này. Có lẽ trong đời tôi chưa có bài hát nào làm tôi xúc động đến thế. Nhạc đã rất hay mà còn được hát với một niềm đam mê say đắm nên âm thanh như từng giọt nhỏ xuống trái tim, làm cảm xúc trào dâng.

– Một ca khúc rất tuyệt vời! Trước đây tôi chỉ được nghe hòa tấu và biết nó được sáng tác bởi một nhạc sĩ mù.

– Đúng rồi anh. Concerto d’Aranjuez có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Joaquín Rodrigo, một trong những nhà soạn nhạc Tây Ban Nha bị mù từ năm 3 tuổi do mắc bệnh bạch hầu. Tác phẩm còn được sáng tác trong thời kỳ mà ông và vợ, Victoria Kamhi – một nghệ sĩ piano trẻ người Thổ Nhĩ Kỳ – đang trải qua những thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời. Joaquín Rodrigo đang sắp hoàn thành phần sáng tác thì vợ ông, lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng bị ốm nặng và được đưa đến bệnh viện ở Madrid. Các bác sĩ cho ông hay là vợ con của ông có thể sẽ bị nguy hiểm tính mạng. Sau khi nghe điều này, Rodrigo trở về nhà, ngồi xuống trước cây đàn piano và sáng tác phần adagio của nhạc phẩm.

Phần thứ hai là một cuộc đối thoại âm nhạc giữa Chúa và nhà soạn nhạc. Một cuộc đối thoại bắt đầu bằng một đoạn tuyệt đẹp: một cuộc đi bộ thất thần trở về nhà sau khi biết tin, và mở đầu là lời cầu nguyện than thở với Chúa, cầu xin Ngài đừng lấy đi linh hồn của vợ và đứa con tương lai của họ. Đó là một đoạn mở đầu vô cùng đẹp đẽ, có thể chạm tới trái tim của bất cứ ai, vì sự ngọt ngào của âm thanh và giai điệu: những nốt nhạc rót xuống như giọng của anh ấy cùng với đôi mắt đẫm lệ, ngước lên cầu khẩn Chúa, tìm kiếm lòng thương xót của Ngài… Nhưng khi dàn nhạc là câu trả lời của Chúa nói là vợ ông có thể được cứu sống còn đứa con trai thì không thể. Với nỗi buồn và sự cam chịu chấp nhận điều kiện tàn nhẫn mà Chúa áp đặt, linh hồn của đứa trẻ chưa chào đời lên thiên đàng diễn ra, được thể hiện bằng một bản độc tấu guitar, trong đó Rodrigo đưa tiễn linh hồn của con anh ta đi và xin lấy lại linh hồn của vợ. Đoạn nhạc này tượng trưng cho niềm vui về sự đoàn tụ với vợ nhưng tiềm ẩn nỗi buồn mất con…

– Hay quá, khi biết được câu chuyện này khi nghe Adagio lại càng xúc động hơn và càng cảm nhận sự tuyệt vời của âm nhạc cổ điển, thứ có thể đánh thức và truyền cảm xúc qua vẻ đẹp của âm thanh.

– Concerto d’Aranjuez được coi là tác phẩm âm nhạc Tây Ban Nha được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới. Nó được lấy cảm hứng từ những khu vườn của Cung điện Hoàng gia Aranjuez (cách Madrid 50 km), dinh thự mùa xuân của Vua Philip II vào nửa sau thế kỷ 16, sau đó được xây dựng lại vào giữa thế kỷ 18 cho Fernando VI, buổi hòa nhạc cố gắng đưa người nghe đến với những âm thanh của thiên nhiên, mặc dù những âm thanh này cách xa nhau về không gian và thời gian.

Điều kỳ lạ là Joaquín Rodrigo, bị mù từ năm 3 tuổi, là một nghệ sĩ dương cầm và không chơi guitar. Tuy nhiên, ông ấy đã có thể nắm bắt được tinh thần của sự đa dạng và độc đáo của guitar Tây Ban Nha.

– Nghệ thuật phải gắn liền với tâm tình, với hoàn cảnh, với khát vọng sáng tạo xuất thần nào đó của người nghệ sĩ. Không thể có một thứ nghệ thuật chung chung cho mọi hoàn cảnh.”

*

Khúc tình buồn
(Concierto de aranjuez)

Sáng tác: Joaquin Rodrigo
Lời Việt: Nguyễn Phú Yên
Ca sĩ: Đông Quân
(Cảm tác từ tiểu thuyết “Ước Hẹn Cuối Cùng” của nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN)

1. Bao ngày qua
Từng mùa xuân thắm tươi với bao ngàn hoa
Tình yêu say đắm
Quấn quýt bên nhau như ru êm muôn lời ca
Ấm êm đời ta, giấc mơ vời xa
Ngàn niềm vui trong tim chan hòa.

2. Em về đâu
Từng dòng nước mắt trôi xuôi đã từ lâu
Ngày vui đã hết
Khiến trái tim ta bao nhiêu tháng năm sầu đau
Xót xa đời nhau, khóc thương tình sâu
Đời cho ta sống trong u sầu.

3. Thôi còn chi
Từ đây ta mãi mãi khóc câu biệt ly
Mắt biếc em trông nói lời lâm ly
Cho thêm sầu bi đớn đau người đi
Nơi chân trời bóng xế
Lòng ta mãi mãi say mê.
Ngoài trời mưa rơi
Đàn gieo sầu vơi
Tình xa ngàn khơi
Lòng ta thêm nát tan tơi bời.

Đăng lại từ Facebook Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên
Đăng dưới sự cho phép của Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên và Nhà văn Trương Văn Dân

tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Trương Văn Dân

Xem thêm từ Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên: