Một sự hiểu lầm về việc thay đổi con người
- Thái Hạo
- •
Dưới đây chỉ là sự trình bày quan điểm cá nhân, không có ý áp đặt gì ngoài việc chia sẻ một góc nhìn, nên cũng xin đọc như một sự tham khảo.
1. Tôi thấy có nhiều người (xin lỗi) ảo tưởng về việc có thể thay đổi con người bằng một vài bài viết hay vài cuốn sách. Điều ấy chỉ diễn ra ở một thiểu số có thiên tư và phẩm chất đặc biệt; loại người này sẽ “đốn ngộ”, “hoát nhiên đại ngộ” khi chạm vào một câu trả lời mà họ đã chờ đợi từ lâu. Đại đa số còn lại thì cả đám chữ sẽ trượt qua ngoài da.
Để gây nên một sự “vỡ lẽ” tức thời thì có lẽ không khó; để gây nên một mối xúc động nào đó từ một bài viết hay cuốn sách thì cũng tương đối dễ dàng; nhưng để thay đổi một con người từ suy nghĩ, quan niệm, tín niệm thành lối sống và thống nhất trong hành xử thì không hề giản dị một chút nào, nếu không muốn nói là vô cùng gian nan. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, “3 tuổi định 80”.
Mọi việc sẽ không có gì đáng ngại nếu mọi thứ cứ suôn sẻ như thường, nhưng khi con người rơi vào tình huống có vấn đề và buộc phải chọn lựa, thì lúc ấy cái “bản tính sâu kín”, cái vô thức thăm thẳm trong nó sẽ hành động để chống lại những gì mà nó mới học được. Dũng khí hay bạc nhược, cao thượng hay thấp hèn, trung thực hay dối trá, lên tiếng hay im lặng, nỗ lực hay buông xuôi, v.v. sẽ bộc lộ ra, và thường là những cái xấu sẽ chiến thắng nếu không có một sự TU DƯỠNG đã đủ để hun đúc thành phẩm chất.
Khó đến vậy thì buông trôi chăng? Khó nhưng không phải vô vọng. Để hình thành nên tín niệm và lối sống thì chính mỗi người (sau khi đã vỡ lẽ) phải luôn tự nhắc và áp dụng vào trong đời sống để biến nó thành “cái thường nhật”. Con người là thói quen, không phải là tư tưởng! Tư tưởng còn ở trên bề mặt, phải biến tư tưởng thành thói quen sống, thói quen suy tư, thói quen cảm xúc… nếu không nó sẽ bay biến khi có sự cố.
Điều quan trọng nữa là, từ những giá trị căn để và phổ quát mà ta tâm niệm thì phải lan tỏa và thực hành trong những môi trường sống của cá nhân mình như, gia đình, lớp học, hội nhóm… bằng chính hành xử của ta. Một người luôn kêu gào tự do trên màn hình nhưng lại độc đoán với con cái, hà khắc với học trò… thì đó cũng chỉ là những giáo điều. Bánh vẽ không ăn được, dù có đẹp tới đâu. Chỉ có lối sống văn minh của ta, những người đã “giác ngộ”, mới có thể lan tỏa và gieo hạt trong cộng đồng của mình được. Anh rao giảng tự do, nhưng ai “còm” một câu trái ý là anh nổi đóa và có thể “lốc” họ luôn thì thực ra anh chỉ đang có cái tự do trên môi mà thôi, còn con người thật sự của anh là con người chuyên chế.
2. Khi ta làm được tất cả những điều trên thì đó là một sự tuyệt vời, nhưng có lẽ vẫn không nên hiểu nhầm, vì như thế vẫn chưa giải quyết được một cách căn bản trên phạm vi toàn xã hội. Những thực hành trên kia chỉ giúp tạo ra một tầng lớp người “tinh hoa” làm nòng cốt cho sự chuyển biến của xã hội; hay nói rõ ra là để tạo nên một bước nhảy về mặt chính trị.
Vì chính trị mới quyết định tất cả, chính trị là khí quyển của xã hội. Anh không thể duy trì và nuôi lớn tự do và các giá trị phổ quát khác một cách lâu dài trên phương diện toàn xã hội nếu cái chính trị chuyên chế còn ngự trị ở đó. Cho nên tất cả những nỗ lực ở mục 1 chủ yếu chỉ để thực hiện cái mục đích rất rõ ràng, tường minh và cụ thể là thay đổi chính trị. Từ đây, khi đã có được một nền chính trị tiến bộ thì cái thiết chế ấy mới bắt đầu thực hiện công cuộc thanh tẩy và khai minh của mình bằng tất cả những công cụ mà nó được trao cho. Luật pháp tiến bộ là thanh bảo kiếm quan trọng nhất để kiến tạo một xã hội văn minh; bên cạnh nó và song song với nó là một nền giáo dục khai phóng. Cả hai sẽ cùng hành động bên cạnh các thiết chế bộ phận khác, để phục sinh và khai sinh con người văn minh.
Tôi không có nhiều hi vọng đối với nhiều người hô hào lật cái này, lật cái kia khi thấy trong hành vi ngôn luận của họ đầy thành kiến và sự áp đặt. Tôi cũng không có nhiều niềm tin vào đường hướng của họ. Thay vì dúi dao vào tay người khác, hãy nỗ lực kiến thiết và lan tỏa tri thức và hành xử văn hóa để nâng cao dân trí. Chính dân trí, chứ không phải cuốc thuổng gậy gộc, mới làm nên những thay đổi thật sự từ sâu bên trong như một thứ nội lực sẽ bung ra mà không một trở lực nào có thể kìm kẹp.
Để thay đổi một xã hội, hiểu như là sự thay đổi văn hóa một cách căn bản, phải tính bằng thập kỷ kể từ khi nó có được một nền chính trị tiến bộ. Công cuộc ấy, nếu ai ảo tưởng và nóng vội vì nhìn nhận vấn đề quá giản đơn thì tất rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, và sẽ không đi tới đâu cả. Cần nhìn thấy hết những gian nan; và nhất là cần có một tâm thế trường viễn được nuôi dưỡng bằng lý tưởng và tình yêu lớn thì mới có thể thành tựu được.
Thái Hạo
Đăng lại từ bài viết “Về một sự hiểu lầm” trên Facebook Thái Hạo
Dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng thay đổi con người