Người làm khuyến đọc không mong mình được khen thưởng và không làm nó vì phần thưởng hay giấy khen nhưng việc nhà nước hay các cơ quan ban ngành, tổ chức có liên quan khen thưởng, tôn vinh họ có tác dụng xã hội lớn.

Chính vì vậy ở Nhật Bản, nhà nước với đại diện là Bộ văn hóa, giáo dục, thể thao, khoa học và công nghệ (chịu trách nhiệm là bộ trưởng) đã quan tâm sát sao và khen thưởng thưởng xuyên các cá nhân, tập thể, đoàn thể, địa phương có đóng góp cho phong trào khuyến đọc thông qua các mô hình, hoạt động, hành động cụ thể có hiệu quả.

Tiêu chí được khen thưởng được xem xét chủ yếu dựa trên 4 nội dung được trình bày trong “Phương châm cơ bản” (nằm trong Kế hoạch cơ bản khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em ban bố định kì):

(1) Giảm tỉ lệ trẻ em không đọc sách.

(2) Đảm bảo cơ hội đọc sách cho các đối tượng trẻ em khác nhau.

(3) Xây dựng môi trường đọc sách ứng phó với xã hội số.

(4) Xúc tiến hoạt động đọc sách đứng trên lập trường của trẻ em.

Tính từ năm 2018 tới năm 2022, Bộ trưởng Bộ văn hóa, giáo dục, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản đã khen thưởng 1.152 tập thể, tổ chức, cá nhân, đoàn thể. Trong đó có 669 trường học, 229 thư viện, 232 đoàn thể, 22 cá nhân.

Như vậy đủ thấy Nhật Bản quan tâm tới khuyến đọc như thế nào.

Ở Việt Nam lác đác cũng có các cá nhân, tập thể được khen thưởng về khuyến đọc nhưng chưa đáng kể và chưa tạo ra hiệu ứng truyền thông rộng rãi trong xã hội.

Vì vậy, ở Việt Nam rất cần nhiều giải thưởng khuyến đọc ở mọi cấp để đẩy phong trào lên và đi vào chiều sâu.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: