Làng khoa bảng Đông Thái
- Trần Hưng
- •
Đông Thái là ngôi làng cổ thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng về khoa bảng và danh nhân nhiều đời. Làng nằm bên bến Tam Soa – nơi gặp gỡ của 3 con sông là Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La. Ngôi làng cổ 600 năm tuổi được bao bọc bởi 3 con sông, lại có núi che chở, có nét yên bình của một làng quê cổ kính, con người cũng nho nhã văn chương.
Làng Đông Thái: Nơi xuất sinh 24 vị đại khoa
Theo thư tịch xưa để lại, vào thời nhà Trần, xã Quyết Viết được thành lập gồm 3 làng là Tùng Ảnh, Ngải Lăng và Nguyệt Đàm. Đến thời nhà Lê cắt 2 làng Tùng Ảnh và Nguyệt Đàm lập thành xã Yên Việt. Đến thời vua Lê Kính Tông thì xã Quyết Viết được đổi tên thành xã Yên Việt Hạ, tách một phần làng Trinh Liệt lập thành làng Đông Thái.
Đây là ngôi làng bậc nhất về khoa bảng của tỉnh Hà Tĩnh, nổi danh khắp nước. Trong lịch sử khoa bảng, huyện Đức Thọ có 44 người đỗ đại khoa, thì riêng làng Đông Thái đã chiếm 24 người tức nhiều hơn một nửa. Nhiều con người ưu tú được xuất sinh từ mảnh đất này như Đình nguyên Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Phan Đình Phùng…
Khoa thi năm 1787, Bùi Dương Lịch đỗ đầu kỳ thi Hội tức Hội nguyên, đến kỳ thi Đình ông lại đỗ đầu tức Đình nguyên, được vua Lê hứa gả công chúa, trở thành niềm tự hào của dân làng. Tuy nhiên Vũ Văn Nhậm chỉ huy quân Tây Sơn ra bắc trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh khiến việc kết hôn với công chúa không thành.
Dòng họ Phan
Đến thời thuộc Pháp có dòng họ Phan xuất sinh ra nhiều bậc danh sĩ. Phan Đình Tuyển đậu Phó bảng, làm Tán lý Quân vụ Bắc Kỳ, các con ông đều là những người hiếu học, đặc biệt là cậu con trai Phan Đình Phùng – từ nhỏ đã miệt mài đèn sách với mong muốn “phò vua, giúp nước”.
Khoa thi năm 1877 thời vua Tự Đức, Phan Đình Phùng xuất sắc vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, ông đỗ đầu tức Đình nguyên. Phan Đình Phùng được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng, sau thì đảm đương chức Ngự sử Đô Sát Viện.
Sau khi vua Tự Đức mất, quân Pháp ngày càng lấn áp bắt Triều đình ký các hòa ước bất bình đẳng. Triều đình nhà Nguyễn chia bè phái, chủ yếu nhất là 2 phái chủ chiến và chủ hòa. Phan Đình Phùng khẳng khái phản đối Tôn Thất Thuyết làm trái di chiếu của Vua để lại nên ông bị hãm hại, rồi cách chức đuổi về quê.
Tối ngày 4/7/1885, Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc tấn công bất ngờ vào Tòa khâm sứ và đồn Mang Cá của Pháp. Quân Pháp dù bị đánh bất ngờ giữa khuya, nhưng nhờ vũ khí đại bác hiện đại nên đến sáng thì đánh lui được quân nhà Nguyễn và tấn công vào Kinh thành Huế. Vua Hàm Nghi phải chạy đến phòng tuyến Sơn Phòng, kêu gọi sỹ phu cả nước chống giặc.
Phan Đình Phùng đến căn cứ Sơn Phòng gặp vua Hàm Nghi, ông được Vua phong làm Tán lý Quân vụ Đại thần gia tặng bình trung tướng quân nhất phẩm triều đình, thống lĩnh phong trào Cần Vương ở 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Trở về quê nhà làng Đông Thái, Phan Đình Phùng tụ nghĩa chống Pháp, từ đó các cuộc khởi nghĩa chống Pháp lan mạnh khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Kế tục truyền thống khoa bảng của cha ông
Làng Đông Thái có truyền thống nuôi con chỉ để cho ăn học, điều này được truyền thừa suốt qua nhiều thế hệ của làng. Ngày nay làng có nhiều người đỗ đạt, có nhiều giáo sư, tiến sĩ, giữ các vị trí quan trọng cả trong và ngoài nước.
Trong làng có 14 dòng họ đều có quỹ khuyến học, hàng năm cứ vào rằm tháng giêng, rằm tháng 7, hay dịp chuẩn bị năm học mới, các nhà thờ họ lại tưng bừng phát thưởng cho những học sinh có thành tích học tập tốt trong dòng họ mình.
Nhờ kết tục truyền thống khoa bảng của ông cha, làng Đông Thái luôn có số lượng học sinh giỏi và đỗ đại học cao nhất vùng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng