Kể từ Đàm Thận Huy, rất nhiều người con của làng Me đã cống hiến cho Giang Sơn Xã Tắc.

Em trai của Đàm Thận Huy là Đàm Thận Giản đỗ Hoàng giáp năm 1499 đời vua Lê hiến Tông. Thời vua Lê Tương Dực, nhà Vua hỏi hỏi ý kiến Thận Huy về việc phong em ông làm Thượng thư bộ Công, Thận Huy đã khiêm nhường đáp rằng: “Thần đã làm thượng thư, nay em thần lại lên thượng thư, thần e rằng thiệt đường cho người hiền tài trong thiên hạ”.

Dù vậy sau đó, Thận Giản vẫn được bổ nhiệm chức vụ này.

Những người con trung nghĩa tài giỏi của làng Me (P2)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nơi sinh nhiều nhân tài

Làng Me và dòng họ Đàm sau này có nhiều người đỗ đạt làm rạng danh cho làng. Con trai Đàm Thận Giản là Đàm Cư  đỗ Hoàng giáp năm 1538, làm Thượng thư qua 6 bộ, được phong tước Thế quận công.

Cháu 6 đời của Đàm Thận Huy là Đàm Công Hiệu đỗ khoa Sĩ vọng năm 1684, được tiến cử giảng dạy cho thế tử Trịnh Cương. Sau này Trịnh Cương lên ngôi Chúa, trở thành bậc minh quân hiếm hoi trong 12 đời chúa Trịnh. Việc đó có công dạy dỗ rất lớn của Công Hiệu. Sau này ông làm Lễ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, tước Nghĩa Quận công.

Học trò của Đàm Thận Huy nhiều người đỗ đại khoa. Vào khoa thi năm 1508 có 3 Tam khôi đều là học trò của ông, trong đó Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh là người làng Me nên còn được gọi là Trạng Me. Trạng Me 2 lần đi sứ sang nhà Minh, tài ứng đối của ông khiến Triều đình nhà Minh phải khâm phục.

Theo cuốn “Kinh Bắc xứ cao khoa hiền hoạn” do tú tài Nguyễn Nam Thanh soạn năm 1893 và cuốn “Cổ Mặc danh công truyện ký” do Độn Phu Nguyễn Tử Trinh soạn năm 1681 thì làng Me có đến 23 người đỗ đại khoa, có nhiều nhân tài nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Triều đình.

Quê ngoại của Nguyễn Du

Họ Trần ở làng Me cũng có tiếng về khoa bảng và là họ ngoại của Nguyễn Du. Họ Trần 3 đời đầu ở làng Me chỉ đậu đến tú tài, nhưng từ đời thứ 4 trở đi thì có nhiều người đỗ cao.

Trần Nhiễm Khê sinh năm 1472, từ trẻ đã thể hiện tài thơ văn uyên bác, sau này đỗ tam trường kỳ thi Hội, đươc cử làm Giáo thụ ở Quốc Tử Giám, lúc mất được Triều đình phong làm “Thái bảo thiện dụ hầu”.

Đến đời thứ 5 có Trần Ngạn Húc đỗ đầu kỳ thi Hương, sau đó thì đỗ Tiến sĩ năm 1538. Sau đời thứ 5 thì đất nước rơi vào chiến loạn, họ Trần có nhiều người đỗ đạt và phò tá vua chúa.

Đến đời thứ 9 có Trần Ôn làm quan ở địa phương, có người con gái là Trần Thị Tần. Trần Thị Tần lấy Bồi tụng (tương đương Tể tướng) Nguyễn Nghiễm, sinh ra Nguyễn Du.

Là ngôi làng có tiếng về văn hiến khoa bảng, người xưa khen làng Me là nơi “đất mực thơm có tiếng của vùng”.

Bảo tồn truyền thống

Người dân làng Me vẫn luôn có ý thức bảo tồn truyền thống. Nhiều công trình được xây dựng có giá trị văn hóa lịch sử đến ngày nay như Đình làng được xây dựng từ thời nhà Lê, đến thời nhà Nguyễn thì được xây sửa lại, đến nay là một công trình khang trang cổ kính của làng.

Làng còn có đền thờ những người đỗ đại khoa, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa như đền thờ cụ Tiết nghĩa Đàm Thận Huy, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, đền thờ Quốc sư Đàm Công Hiệu, đền thờ Quận công Đàm Đình Cư, đền thờ cụ Hoàng giáp Đỗ Đại Uyên…

Ngoài truyền thống khoa bảng, làng Me còn có nghề chạm khắc gỗ từ thời nhà Lý, nhiều nghệ nhân của làng thời đó được tuyển vào cung để chế tác ngự dụng, nghề chạm khắc phát triển sang các làng bên. Ngày nay làng vẫn nối tiếp được nghề chạm khắc truyền thống, 80 – 85% số hộ gia đình làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ, nghề truyền thống trở thành nguồn thu nhập lớn của làng, có 5 người được công nhận là “Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ”.

Làng Me nay là làng Hương Mạc, gần như đã phố hóa, nhưng những câu truyện cùng di tích văn hóa truyền thống của làng thì vẫn đựợc truyền lại để các thế hệ sau này kế tục truyền thống tốt đẹp của cổ nhân.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: