Môn Sử “biến mất” và thách thức chưa từng có của Bộ Giáo dục
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới được Bộ GD&ĐT công bố, môn Lịch sử “biến mất” ở tiểu học và trung học cơ sở với tư cách là môn học độc lập. Thay vào đó là sự xuất hiện của các môn học có tính chất “tích hợp”, như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội (ở Tiểu học), khoa học xã hội (ở THCS).
Một khi thực hiện chương trình này, giáo dục lịch sử trong trường phổ thông sẽ đứng trước những thử thách chưa từng có.
Hai kiểu giáo dục lịch sử tồn tại song song
Với sự xuất hiện của các môn tích hợp ở tiểu học và môn Khoa học xã hội (KHXH) ở cấp THCS và THPT, đồng thời duy trì môn Lịch sử ở THPT, trên thực tế sẽ tồn tại hai kiểu giáo dục lịch sử. Kiểu thứ nhất là “giáo dục lịch sử trong môn Lịch sử”, vốn tồn tại ở Việt Nam suốt từ thời Pháp thuộc tới nay. Kiểu giáo dục lịch sử thứ hai là Giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội, vốn phổ biến trong các nước tiên tiến từ đầu thế kỉ 20.
Ở kiểu truyền thống, Lịch sử là một môn học độc lập, hình thức học tập (giảng dạy) chủ yếu là thông sử. Các sự kiện lịch sử được biên soạn theo trật tự thời gian tuyến tính và phân chia theo thời đại từ nguyên thủy tới cận – hiện đại.
Trong kiểu học tập này, lịch sử chính trị thường đóng vai trò trung tâm, nội dung SGK được biên soạn dưới dạng chương-bài. Mục tiêu của nó thường hướng vào sự ghi nhớ, lý giải của học sinh đối với các sự kiện, hiện tượng lịch sử.
Kiểu giáo dục lịch sử mới – nghiên cứu xã hội, lại được tiến hành thông qua 3 hình thái: “thông sử”, “lịch sử theo chuyên đề”, “lịch sử lội ngược dòng”. Ở đó “chủ đề” hay “vấn đề” sẽ là đơn vị nền tảng nội dung chương trình, sự kiện lịch sử sẽ không còn đơn thuần được tiếp cận theo chiều thời gian tuyến tính, mà có thể theo chiều ngược lại.
Trong “lịch sử lội ngược dòng”, các vấn đề trong xã hội hiện tại – kết quả của lịch sử sẽ trở thành đầu mối, xuất phát điểm để thầy trò lội ngược dòng thời gian tìm hiểu, khám phá.
Bằng tư duy và phương pháp sử học, giáo viên sẽ giúp học sinh tìm hiểu được nguồn gốc, quá trình diễn tiến tạo ra và hiện trạng các vấn đề này, từ đó nghiên cứu, thảo luận phương hướng giải quyết. Phương pháp này lấy triết lý trung tâm là giáo dục nên phẩm chất người công dân dân chủ – quan tâm tới hiện thực, có tinh thần phê phán và mong muốn cải tạo hiện thực ngày một tốt đẹp hơn.
Như vậy, nhìn tổng thể, kiểu giáo dục lịch sử truyền thống trong môn Lịch sử độc lập có xu hướng coi trọng “quá khứ”, trong khi kiểu nghiên cứu xã hội nhấn mạnh và coi trọng “hiện tại”.
Thách thức đặt ra từ giờ về sau
Có thể thấy Bộ GDĐT đang tạo ra hai kiểu giáo dục lịch sử nói trên với sự xuất hiện của các môn tích hợp có sử dụng tri thức lịch sử và duy trì môn Lịch sử với tư cách là môn học độc lập ở THPT. Nhìn vào xu hướng thế giới, sự du nhập mới này là tiến bộ. Giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội giúp môn học trở nên hữu ích cho đời sống cá nhân và sự tiến bộ của cộng đồng, trong bối cảnh xã hội ngày càng đa giá trị hóa và thông tin hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên thách thức đặt ra không hề nhỏ.
Thứ nhất, ở Việt Nam hiện chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, nổi bật về giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội. Các hình thái nằm trong nó, như “lịch sử theo chuyên đề”, “lịch sử lội ngược dòng”… cũng hầu như chưa được nghiên cứu, thử nghiệm trong thực tiễn.
Có lẽ phải chờ Dự thảo chương trình các môn Lịch sử, KHXH… được công bố mới có thể đưa ra nhận xét chính xác. Nhưng nhìn vào Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, có thể thấy dường như các tác giả chưa ý thức được sự tồn tại song song của hai kiểu giáo dục lịch sử.
Thiếu vắng nền tảng lý luận và các thực tiễn làm cơ sở sẽ đưa cải cách tới hai nguy cơ. Một là không xác định được mục đích hướng tới của cải cách là gì. Hai là tạo ra các hỗn loạn ở hiện trường giáo dục, khi người giáo viên trực tiếp giảng dạy mất phương hướng.
Thách thức thứ hai là Việt Nam thiếu các công trình sử học có giá trị làm nền tảng cho giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội. Chẳng hạn, muốn thiết kế, thực hiện giáo dục lịch sử theo “chủ đề” hay “chuyên đề”, giáo viên phải căn cứ vào các công trình chuyên khảo đáng tin cậy. “Lịch sử theo chủ đề” thường chú trọng lịch sử xã hội, mà trước hết là lịch sử “ăn”, “mặc”, “ở”, “đi lại” của các cộng đồng. Nhưng thử hỏi hiện tại có bao nhiêu công trình sử học thực sự về các vấn đề này trên đất nước ta?
Hơn nữa, giáo dục lịch sử còn cần sử dụng các phương pháp nghiên cứu của sử học. Trong khi, thực tế ở Việt Nam, trong một thời gian dài, điều này không được chú ý, giờ học lịch sử thường theo dạng “một chiều”, thầy nói trò nghe. Việc biến học tập lịch sử của học sinh thành quá trình “tác nghiệp” của “nhà sử học nhỏ tuổi” sẽ không đơn giản, nhanh chóng. Tái đào tạo và bồi dưỡng giáo viên sẽ là khâu quyết định thành công. Nhưng ai, đội ngũ nào sẽ làm điều đó?
Thách thức cuối cùng nằm ở phương pháp luận. Xưa nay trong giảng dạy, giáo viên thường nhấn mạnh và coi trọng “tri thức lịch sử” cùng tính “một chiều” của nhận thức hình thành ở học sinh. Các bài kiểm tra, bài thi được đánh giá cao khi trình bày chính xác sự kiện và diễn giải phù hợp với quan điểm lịch sử của giáo viên (cũng có thể hiểu là của SGK và chương trình).
Tuy nhiên, xét về bản chất, sản phẩm của quá trình học tập lịch sử ở học sinh là nhận thức lịch sử có tính chủ thể, mỗi học sinh là một chủ thể riêng biệt với sự phong phú về thế giới quan và trải nghiệm.
Đặc biệt khi du nhập giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội ở trên, với sự xuất hiện các vấn đề của “hiện tại”, chắc chắn nhận thức lịch sử của học sinh sẽ “muôn hình vạn trạng”. Trong quá trình thảo luận và trao đổi ý kiến, phê phán lẫn nhau, những nhận thức nào có tính lô-gic, chủ thể, thực chứng nhất sẽ đứng vững và được thừa nhận. Sự hấp dẫn của môn Lịch sử trong nhà trường là nằm ở chỗ này.
Nhưng nhìn từ thực tế, không thể không đặt ra câu hỏi “liệu rằng các cấp quản lý và giáo viên có sẵn sàng cho điều đó?”. Bởi nếu không, việc du nhập giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội sẽ chỉ dừng lại ở hình thức, không đem lại hiệu quả thực tiễn.
Sự “biến mất” của môn Lịch sử ở cấp tiểu học, THCS và địa vị “tự chọn” bấp bênh của nó ở THPT hiện đang là tâm điểm quan tâm của giáo viên bộ môn này. Nhiều giáo viên phản đối quyết liệt, gọi đây là sự “khai tử” môn Lịch sử và lo lắng các thế hệ tiếp theo sẽ “không biết gì về lịch sử dân tộc”.
Về phía mình, Bộ GD&ĐT muốn thuyết phục được giáo viên giảng dạy lịch sử ở hiện trường, học sinh và công chúng, thì cần phải tính đến và chinh phục những thử thách trên.
Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng báo năm 2015, in lại trong “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”
Tìm mua sách tại Nhà sách Vương gia
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
- Khi người thầy nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy”
- Lịch sử giáo dục Nhật Bản: Phong trào “viết văn về đời sống”
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam môn Lịch sử Nguyễn Quốc Vương